(HBĐT) - Ngay khi cậu út nhận giấy báo vào đại học, ông Dũng như thấy mình trẻ lại. Ôi sao mà háo hức, phấn khích. Mừng cho con sắp bước vào một môi trường học hành chuyên nghiệp, hướng tới tương lai rộng mở, vừa rưng rưng xúc động khi sắp được trở lại chốn xưa. Cũng gần 10 năm rồi chưa quay về. Về đây là gặp lại "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…”, là về với tuổi trẻ, với gió mùa thu hanh hao năm nào. Ông nói với bà: "Chuyến này, bà về cùng tôi. Tôi sẽ chỉ cho bà thấy chỗ tôi học tập ngày xưa. Bà muốn biết gì thêm, tôi kể chi tiết cho. Kỷ niệm, bạn bè…”. Bà cười nhẹ nhàng: Cứ lo nhập học cho con xong đã. Ông lại cứ lo chuyện cũ, người xưa?


Bà nhìn đơn giản thế thôi, chứ cũng "vật vã” bao lần với thư từ, nhật ký thời sinh viên của ông. Ông thì nghĩ: chuyện đã qua, chỉ là ký ức đẹp, không ảnh hưởng gì đến hiện tại nên các kỷ vật ông cũng không cất giấu kỹ, nhưng bà thì khác (phụ nữ mà). Vì thế, hòm kỷ vật ấy cũng bị bà lật tung lên khiến ông phải tìm cách "sơ tán”… Mà đó là chuyện hồi hai người đến với nhau. Chứ từ hồi có 2 mặt con, nỗi lo cơm áo gạo tiền chiếm hết thời gian, chẳng lúc nào mà mơ mộng lãng mạn. Cũng chỉ có lúc giao mùa, khi gió heo may thổi, ông lại nhớ quá những cơn gió ngoại ô mang theo hương lúa, hương cốm thổi ngang khu ký túc xá sinh viên năm nào. Mà cánh đồng lúa ngoại ô sao tốt và vàng đến thế. Mỗi chiều, cả nhóm choai choai năm thứ nhất, bất chấp bụi bặm lặn lộn đi bộ ra phía ngoại ô. Gọi là đi bộ tập thể thao, hay gọi là "giải ngố” cũng được. Ruộng lúa, ao hồ mùa gặt thật tuyệt đẹp. Cả nhóm "chém” về những ước mơ vô bờ, chẳng bao giờ chạm đến và cũng chẳng bao giờ thực hiện nổi. Phút bốc đồng của tuổi trẻ mà. Cả tuần đầu nhập học, không ngủ nổi vì ánh điện thành phố, vì không quen nằm giường tầng. Đêm, tiếng xe chạy đổ đất trên công trường sát ký túc xá. Tiếng đứa nào ngủ mơ ú ớ gọi mẹ…

Thằng Phúc ở Hải Phòng, cây hài của lớp, luôn được gọi là chuyên gia hát xuyên tạc, nhưng nghe nó nói, nó hát, đố ai nhịn được cười. Toàn những câu hát vui vẻ, ngồ ngộ chứ chẳng hàm ý gì. Nó có mái tóc cắt bốc nhất lớp (trong khi trào lưu lúc đó là để dài, đánh luống giữa). Nó thủng thẳng: "U tôi bảo, nhà khó khăn, cắt trụi thế cho đỡ tiền cắt tóc, đỡ xà phòng gội…”. Mẹ nó chỉ bán buôn nhỏ lẻ ở chợ xép nên việc nuôi cả nhà 10 miệng ăn là khó đấy. Nhưng nó là đứa biết điều lắm. Cái đợt anh lớp trưởng, quê Bắc Kạn ốm, nó là trưởng nhóm đưa cơm cho anh. Năm thứ 3 học căng mà anh ốm (nghe bảo bị ngã nước, ảnh hưởng do hồi hè đi đào đãi vàng ở non cao). Nhà ở xa, chẳng ai biết mà đến chăm, lũ "chíp” này thay nhau đi lại. Mượn mấy anh lớp trước 2 chiếc xe mất chắn bùn, đạp xe 20 km cả đi lẫn về. Xuất cơm 4 thằng, giờ chia thành 5. Phiếu cơm anh lớp trưởng đã được gán cho cô Vân bán căng tin rồi, không thì lấy đâu tiền mà thuốc thang, viện phí. Mệt thế. Ăn một suất đã đói, giờ chia sẻ chắc không có cảm giác đói nữa - thằng Phúc thủng thẳng than, thế nhưng nó là đứa đầu tiên đề xuất việc "chia lửa” với anh lớp trưởng.

Nửa tháng thay nhau vào nội thành đưa cơm nước cho anh ấy, thấy thêm tình đồng môn, bạn bè. Anh rưng rưng: "Chúng mày cứ kệ tao. Ra làm cái bánh mỳ là xong...”. Nói thế, nhưng thấy anh ngốn ngấu chan chan xúc xúc khay cơm sinh viên có rau muống xào và đậu phụ kho mặn chát… biết là anh đói lắm. Lúc mấy đứa đạp xe về ký túc xá thì nhập nhoạng tối. Con đường hun hút gió thổi. Dòng người hối hả đi, đèn đường lấp loáng, hàng quán xập xình nhạc ngoại quốc. Con đường với những cây sấu già trăm tuổi đang mùa sấu rụng, chín thơm. Ôi trời, xe xịt lốp rồi. Vét túi cả 4 thằng còn 10 nghìn đồng. Bác vá xe bên gốc sấu già phố cũ gằn giọng: "Đưa đây xem nào?”. Thủng to, 2 miếng vá đấy. Xe cà tàng trở chứng… Bây giờ, mọi lời phán của bác đều là nỗi kinh khủng. Đường từ đây về trường gần 10 km, dắt kiểu gì đây. Nhìn cung cách bác ấy làm trông thật lành nghề. Rồi cả có tiếng thở dài đánh sượt của bác nữa: "Quê ở những đâu”. Cả lũ tranh nhau trả lời. Hóa ra có đứa gần quê bác này. "Đời thứ 2 là phố thị rồi”. Rồi bác buông thõng: "Xong”. Đón chiếc xe đã bơm căng, thằng Phúc lúng túng trình bày, bác gạt phắt: "Miếng vá hết 15 nghìn đồng. Nếu lúc nào có thì qua đây trả cho tôi”. Cả lũ thở phào. Tưởng đi toi ổ bánh mỳ tối nay. Con đường xa thành gần. Làn gió từ bờ sông thổi tới như mơn man, chia sẻ, thổi thông thốc sau lưng…

Ôi những đứa bạn… Thằng Phúc sau này bỗng dưng "nổi tiếng” về vụ dám đánh nhau với mấy "đầu gấu” ngoài phố để bảo vệ nhóm bạn gái cùng lớp khi bị sàm sỡ. Mất cái răng cửa… Nhưng nó cười như được mùa. Đúng là "hiệp sĩ” nửa mùa… Ra trường trăm người, trăm nẻo đường, trăm số phận. Các bạn tỏa về mọi miền quê. Thằng Phúc lại trở thành một thầy giáo. Đó là điều bất ngờ lớn nhất của cả lớp… Nó cũng có 2 cậu con trai. Thằng lớn đang học đại học ở Hải Phòng. Còn thằng thứ 2, nghe nói cũng nhập học ở Thủ đô năm học này… Đường đời nhiều ngã rẽ, nhưng cũng nhiều dòng sông hội tụ. Biết đâu lại gặp bạn bè ngay từ bàn nhập học, đón chào các tân sinh viên… Biết đâu gặp lại anh lớp trưởng chững chạc trên một đường phố nào đấy trong gió heo may. Bạn bè nam nữ ríu rít gặp và chia nhau nắm cốm đầu mùa thơm lừng. Dù món cốm ấy, chỉ trong câu chuyện về ẩm thực ở xứ kinh kỳ này của đám bạn năm nào.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục