(HBĐT) - Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, tại nhiều từ địa phương trong tỉnh từ chiều ngày 26/7 đã xảy ra mưa to đến rất to. Mực nước trên các sông vượt mức báo động I.

 

8h: Theo thông tin đài khí tượng thủy văn tỉnh trong 6h qua, từ 1h đến 7h ngày 28/7/2016, trên lưu vực sông Bôi đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại trạm Hưng Thi là 106mm, Kim Bôi 79mm, Thượng Tiến 69mm, Bình Sơn 103,7mm. Mực nước lúc 7h ngày 28/7/2016 tại trạm Hưng Thi là 8,18m, dưới cấp báo động 1. Trên lưu vực sông Bùi lượng mưa đo được tại trạm Lâm Sơn là 71mm. Mực nước lúc 7h ngày 28/7/2016 tại trạm Lâm Sơn là 21,37m thuộc cấp báo động 1.

 

Theo dự báo trưa ngày hôm nay 28/7 mực nước trên sông Bôi tại Hưng Thi sẽ lên đến mức báo động 2. Trên sông Bùi tại Lâm Sơn lên mức 22m lên mức báo động 2. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất

 

 

 

Ngầm Quèn Kẻo, xã Đú Sáng (Kim Bôi) ngập sâu trên 1,5 m chia tách nhiều hộ dân tại 6 xóm của xã.

 

9h: Thời điểm hiện tại, tại  nhiều địa phương, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra gây ngập úng cục bộ nhiều nơi. Đặc biệt, do mưa kèm với gió gật mạnh, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng tốc mái, cây đổ.

 

Theo thông tin ban đầu từ phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Kim Bôi, tính đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 30 hộ dân bị tốc mái, nhiều cây to bị đổ gẫy. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hơn 20 ngầm hiện đang bị sâu từ 1 - 2 m, gây chia cắt nhiều tuyến đường.  

 

11h: * Tại huyện Lương Sơn: Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp huyện, hiện tại có trên 20 hộ dân bị tốc mái; trên 200 ha hoa màu bị ngập lụt; đổ 1 cột điện cao thế; 4 nhà máy gạch bị tốc mái nhà xưởng… Ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

 

- Mực nước trên sông Bùi (Lương Sơn)

 

Trong 2 giờ (từ 07 giờ đến 09 giờ ngày 28/7/2016) trên lưu vực sông Bùi tiếp tục có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại trạm Lâm Sơn: 34,0 mm.

Mực nước lúc 09 giờ 00 phút ngày 28/7/2016 tại trạm Lâm Sơn: 22.05 m thuộc cấp báo động II. Hiện tại mực nước trạm đang lên.

D báo trưa hôm nay, ngày 28/7/2016 mực nước tại trạm Lâm Sơn sẽ lên đến mức 23.00 m thuộc cấp báo động III và thấp hơn mực nước lũ lịch sử năm 1981 là: 3,15 m.

 

* Mực nước trên sông Bôi (Lạc Thủy): Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong 5 giờ (từ 7 giờ đến 11 giờ ngày  28/7/2016) trên lưu vực Sông Bôi (Lạc Thủy) vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại trạm Thượng Tiến: 52,6 mm, tại trạm Bình Sơn: 36,0 mm. Mực nước lúc 11 giờ 00 phút ngày 28/7/2016 tại trạm Hưng Thi: 9,51 m thuộc cấp báo động I. Hiện tại mực nước trạm đang lên.

Dự báo chiều nay mực nước tại trạm Hưng Thi sẽ lên đến mức 10.70 m, thuộc cấp báo động II và thấp hơn mực nước lũ lịch sử năm 1984 là: 8,40 m.

 

* Mực nước trên sông Bưởi và sông Lạng: Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Hòa Bình, trong 6 giờ (từ 01 giờ đến 07 giờ ngày 28/7/2016) trên lưu vực Sông Bưởi và sông Lạng đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại trạm Lạc Sơn: 23,0 mm; Trạm Yên Thuỷ: 75,0 mm; trạm Lạc Sỹ: 105,9 mm; Hương Nhương: 37.0 mm.

Mực nước lúc 07 giờ ngày 28 tháng 7 năm 2016 tại trạm Lạc Sơn: 2,15 m; trạm Yên Thuỷ 8,78 m.

Mực nước sông Bưởi và sông Lạng sẽ lên nhanh, trưa ngày hôm nay (28/7/2016), biên độ mực nước trên sông Bưởi và sông Lạng dao động ở mức 2,0 m đến 3,0 m.  

 

Gia đình anh Nguyễn Xuân Chiến, xóm Sào Báy, xã Sào Báy. Mưa bão đã làm đổ hàng trăm gốc keo và 600 tổ ong mật.

 

 

Mưa kèm theo lốc xoáy làm tốc mái của gia đình anh Trần Văn Tuấn, thôn Đồng Danh, xã Phú Thành, Lạc Thuỷ.

 

 

Gió mạnh làm đổ nhiều cây trên địa bàn thành phố Hòa Bình. (ảnh: cây đổ trên đường Hoàng Diệu, TPHB).

 

17h: Tại huyện Lạc Thủy: Theo thông tin thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 1 người dân ở thị trấn Chi Nê bị thương do bị mái broximang rơi phải; toàn huyện có 976 nhà bị tốc mái ; diện tích cây ăn quả bị gãy, dập 335 ha; hoa màu bị ngập lụt : lúa 66 ha, ngô 211 ha, rau màu 383 ha ; 1.276 ha dừng trồng bị đổ; gần 14.000 con gia cầm bị lũ cuốn và chết rét ; 81 cột điện bị đổ (có 1 cột điện cao thế) ; 1.276 ha rừng trồng bị đổ... Ước tính thiệt hại khoảng 241 tỷ đồng.

 

 

Tại xã Phú Thành (Lạc Thủy), trên 11 nghìn con gia cầm đã bị cuốn trôi và chết rét do mưa lũ.(Ảnh: gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng, thôn Đồng Gianh bị chết trên 3 nghìn con gà).

 

 

Mưa lớn và gió giật mạnh làm đổ sập nhiều cây to và cột điện, gây mất điện toàn huyện Lạc Thủy.

 

* Tại huyện Yên Thủy, sáng ngày 27/7 trên địa bàn huyện đã có mưa dải rác, đến chiều và đêm có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa khoảng 100mm, gió mạnh dần cấp 6, cấp 7. Đến sáng ngày 28/7, gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9 giật trên cấp 10 đã gây thiệt hại lớn đến tài sản và hoa màu của nhân dân. Ước tính thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Để kịp thời chỉ đạo và khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 gây ra trên địa bàn, ngay từ sáng sơm ngày 28/8, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Yên Thủy, lãnh đạo các phòng chuyên môn, lãnh đạo các xã, thị trấn đã chia thành các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Huy động lực lượng tại chỗ, chủ yếu là công an xã, nhân dân địa phương dọn cây bị gãy đổ trên đường giao thông. Đến 11 h ngày 28/7, toàn bộ số cây bị gãy đổ trên đường giao thông đã được thu dọn, đảm bảo giao thông thông suốt. Đặc biệt trong cơn bão số 1 lần này đổ bộ và huyện Yên Thủy đã gây thiệt hại nặng nề nhất đối với  các xã Ngọc Lương, Đoàn Kết và xã Yên Trị. Theo thống kê của ban phòng chống thiên tai huyện Yên Thủy, tính đến 11h ngày 28/7, toàn huyện có 249 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó có 164 nhà ở, 85 công trình phụ trợ khác. Trên 500 ha cây hàng năm bị gãy đổ, 98 ha cây có múi bị rụng quả, 113 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ, 38 cột điện bị gãy đổ, gần 500 con gia súc, gia cầm bị chết, gần 9000 cây phân tán bị gãy đổ. Không có thiệt hại về người. Hiện, UBND huyện đã và đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.

* Tại huyện Kỳ Sơn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời tới các xã, thị trấn biết thông tin để chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 h. Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức 02 đoàn kiểm tra chỉ đạo các địa phương tập chung khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người, 2 hộ bị sập  mái nhà, hơn 244 ha hoa màu bị ngập, 31 hộ bị tốc mại, 3 thuyền của người dân bị chìm, khoảng 250 cây ăn quả các loại bị đổ, 4 ha chuối bị gãy đổ.

Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều sông suối trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

* Tại huyện Cao Phong, theo thông tin từ phòng NN&PTNT, trên địa bàn huyện có 12 hộ bị tốc mái nhà, tuy nhiên thiệt hại không đáng kể, hiện người dân đã tự khắc phục. Ngoài ra, tại khu vực dốc Cum, thuộc địa phận xã Thu Phong có 1 cây đa bị gẫy cành làm đổ sập 1 cột điện. Hiện, huyện đã báo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếu cứu nạn tỉnh, đồng thời đang tiến hành khắc phục.

 

* Tại huyện Kim Bôi, Theo thông tin từ phòng NN&PTNT, ảnh hưởng cơn bão số 1, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to từ chiều tối ngày 26/7. Đến thời điểm hiện tại, mưa đã ngớt tuy nhiên mực nước trên các sông suối đang rút chậm. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 76 ha lúa, hơn 49 ha cây màu bị ngập; 21,3 ha keo bị đổ, 2.754 cây xoan bị đỏ gãy và hơn 3 nghìn cây ăn quả bị thiệt hại. Toàn huyện có 10 hộ phải di dời, 2.245 nhà bị tốc máu và sạt lở 536 m3 đất đá; 9 cột điện bị đổ, 34 bai tạm bị vỡ.  Ước thiệt hại hơn 5,8 tỷ đồng.

 

Ngầm Bình Sơn, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi bị ngập sâu hơn 1 m nước. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng xã Bình Sơn đã gác 2 bên bờ ngầm nhằm cảnh báo người dân không đi qua ngầm.

 

 

 

 

 

 

 

                                                                Nhóm PV, CTV

 

 

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục