Lễ mừng thọ của người Tày thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Lễ mừng thọ của người Tày thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành.

(HBĐT) - Lễ mừng thọ của người Tày nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng và cầu cho ông bà, bố mẹ khỏe mạnh…

 

Người Tày từ rất lâu đời đã hình thành một nền văn hóa riêng với những bản sắc đặc trưng. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, xã hội, thời gian…nhưng những bản sắc văn hoá của người dân tộc Tày đến nay vẫn còn lưu giữ và bảo tồn.

 

Theo phong tục của người Tày, khi bố mẹ ở độ tuổi 70 trở lên, con cái sẽ làm lễ mừng thọ (còn gọi là lễ thêm lương) cho bố mẹ nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng và cầu cho ông bà, bố mẹ khỏe mạnh, thêm nhiều thời gian ở bên con cháu.

 

Lễ mừng thọ của người Tày thường diễn ra từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau với nhiều nghi lễ. Để chuẩn bị cho buổi lễ, người trong gia đình phải chuẩn bị ba mâm cúng dưới chân bàn thờ; trong đó có một mâm chay dành cho bà mụ sinh, một mâm mặn cúng tổ tiên và một mâm dành cho hành binh, hành kiến. Cùng với đó, một bàn thờ thánh sẽ được đặt ngay cạnh nơi bà then làm lễ cúng.

 

Ngoài những mâm cúng chính, nghi lễ mừng thọ của người Tày không thể thiếu một chiếc lẩu váng tượng trưng cho kho lương của người được mừng thọ, hay còn gọi là lẩu bổ lương. Đây là một khối hình lăng trụ bên ngoài được dán giấy hồng, một chiếc thang nhỏ được cắt từ miếng bìa cứng bằng giấy có 7 bậc thang nếu là đàn ông, 9 bậc thang nếu là đàn bà tượng trưng cho cây cầu mệnh, một cây chuối còn cả gốc rễ được treo tiền vàng tượng trưng cho cây mệnh của người được mừng thọ, một chiếc ô để che mưa nắng và nhiều hình nhân.

 

Trong nghi lễ này còn có thêm một chiếc áo của người được mừng thọ, đây được gọi là chiếc áo đón vía, bởi qua mỗi chặng đường bà then đều phải cúng then xin vía con cháu và người được mừng thọ.

 

Ngoài ra, vào ngày này người Tày thường làm rất nhiều món bánh màu để cúng. Đây là một loại bánh truyền thống của dân tộc Tày, được làm bằng gạo nếp có phẩm màu hoặc những loại cây lọc lấy nước có màu đỏ hoặc hồng.

 

Trong nghi lễ mừng thọ của người Tày, nhân vật chính giữ vai trò quan trọng nhất điều hành buổi lễ là bà Then. Thường thì mỗi gia đình khi làm lễ chỉ mời tới một bà Then nhưng nếu gia đình nào đã có người đi làm Then thì trong ngày này phải mời thêm một hoặc hai bà Then nữa. Ngoài những lời then quen thuộc được coi là vốn liếng không thể thiếu trong lễ mừng thọ, bà Then còn có những vật dụng đi kèm là một cây đàn tính, một chiếc quạt, hai thẻ âm dương, một bộ nhạc ngựa. Bên cạnh bà Then có thêm một người giúp việc thắp hương, đốt tiền vàng, rót rượu, họ làm công việc này song song với việc cúng của bà then.

 

Ngoài bà Then ra, trong các nghi lễ cúng mừng thọ của người Tày, người con rể đóng một vai trò khá quan trọng. Con rể sẽ tự tay quay một con lợn mang xuống làm lễ mừng thọ bố, mẹ vợ; sau khi lễ cúng xong, người con rể sẽ mang cây chuối đi trồng vào góc vườn của gia đình, từ đó việc chăm sóc cây chuối là nhiệm vụ của người con trai cả. Điều này có nghĩa con gái con rể chỉ đến thăm bố mẹ, còn người con trai mới là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.

 

Con cháu, họ hàng trong gia đình đến dự lễ mừng thọ đều phải chuẩn bị những túm gạo nhỏ. Sau khi hành lễ xong những túm gạo đó sẽ được đổ vào một chiếc thúng. Từ thúng gạo này trải một tấm vải đen tượng trưng là cầu nối từ hạ giới lên thiên đình, trên mặt vải đặt những chiếc đũa hình chữ chi cùng vàng mã, tượng trưng cho những thanh cầu và tiền hành lộ. Khi hành lễ xong, lúc mọi người đang ăn uống vui vẻ, người con rể sẽ đến giật tấm vải đen xuống, tượng trưng cho tín sứ trên thiên đình xuống nhận lễ.

 

Lễ mừng thọ của người Tày là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành, là giá trị văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn, gìn giữ.

 

 

 

HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác


Đất nước tươi đẹp qua ảnh của Vũ Hải

Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải - vừa nhận kỷ lục quốc gia ‘Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất’ - mang đến những khung cảnh khi mát lành, khi lộng lẫy về đất nước tươi đẹp, và những khoảnh khắc trân quý cuộc đời.

Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, ấm áp

Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer (đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ 14 - 16/4/2023 (nhằm 24, 25 và 26 tháng 2 Âm lịch).

Tự hào với 22 di sản thế giới tại Việt Nam

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản được UNESCO vinh danh.

Kiến trúc độc đáo nhà dài truyền thống của người Ê Đê

Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.

Khám phá di sản văn hóa nổi tiếng thế giới – Qua chuỗi 6 nước châu Âu “Ý – Thụy Sĩ – Pháp – Bỉ – Hà Lan – Đức”

Châu Âu đã quá nổi tiếng với quá trình xây dựng lịch sử văn hóa và kinh tế tương đối lâu đời, mang đậm nét Hy Lạp cổ đại. Với bề dày lịch sử, các thành phố luôn là điểm thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu một trong những nền văn hóa và văn minh bậc nhất thế giới này.

Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận?

Bạn có thể tự hào khi biết rằng ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới thì Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục