(HBĐT) - Sáng 31/12, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã thăm vùng cam Cao Phong. Cùng đi có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở NN&PTNT. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm gia đình ông Lê Văn Chất, tại tiểu khu 2 thị trấn Cao Phong. Ông Chất sở hữu 1 ha cam gồm các loại cam lòng vàng, xã Đoài, cam Canh, thu nhập tính hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh thăm vùng cam hàng hóa huyện Cao Phong.

 

Cam là cây truyền thống, đang mang lại sự giàu có cho người dân Cao Phong. Từ khi được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam vào năm 2014, đến nay, cam Cao Phong có những bước tiến vượt bậc khẳng đinh vị trí trên thị trường. Năm 2016, cam Cao Phong được Viện sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu  nổi tiếng lần thứ 5”, đặc biệt thông qua 2 lần tổ chức lễ hội cam vào năm 2015 và năm 2016, sảm phẩm cam của huyện tiếp tục tạo dựng được uy tín trên thị trường, tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân trồng, kinh doanh cam của huyện đã được cấp giấy chứng nhận và các giải thưởng sản phẩm sạch và an toàn do các tổ chức có uy tín bình chọn. Diện tích cây ăn quả có múi của huyện là 2.078 ha, trồng tập trung ở thị trấn Cao Phong, các xã Tây Phong, Bắc Phong, Thu Phong, Dũng Phong, Yên Lập, Đông Phong….Toàn huyện có 900 ha cây thời kỳ kinh doanh, trung bình 700 triệu/ha. Năm 2016, đạt sản lượng 23.000 tấn. Giá trung bình từ khoảng 30.000 đồng/kg, doanh thu từ cam đạt tới xấp xỉ 600 tỷ đồng. Toàn huyện có cỡ 400 hộ thu nhập từ 100 -500 triệu đồng, 122 hộ trên 500 triệu đồng, 44 hộ thu từ 1 đến 3 tỷ đồng, trên ba tỷ không dưới 10 hộ.

 

Khảo sát vùng cam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận tỉnh Hòa Bình đã bước đầu xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa cây ăn quả có múi có hiệu quả cao với 2 loại cây là cây cam và cây bưởi đỏ. Về cây cam của tỉnh có 6.000 ha, tương lai tỉnh sẽ có 1 vạn ha. Riêng cam Cao Phong có 2.000 ha phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của Cao Phong. Bộ trưởng hoan nghênh Hòa Bình đã tổ chức thành công lễ hội Cam Cao Phong vừa là quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tuyên dương, khích lệ người nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bộ trưởng mong muốn tới đây Hòa Bình tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển vùng cây có múi. Bên cạnh đó tỉnh Hòa Bình có thế mạnh là phát triển cây mía, vùng rau sạch, đặc biệt có 2 đối tượng có tiềm năng lớn là chăn nuôi đại gia súc và nuôi trên mặt nước của hồ Hòa Bình. Ngoài ra tỉnh nên chú trọng khai thác kinh tế lâm nghiệp vì diện tích rừng của tỉnh rất lớn 400.000 ha rừng và đất rừng gắn với công nghiệp chế biến. Ghi nhận những bước đi đúng đắn và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền và người dân trong tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, xây dựng vùng sản xuất cam hàng hóa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng tỉnh sẽ tạo được đột phá trong phát triển KT-XH khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong đó du lịch, dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao làm nền tảng.

 

 

                                                                           Lê Chung

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục