(HBĐT) - Quăng tờ báo xuống bàn trà, anh K. bạn cùng phố lẩm bẩm:

- Thật chẳng ra làm sao… Có mỗi chuyện hát hò mà một người suýt mất mạng. Ghê thật…

Thấy thế, bà bán nước nhổm hẳn người lên, hóng:

- Chuyện gì thế, vụ án giật gân à?

Vòng vèo một hồi, chuyện mà tờ báo phía Nam đưa tin gói gọn thế này: Chung quy là tại mấy anh có tý bia, rượu say hát ka-ra-ô-kê đường phố, ka-ra-ô-kê mi-ni quá mức, ầm ĩ cả dãy phố suốt buổi trưa. Và một thính giả bất đắc dĩ không kiềm chế được đã nổi đóa ném hẳn cái ghế vào bộ loa di động trên hè phố kia. Thế là ẩu đả. May mà mọi người can ngăn không thì án mạng chứ chẳng chơi.

Chà, chuyện thưởng thức âm nhạc xứ ta thật đa dạng, phong phú vô cùng. Một thời, sau khi các quán ka-ra-ô-kê mọc như nấm sau mưa bão hòa, thì đến thời gia đình nào có điều kiện đều có thể sắm bộ dàn tầm tầm để luyện giọng. Nhất là khi "phong trào" bô-le-rô lên ngôi, chuyện hát hò xem ra càng rộ… Đồng hành với nó là ka-ra-ô-kê mi-ni. Miền Bắc còn đỡ, chứ miền Nam nghe nói rôm rả lắm…

- Dân xứ ta yêu văn nghệ thế là mừng chứ, sao ca thán cái gì?

Bà chủ quán thủng thẳng:

- Nhưng chuyện buổi trưa muốn ngủ một tý mà nhà hàng xóm nổi hứng thích hát... thì biết rồi… Ở phố phường còn đỡ, chứ lần về quê cũng thấy cũng không ổn. Ngày lễ, ngày Tết… cứ là om sòm. Nhà nọ, nhà kia thi nhau mở hết cỡ kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy”…

Rồi câu chuyện ca hát tại các đám cưới hỏi được phen điểm đến. Một anh ở phố bên góp chuyện: Ngày vui của nhà người ta kể ra cũng nên thông cảm. Đêm hát hò đến tầm 22 giờ có thể chấp nhận. Đời người có một lần… Nhưng hôm nọ, được dự đám cưới ở phố huyện nọ thì thật không thể chịu nổi. Trong vòng 45 phút "thưởng” cỗ mà cả mâm không thể trao đổi với nhau câu nào cho ra hồn. Bởi vì, loa đài quá to, quây 4 phía rạp. Vì các "ca sĩ", nhạc công thay nhau trình diễn. Tiếng đàn, tiếng hát không lúc nào ngớt… khiến việc trò chuyện với người bên cạnh là điều không thể. Thế là mời, chúc tụng nhau chỉ bằng hành động, ánh mắt. Mọi người ai cũng vội vàng chan chan, gắp gắp để nhấp nhổm đứng lên. Để lại đằng sau sự ồn ào của âm nhạc và tiếng các thực khách cố phải nói to… Thoảng trong số đông người rời đám cỗ, có vài người lắc đầu, nhún vai… Phía sân khấu, cô ca sĩ nghiệp dư vẫn chồm chồm "Em muốn sống bên anh trọn đời…". No nê âm nhạc. Sướng…

- Nhưng giờ thay đổi nhiều các ông ơi. Tiếng một ông bạn khác góp vào: Nhà có điều kiện thì thuê mấy nhạc công chơi nhạc cổ điển "tỉa” các bài tình ca nổi tiếng trong nước, quốc tế. Sang trọng lắm… Còn không thì nhạc không lời thôi. Hôm nọ, dự đám cưới con chị bạn. Rõ là cải tiến mà cũng rất vui. Sau màn lễ tân hôn có chút rộn ràng, đến khi thực khách bước vào phần ăn uống, nhậu nhẹt, thì gia chủ chỉ cho nhạc không lời du dương thôi. "Cắt” hẳn phần của các bà sồn sồn hay hát, yêu văn nghệ thái quá. Quả thật, thấy thoải mái hẳn. Trong tiếng pi-a-no, ghi-ta du dương, réo rắt vừa đủ nghe, khách khứa có thể giao lưu trò chuyện cùng nhau. Có người mấy năm mới gặp lại bạn nhờ đám cưới này. Tiếng nói, cười hòa vào tiếng nhạc khiến bữa cỗ cưới vui, đầm ấm, ý nghĩa… "Phom” đó, dưới Hà Nội, Hà Đông làm lâu rồi… Ta cũng phải thay đổi.

Nói vậy chứ ở thành phố, thị xã còn dễ làm thế. Ở các huyện, lúc ăn cưới mà thiếu hát thì nhạt lắm. Cho nên câu chuyện này còn bàn cãi nhiều…

Bùi Huy


Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục