(HBĐT) - Đang yên đang lành thì được lệnh của bác trưởng họ: "Về có việc gấp. Nhà bác có biến”. Tức tốc về. Nhà yên ắng, chẳng có việc gì. Hàng tre bên chái nhà vẫn rì rào khúc hát ngàn năm: bình yên như chưa bao giờ giông gió, nắng mưa. Chỉ lạ là vợ chồng con trưởng bác không ở nhà. Anh Thiều đi vắng đã đành, đằng này, chị Len cũng không có mặt.

Mọi khi nhà có việc, con cháu về đầy nhà, chị Len là người chỉ đạo chung mảng nội trợ. Cơm nước cứ gọi là tăm tắp… Bác cả kéo tay tôi ra phía ao và chỉ một đống bát vỡ và cả cái chày giã cua nằm chỏng chơ: "Sản phẩm” của của chị dâu cháu đấy! Khiếp, nghe ù cả tai vì chuyện lạ lẫm này. Ai làm việc này thì không biết chứ chị mà làm những việc "hót hòn họt” này ử ?...Bác tiếp lời: "Tại thằng Thiều đấy…”. Giọng bác chùng xuống, rung rung: cũng chả phải tại nó đâu. Nó đâu muốn thế, bác đâu muốn thế….Mái tóc bạc rũ xuống, lất phất trong gió chiều.

Chuyện này chỉ có 3 người biết thôi: Bà nội, bác và giờ là anh Thiều đấy. Mãi sau khi xuất ngũ, bác mới biết. Bà nội kể rằng: Năm 1972, khi bác gái vào bệnh viện tại nơi sơ tán để sinh con đầu lòng thì ở cùng phòng có 1 phụ nữ tầm 25 tuổi. Người đó nhanh nhẹn, xốc vác lắm dù một thân một mình đi đẻ. Chị khác mọi người khi mọi trang phục, đồ đạc, đồ sơ sinh toàn bằng quần áo bộ đội cắt ra, cả cũ và mới. Điều buồn là con đầu của bác vừa chào đời thì mất. Chuyện này chỉ có bà nội biết vì mẹ ở phòng khác sau mổ. Người phụ nữ kia cũng sinh con trai. Được 3 ngày, trong nước mắt, chị nói với bà nội: "Cháu phải vào chiến trường, không thể nuôi cháu được. Nhờ cụ thương tình. Sau này, hết chiến tranh, cháu sẽ đến tìm cụ”. 2 người phụ nữ 1 già một trẻ nước mắt sụt sùi. Bà nội là người cũng xử lý nhanh bởi cái tin con trai mất sẽ khiến bác gái sẽ rất "sốc” sau hậu phẫu nên nhanh chóng "hợp thức hóa” bé trai kia. Theo bà nội kể: thằng bé kia lúc sinh ra đã rất ngoan. Khóc rất ít. Đôi mắt "khôn” hơn những đứa sơ sinh khác. Bà ấn tượng bởi cái bớt khá to bên má phải của nó.

Ngày ra quân, bác đâu biết sự tình đó, chỉ thấy hơi lạ một chút là cả dòng họ chẳng có ai có tóc xoăn trước trán, riêng anh Thiều lại thế. Dường như nhận ra điều gì đó, bà nội đã trò chuyện riêng với bác. Bất ngờ, hẫng hụt nhưng bác vẫn trả lời bà: Con mong mẹ đừng nói với ai. Để cháu sống yên ổn trong cuộc sống gia đình mình. Con không có ý kiến gì cả. Con thương nó…

Cách đây 3 tháng, khi đến cái tuổi "thất thập” này, bác trưởng cho anh Thiều biết về sự thật để anh quyết định lấy mọi mối quan hệ. Thực tâm, nếu nó tìm được bố mẹ ruột cũng là điều đáng quý chứ sao. Bác tâm sự thế. Nói ra cũng nhẹ cả lòng, vì mấy chục năm qua, chuyện này luôn hiện hữu trong lòng…

Sao chúng tôi không biết sự thật này hả anh Thiều ? Hồi nhỏ, đám trẻ chúng tôi đâu có xa lạ với nhau. Anh hơn vài tuổi nhưng trò gì của đám nhóc hay chơi cũng có anh. Bắt tổ chim sáo trên núi, hái trộm bưởi nhà cụ Kía, "thăm” vườn mía tím nhà cô Tuy hay mấy trò nhảy sông, chơi trận giả nữa. Chỉ có điều, anh Thiều luôn là người ít nói và hay nhường nhịn đám nhóc chúng tôi nhiều chuyện. Có 2 sản phẩm mà chúng tôi phục anh là tài lặn nước và độ khéo tay trong việc làm lồng chim. Hồi nhỏ, ít tuổi thế mà món đan lát của anh được bà nội tín lắm. Phiên chợ nào bà cũng bán được mấy lồng chim và mấy cái đó do anh làm đấy. Anh đi rừng, trèo núi nhiều hơn đi học nên sức học cũng hạn chế.

Lớn lên, chúng tôi đi muôn phương, còn anh Thiều ở nhà lao động sản xuất chăm lo việc gia đình, dòng họ. Không thoát ly nên anh cũng lấy vợ sớm. Chị Len ở xóm bên, tuy không xinh nhưng lại duyên thầm nên đã "tóm” được anh. Chỉ biết là từ ngày nên vợ nên chồng chưa một chuyến đi xa nào anh đi lại thiếu chị. Cho nên chuyện chị 1 tháng 8 lần đứng ngóng chồng bên suối Be, dưới chân núi Đùng là chuyện hiếm hoi.

Điều đáng nói là số lần anh đi chỉ 4 lần nhưng toàn qua đêm. Hỏi thì anh gắt. Hỏi nữa thì anh thở dài, lảng tránh, khác hẳn mọi lần nên chị Len mang con tìm về bên ngoại khóc lóc. Được "tư vấn” lại về rồi lại đi. Mọi chuyện cứ rối lên dần và cuối cùng là khổ thân mấy chồng bát đũa và cái chày giã cua bị ném lăn lóc ra bờ ao. Khổ thân bác và anh, "tình ngay lý gian”. Bác chỉ bảo: Mẹ Len này, thằng Thiều không "lăng nhăng” gì đâu, nó có việc không đừng nên phải đi thôi…”. Chị càng khóc tợn vì cho rằng bố chồng "bênh” con trai…

Mới 2 tháng không gặp mà anh Thiều đã xuống cấp quá thể. Mái tóc đẹp có lọn tóc quăn trước trán bị anh phăng hết. Đầu bốc. Đôi mắt thâm quầng. Khuôn mặt hốc hác. Riêng vóc dáng to cao vẫn tạo cho anh cái thế của người luôn làm chủ tình thế. Chuyện anh đi tỉnh H. "qua đêm” vẫn là câu hỏi lơ lửng của chị Len và bà con trong xóm. Riêng tôi chỉ dám hỏi:

- Anh có tìm được manh mối gì không? Sao không kể hết cho chị biết ?

- Bản thân anh còn bị "sốc” nữa là chị. Anh sợ mẹ con cô ấy buồn và coi thường là anh "không gốc rễ”-Anh bùi ngùi phân bua- Đến mẹ anh lúc mất còn cứ nghĩ anh là con đẻ đấy chứ…

Vâng, qua các manh mối, anh Thiều đã về một số tỉnh, huyện lân cận mà anh nghi rằng "cô bộ đội”, "cô thanh niên xung phong”-mẹ đẻ của mình năm ở bệnh viên H vẫn đang sống ở một xóm, làng nào đó. Anh muốn tìm về cội nguồn.

Mỗi nơi anh về lại là bao câu chuyện khác nối tiếp. Có người kể cho anh rằng: Cô thanh niên xung phong ấy vì quá yêu một anh bộ đội lái xe qua trọng điểm nên dẫn đến có thai. Vì không muốn ảnh hưởng đến người yêu, cô đã giấu và đi đẻ một mình. Còn anh bộ đội sau đó vào Nam và đã hy sinh. Lại có câu chuyện khác có hậu hơn: Sau chiến tranh, cô gái và anh bộ đội đã gặp nhau, cưới nhau và vẫn đang hành trình đi tìm lại đứa con thời chiến năm nào. Chuyện nữa, tháng trước, anh đến 1 huyện khá xa vì qua điện thoại, có 2 vợ chồng nhà nọ nhận là "con của người phụ nữ” kia muốn gặp anh để nhận anh em, họ hàng vì lời trăng trối của mẹ về một người con trai được sinh ra vào những năm 70 của thế kỷ trước. Anh gặp, thấy chú em kia có nét hao hao giống mình nhưng phải chờ ADN… Anh đã nghĩ đến việc gửi đơn nhờ "Như chưa hề có cuộc chia ly” trên truyền hình tìm giúp rồi cả mạng xã hội nữa…Anh khao khát, anh hy vọng…

Chiều nay, 2 anh em ra bờ suối Be, nơi chúng tôi ngày nhỏ tập bơi, bắt cua, bắt cá. Gió núi thổi hoang tàng, mạnh mẽ.

- Thế anh có quyết tâm không ?

- Gia đình đây vẫn là cội rễ của anh và anh vẫn phải đi tìm mẹ. Nếu không gặp và có thể bà đã qua đời nhưng anh cần biết quê mẹ ở đâu để lấy chỗ đi về, hương khói…-Giọng anh chùng xuống, có chút lấp lánh của hơi nước đâu đó. Gió núi chiều dữ dội, khiến mắt phải cay hơn…

Kìa, bên kia suối, phía quê vợ anh, bác cả tôi cùng thằng lớn nhà anh: 2 ông cháu vừa đi vừa trao đổi câu chuyện gì đó. Phía sau, chị dâu tôi tay dắt bé gái thập thững bước theo, mắt nhìn xa xăm.

Quên cả mùa nước lớn, chẳng cần vòng về phía cầu gỗ, anh ào lội sang bờ bên kia. Nhìn những sải chân mạnh mẽ, bất chấp dòng nước xiết, tôi tin anh sẽ sang được bờ.

 

                                                                 Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục