Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp mặt báo chí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp mặt báo chí.

Quốc hội khóa XIV sẽ là Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, Quốc hội hành động vì lợi ích nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định trong cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí.

 

Sáng 23-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí ngay sau khi Quốc hội khóa XIV bầu bà giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội và bầu các ông, bà: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội vào ngày 21-7. Tham dự buổi gặp gỡ báo chí còn có ba Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ và Tổng thư ký Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc.

Đổi mới từ Quốc hội tham luận sang tranh luận

Phát biểu với báo chí sau khi được Quốc hội bầu tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây không chỉ là một vinh dự to lớn mà còn là một trách nhiệm nặng nề trước đồng bào và cử tri cả nước.
“Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi sẽ phát huy kinh nghiệm của các vị Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm để cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo Quốc hội khóa XIV hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ và quyền hạn theo đúng Hiến pháp và pháp luật”, bà nói.

Kế thừa những thành tựu đạt được 70 năm qua và những gì Quốc hội khóa XIII đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề ra phương châm hoạt động của Quốc hội khóa XIV. “Quốc hội khóa XIV sẽ là Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, Quốc hội hành động, vì lợi ích nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội hứa sẽ hoàn thành tốt ba nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, nâng cao tính đồng bộ và khả thi của các đạo luật. Theo đó, Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị để tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong đó, ưu tiên hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân để bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật và các công ước quốc tế, thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường, bảo đảm điều kiện pháp lý tốt nhất cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp và pháp luật, tạo động lực để phát triển nền kinh tế một cách mạnh mẽ theo hướng độc lập, bền vững, tận dụng một cách hiệu quả các cơ hội từ các cam kết quốc tế mà chúng ta vừa ký kết hoặc tham gia.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nhân dân bức xúc để thực hiện những chuyên đề giám sát tối cao, Ủy ban Thường vụ giám sát, và những chuyên đề giao cho các ủy ban giải trình, và từng đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện chức năng giám sát để đóng góp vào giám sát của Quốc hội.

Quốc hội sẽ ưu tiên giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên cơ sở bám sát yêu cầu của thực tế và các lập luận khoa học, khách quan. Trong đó, tập trung vào những dự án, công trình trọng điểm, phát huy hiệu quả trong cuộc sống, có giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân, hạn chế các dự án đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả.

Quốc hội sẽ theo dõi đến cùng việc thực hiện nghị quyết giám sát

    Cuộc gặp mặt báo chí của Chủ tịch Quốc hội diễn ra sáng 23-7.

Để thực hiện những điều này, Chủ tịch Quốc hội cho biết hướng đổi mới của Quốc hội trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng lấy chất lượng, tính khả thi của các dự án luật làm tiêu chí hàng đầu, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật. “Thực tế chúng ta có những điều luật khi ban hành chưa đáp ứng cuộc sống. Cuộc sống luôn đi trước chúng ta, nguyên tắc xây dựng pháp luật là phải bám sát cuộc sống rất quan trọng”.

Hai là, đổi mới hoạt động giám sát thông qua việc tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, đổi mới hình thức giám sát, bảo đảm tính khả thi của các quyết định giám sát. “Nghị quyết giám sát của Quốc hội khóa XIV sẽ được theo dõi đến cùng chứ không đánh trống bỏ dùi”, bà Ngân hứa.

Đồng thời, Quốc hội sẽ đổi mới hoạt động chất vấn ở hội trường. “Đặc biệt, trong giám sát và chất vấn, chúng tôi sẽ nhấn mạnh vấn đề làm rõ trách nhiệm”.

Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội theo hướng tăng cường sự chủ động và tinh thần trách nhiệm của cá nhân từng vị đại biểu Quốc hội. Đổi mới cách thức thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng thay tham luận bằng tranh luận.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Năm là, tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri. Các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội phải dành thời gian tiếp xúc cử tri. Không chỉ tiếp xúc với cử tri bầu ra mình, mà mỗi đại biểu Quốc hội cần tiếp xúc cử tri bất kỳ lúc nào và ở đâu, trong các chương trình công tác thường xuyên của mình.

Quyết không giẫm lên vết xe đổ nợ công

  Rất đông phóng viên tham gia cuộc họp báo của Chủ tịch Quốc hội. 

Sau bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dành nhiều thời gian để trả lời một cách thẳng thắn, cởi mở câu hỏi của các phóng viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng bà tâm đắc nhất kinh nghiệm nào của người tiền nhiệm - nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bà tâm sự rằng mình đã học nhiều kinh nghiệm từ người tiền nhiệm. Đó là bản lĩnh chính trị và quyết đoán – hai yếu tố quan trọng của người lãnh đạo. Bản lĩnh là khi đứng trước vấn đề khó khăn, đưa ra quyết định. Tính quyết đoán là khi đã thấy việc đó đúng đường lối, chủ trương và thực tiễn đất nước thì quyết đoán và nếu sai thì sẵn sàng nhận trách nhiệm.

Với câu hỏi về nợ công có nhiều khả năng vượt giới hạn và ai chịu trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công. Tất nhiên trong vấn đề nợ công thì Quốc hội có trách nhiệm khi quyết định bội chi, phát hành trái phiếu. Còn khi thực hiện thì cơ quan chấp hành của Quốc hội là Chính phủ thực hiện trong điều hành.

Trước đây nợ công không quá 65% và hiện vẫn dưới 65% nhưng nợ Chính phủ vượt 0,3%. Quốc hội khóa này quyết tâm kiểm soát chặt chẽ nợ công và tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng. Hiện nay nợ nằm trong tầm kiểm soát, nhưng Quốc hội quan tâm không phải là dưới hay vượt 65% mà an toàn phải là vay thì đến hạn phải trả cho được, vay làm gì, thực hiện hiệu quả hay không mới là an toàn nợ công. Vay đúng mục đích và hiệu quả thì vay là cần thiết, nền kinh tế chịu được và đến hạn có tiền trả là an toàn.

Nợ công hiện có vấn đề là vẫn mức kiểm soát nhưng đến thời hạn trả nợ có khó khăn, chưa có đủ nguồn lực để cân đối trả nợ đúng hạn, xảy ra vay để đáo hạn, tức vay mới trả nợ cũ. Quốc hội có những điều chỉnh giảm áp lực bằng nghị quyết, như thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nợ nước ngoài; cơ cấu vay ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn để giảm áp lực trả nợ. Xu hướng này đang diễn ra cả nước.

"Quốc hội quyết tâm để Việt Nam không giẫm lên vết xe đổ của quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ. Ta quy mô ngân sách nhỏ, quốc gia đang phát triển nên cần vay nhưng quyết tâm không đi theo vết xe đổ nên Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ", bà Ngân nói.

Cơ quan Quốc hội khi thẩm tra là kiểm soát nợ công, không để bội chi tăng lên mà dần kéo xuống. Khóa trước cố gắng nhưng chưa làm được thì khóa này sẽ nỗ lực đưa về quỹ đạo an toàn.

Quốc hội sẽ giám sát về môi trường sau vụ Formosa

Rất nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến sự cố môi trường Formosa gây ra ở bốn tỉnh miền trung, trách nhiệm của địa phương, bộ ngành liên quan cũng như giám sát của Quốc hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên thành lập Ủy ban lâm thời giải quyết sự cố về Formosa, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng để có kết luận về Formosa, Chính phủ đã cố gắng huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước, điều tra để cuối cùng Formosa cúi đầu nhận lỗi, cam kết khắc phục, bồi thường, đó là thắng lợi bước đầu. “Dân nói là chậm nhưng cũng không nhanh được, biển mênh mông như thế, phải có căn cứ, bằng chứng khoa học thì họ mới nhận tội". Chủ tịch QH cho biết QH sẽ giám sát một cách độc lập các bước tiếp theo, tuy nhiên, bà cũng cho rằng chưa cần thiết phải thành lập ủy ban lâm thời về Formosa như các đại biểu đề nghị.

Bà Kim Ngân cho rằng không phải đại biểu Quốc hội nào cũng biết nhiều về vụ việc Formosa để trả lời báo chí. Riêng ông Võ Kim Cự, "tránh" là quyền của ông, nhưng bà sẽ nhắc nhở để đại biểu Quốc hội tiếp xúc và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là sự việc xảy ra khi ông là lãnh đạo tỉnh nhà.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng Quốc hội có nên giám sát lại vụ Formosa, bà Ngân cho biết Quốc hội có giám sát độc lập riêng để có đánh giá phản biện có cơ sở. Không chỉ Formosa mà sắp tới, Quốc hội sẽ giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường trong phát triển kinh tế.

“Hiến pháp quy định nhân dân được quyền sống trong một môi trường trong lành. Bất cứ ai làm cho người dân sống trong môi trường không trong lành sẽ phải chịu trách nhiệm. Formosa là một bài học kinh nghiệm đắt giá để chúng ta rà soát lại đồng bộ”, bà Ngân chia sẻ.

 

                                                                            Theo Nhandan

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục