Hôm qua ngày 25-10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ năm. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội.

 

Đại biểu QH thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

Phân cấp quyền quản lý các tổ chức hội

 Mở đầu phiên họp, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Về hội. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa XIII), các vị đại biểu QH đã thảo luận dự án Luật Về hội (dự thảo Luật). Ngay sau kỳ họp, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH để chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị đại biểu QH chuyên trách thảo luận, cho ý kiến và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu QH địa phương. Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu Lâm Đình Thắng (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo Luật về việc phạm vi luật không áp dụng đối với: MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam là phù hợp. Theo các đại biểu, các tổ chức nêu trên được sáng lập, ra đời cùng với lịch sử phát triển, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đồng thời, đã được quy định rõ về trách nhiệm, phạm vi, tổ chức… trong các luật, pháp lệnh, điều lệ khác. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên quy định rõ hơn về định nghĩa, sự khác nhau giữa hội và liên hiệp hội, cụ thể như liên minh hợp tác xã, liên hiệp hội khoa học - kỹ thuật… Do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát các tổ chức hội, tạo những đầu mối liên kết chung cho những hội có cùng chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng hoạt động chồng chéo, hình thức; tránh tăng biên chế, tăng hỗ trợ từ Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Về hội khi đi vào cuộc sống sẽ tác động mạnh đến xã hội và cộng đồng dân cư, cho nên đề nghị Nhà nước đưa ra chính sách ưu tiên đối với các tổ chức hỗ trợ người yếu thế. Theo đó, Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí đối với những tổ chức hội thành lập nhằm phục vụ thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao. Đối với các tổ chức hội đặc thù, không nhất thiết tất cả đều phải triển khai bộ máy từ T.Ư tới cơ sở, gây cồng kềnh không cần thiết, dẫn tới gánh nặng ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động. Đồng thời, cần bổ sung vào dự thảo Luật việc phân cấp để quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức hội: ở cấp T.Ư quản lý cấp hội nào? Cấp địa phương quản lý cấp hội nào? Cần khắc phục tình trạng hội, được Nhà nước, địa phương cấp kinh phí hằng năm, nhưng tổ chức hội hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó, cần có quy định hạn chế quyền của công chức, viên chức nhà nước tham gia các tổ chức hội. Theo các đại biểu, các trường hợp công chức, viên chức không sáng lập tổ chức hội, nhưng lại được quyền tham gia tổ chức hội, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cán bộ Bộ Công thương tham gia Hiệp hội phân bón…

Mềm dẻo hơn để chủ động hội nhập quốc tế

Đề cập dự thảo Luật quy định hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định (khoản 5, Điều 8), đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng về mở cửa, hội nhập quốc tế. Trong khi đó, tại khoản 12 điều 23 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, đã quy định: Hội được phép nhận các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Thực tế những năm qua, ở nước ta có nhiều tổ chức hội liên kết với các tổ chức hội ở các nước trong khu vực và thế giới. Theo đó, mỗi năm ở nước ta có khoảng gần 1.000 tổ chức hội được nhận tài trợ, giúp đỡ gần 2.000 tỷ đồng từ các tổ chức từ nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức hội và hội viên, củng cố, triển khai hoạt động ngoại giao nhân dân, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường… Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong số khoảng 63 nghìn tổ chức hội trong cả nước, số lượng hội liên kết, gia nhập, nhận tài trợ từ nước ngoài là không nhiều. Về nội dung này, một số đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn quy định này, nêu chi tiết con số thống kê các hội liên kết, gia nhập, nhận tài trợ từ nước ngoài. Ngoài ra, cần nêu rõ “trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” được phép nhận tài trợ từ nước ngoài, bởi thực tế một số hội không thể chủ động được kinh phí duy trì hoạt động, mà phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài; hoặc một số khác đang hoạt động tốt, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - lãnh hải của Tổ quốc, nhờ tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức hội nước ngoài.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tham gia giải trình, làm rõ thêm các nội dung được đại biểu QH quan tâm.

 *“Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội vẫn còn những lỗ hổng. Ví dụ ngay như vụ việc công trình ở số 8B Lê Trực. Hằng ngày, tòa nhà này vẫn được xây thêm cao. Nhiều đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và cả các đại biểu Quốc hội chứng kiến điều đó vẫn chưa biết có điều gì xảy ra. Đến khi nó trở thành một vấn đề gây bức xúc trong dư luận, bị truyền thông phê phán, người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội”. Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai)

*“Tôi nhất trí cao với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra công vụ sau những sai phạm ở Bộ Công thương. Điều đó cho thấy sự quyết liệt trong công tác kiểm tra cán bộ và chủ trương không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm của đội ngũ cán bộ. Theo tôi, cán bộ mắc sai phạm có chức vụ càng cao thì càng phải xử lý thật nghiêm minh. Có như vậy, người dân mới đồng tình, tin tưởng và có thể răn đe được những cán bộ khác”. Đại biểu VŨ TRỌNG KIM (Quảng Ngãi)

 

                                                           Theonhandan

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục