Nơi góc sân phía trước nhà tôi là cây lộc vừng đang độ ra hoa. Cách đây mười mùa hoa, tôi đã đưa nó từ một nhà bà con trong xóm về trồng, thay cho cây lộc vừng mà tôi đã bán đi cùng với ngôi nhà sàn.

Ngày mới đưa về cây chỉ to bằng cán rìu, cán cuốc, cao hơn đầu người một chút. Bây giờ thì gốc đã to bằng cái cối giã gạo. Cây cao tới lưng chừng mái nhà hai tầng của tôi. Chừng một tầm tay với cây lại xòe ra ba, bốn cành đối xứng nhau như người đứng giang đôi tay đón khách. Mười năm qua, hai vợ chồng tôi để cây sống tự nhiên, không bón thúc tưới tắm gì, cũng không dùng thuốc kích thích cho cây ra hoa … chỉ thi thoảng tỉa bớt cành. Có người cho là cây lộc vừng này phát triển là do được gần con người! Dưới gốc cây là bộ ghế đá và chiếc võng gai. Những ngày hè khách đến thăm chỉ muốn tôi tiếp họ ở đó.

Cây lộc vừng ngày càng lớn, càng giống cây nấm đất khổng lồ. Cây nhiều cành, nhiều nhánh, nhánh nhiều lá. Cành, nhánh thì xù xì, còn lá xanh đều tăm tắp có hình trái xoan. Từ xa nhìn cây lộc vừng chỉ thấy một tán xanh đứng tần ngần nơi góc sân nhà. Mùa cây ra hoa người tới gần mới hay bởi những dây hoa của nó như rèm buông, như dây pháo tết, buông xuống ẩn giấu dưới tán lá xanh xùm xòa.

Vào lúc mặt trời xuống núi là cây lộc vừng ra hoa, càng về đêm hoa càng nở rộ, trở về sáng là hoa rơi lã chã và khi trời sáng rõ thì hoa rụng hết, chỉ còn những cuống hoa khẳng khiu buông thõng xuống. Đàn ong kiếm mật cũng có mặt từ lúc nào không rõ, tờ mờ sáng đàn ong đã vây kín cây lộc vừng, tiếng ong kêu râm ran như sắp tới giờ tan hội. Lúc này, dưới mặt đất quanh gốc cây là một tấm thảm đỏ. Bộ ghế đá và chiếc võng gai cũng rực một màu đỏ tươi. Tôi nằm trên võng giờ này sẽ như một hoàng tử đang nghỉ ngơi trong cung cấm của vua cha. Vợ tôi vội gom xác hoa lại cho vào thúng và tôi đưa những thúng xác hoa ấy ra đổ vào gốc những cây bưởi Diễn đang độ trĩu cành nuôi quả. Nếu chậm, những xác hoa đó sẽ bị người giẵm nát và gặp cơn mưa bất chợt sẽ chuyển sang màu trắng bệch bạc như vôi gặp nước.

Bước vào tháng 6 âm lịch hàng năm là cây ra hoa. Những ngày nắng nôi, oi bức là dịp cây lá tươi tốt và hoa lộc vừng đêm đêm rơi xuống gốc, như người con gái khóc thầm, muốn giấu đi nước mắt của mình. Nhớ lại một ngày hè năm tám mươi thế kỷ trước, có hai người bạn tôi là nhà giáo, cũng là bạn văn chương, đó là Thế Mạc và Nguyễn Kế Nghiệp, quê xứ Đoài, nhân kỳ nghỉ hè hai ông lên thăm tôi. Dưới tán cây lộc vừng bên mái nhà sàn (mà tôi đã nhắc tới phần đầu), chúng tôi ngồi nhắc lại sự tích cây lộc vừng - với câu chuyện tình đầy cảm động của chàng trai và cô gái nơi bản nhỏ miền núi. Chàng trai và cô gái yêu nhau tha thiết. Có tên công tử - con trưởng bản, muốn cưới cô gái làm vợ nên bắt chàng trai vào rừng tìm cho hắn báu vật. Thấy chàng trai vào rừng đã lâu mà không về, cô gái cũng vào rừng tìm người mình yêu. Đến nơi, chàng trai đã kiệt sức và chết. Cô gái đã khóc thương chàng trai đến chết và nàng đã hóa thành cây lộc vừng. Hoa là nước mắt cô gái rỏ xuống mộ chàng trai. Từ câu chuyện tình cảm động ấy, tác giả Nguyễn Kế Nghiệp đã viết một kịch bản phim về một cô gái miền núi và anh bộ đội thời chiến. Phim được khởi quay vào ban đêm tại bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Vợ chồng tôi đêm đó cũng được mời tham dự.

Bây giờ, nhà thơ Thế Mạc và tác giả truyện phim Nguyễn Kế Nghiệp ngày ấy không còn nữa. Ngôi nhà sàn và cây lộc vừng cũng biệt tăm. Dẫu ngày nay cây lộc vừng vẫn nằm trong bộ cây qý theo phong thủy phương Đông: Sanh - sung - tùng - lộc. Nhưng lộc (lộc vừng) thì "dân cây cảnh” khi mặn, khi nhạt, giá cả lên xuống, có lúc giá "như bèo”.

Nhưng cây lộc vừng mười tuổi của tôi hôm nay (chắc là con, cháu cây lộc vừng ngày đó) cứ vào hè nó lại ra hoa, mặc cho cảnh cũ, người xưa và lòng người đã khác. Còn tôi - vốn là một chàng trai trong bản, tuổi đã xế chiều vẫn ngồi dưới gốc mà ngắm lộc vừng ra hoa. Mấy chục mùa hoa qua đi, tôi đã đi nhiều nơi cả trong và ngoài nước và may mắn đã tìm được báu vật riêng cho mình. Những ngày này ngồi đây mà ngẫm ngợi, trăn trở để viết nên những câu thơ, áng văn từ những báu vật đó, dâng lên làng, xóm, quê hương, đất nước và bạn bè. Vì thế chẳng cứ mùa hè đến là cây lộc vừng lại ra hoa rồi tả tơi rụng xuống - nơi mà tôi vẫn ngồi viết trên ghế đá và ngả lưng trên chiếc võng gai. Vợ tôi - một cô gái cùng bản, tuổi đã xế chiều, ngày ba bữa cơm nước cho tôi và những ngày này sáng sáng lại gom xác hoa lại để tôi bón vào gốc cây trong vườn nhà. Còn cây lộc vừng vẫn đứng đó, dáng trầm tư như ngóng đợi một người nào đó và như cố nhớ lại một điều gì đó đang bị quên lãng.

 


                                         Tản văn của Đinh Đăng Lượng


 


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục