(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của BTV Thành ủy về triển khai, thực hiện chủ trương Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận ở KDC và Hướng dẫn số 32, ngày 23/1/2017, của Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh về “Bầu Trưởng Ban công tác mặt trận KDC đồng thời kiêm nhiệm với chức danh Bí thư Chi bộ”, UB MTTQ TP Hòa Bình đã triển khai tới các cơ sở và đang… gặp khó bởi những phản ứng trái chiều.

 

Ít sự đồng tình từ phía cán bộ

 

Đầu tháng 3, tôi chứng kiến buổi liên hoan của các bác, các cụ là cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể của KDC nhân dịp bác Trưởng Ban công tác mặt trận bàn giao nhiệm vụ cho Bí thư chi bộ. Không khí lặng trùng, chủ đề được đưa ra bàn luận, trong khoảng 2/3 thời gian là chuyện sáp nhập 2 chức danh Bí thư chi bộ và Trưởng Ban công tác mặt trận vào 1 người: khó làm, không muốn làm và khi bắt tay vào làm thì hẳn hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Đó là ý kiến của những người trong cuộc.

 

 

Cán bộ UBMTTQ thành phố Hòa Bình trao đổi, hướng dẫn UBMTTQ phường Phương Lâm triển khai chủ trương. Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư  hướng dẫn của UBMTTQ tỉnh.

 

Tôi đem những luồng ý kiến ấy đến với Ban Thường trực UB MTTQ TP Hòa Bình để tìm hiểu thêm và được biết: Đó cũng là tâm tư của hầu hết Bí thư chi bộ và Trưởng Ban công tác mặt trận ở KDC mà Thường trực UBMTTQ thành phố nắm được trong quá trình triển khai, hướng dẫn cơ sở  bầu Trưởng Ban công tác mặt trận ở KDC theo chủ trương trên. Cơ bản, các đồng chí  Bí thư chi bộ không muốn kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng Ban công tác mặt trận với lý do nhiệm vụ và trách nhiệm quá nhiều. Còn đối với các bác Trưởng Ban công tác mặt trận thì vẫn muốn tham gia hoạt động mặc dù mức phụ cấp thấp.

 

Điều này được các cán bộ UB MTTQ thành phố lý giải rõ hơn: (1) Hiện tại, hầu hết Bí thư chi bộ và  Trưởng Ban công tác mặt trận ở KDC của thành phố đều là cán bộ nghỉ hưu, họ muốn tham gia hoạt động ở KDC cho “vui” chứ không mấy trông chờ vào số tiền phụ cấp (2). Xét về chức năng, nhiệm vụ: Bí thư chi bộ (theo Điều lệ Đảng) có chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện các chủ trương, chính sách. Còn Trưởng Ban công tác mặt trận (theo Điều lệ MTTQ Việt Nam) có chức năng phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên mặt trận và trưởng thôn, bản, KDC… để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy đã thấy rõ một vấn đề: khi Bí thư chi bộ là Trưởng Ban công tác mặt trận  thì cùng 1 con người ấy vừa lãnh đạo, chỉ đạo vừa tuyên truyền, vận động, phối hợp triển khai, hành động. Đó là chưa kể trên địa bàn thành phố hiện tại có 3 đồng chí Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng  tổ dân phố thuộc phường Phương Lâm, Đồng Tiến và Tân Hòa. Sắp tới nếu triển khai bầu chức danh Tổ trưởng dân phố kiêm thôn (tổ) đội trưởng (theo tinh thần Nghị quyết số 34t, ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh và văn bản hướng dẫn số 163 ngày 20/1/2017 của liên ngành Nội vụ - Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh) thì một người sẽ cõng tới 4 chức danh, tương ứng với 4 phần việc khác nhau. Nếu vậy, cho dù một người ở độ tuổi nam dưới 60, nữ dưới 55 cũng khó kham nổi chứ chưa nói đến những cán bộ đã nghỉ hưu.  Thêm 1 cái “khó” nữa là hiện trên địa bàn thành phố có 26 chi bộ ghép của 56 xóm, tổ dân phố, theo đó còn 36 xóm, tổ dân phố chưa có Bí thư chi bộ để bầu Trưởng Ban công tác mặt trận.

 

 Văn bản chỉ đạo,  hướng dẫn chồng chéo và thiếu thống nhất

 

Một trong những nguyên nhân khiến hầu hết các phường, xã đều vướng và lúng túng trong việc bố trí chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban  công tác mặt trận ở KDC  một phần là do các văn bản hướng dẫn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất và chưa chú ý về mặt thời điểm - theo nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UB MTTQ thành phố. Về thời điểm: Đại hội chi bộ và nhiệm kỳ của Trưởng Ban công tác mặt trận lệch pha nhau. Theo Điều lệ Đảng, chi bộ xóm, tổ dân phố tổ chức Đại hội 5 năm 2 lần và BTV Đảng ủy xã, phường chuẩn y kết quả bầu cử của chi bộ đối với các chức danh bí thư, phó bí thư, chi ủy viên chi bộ. Còn Ban công tác mặt trận  (theo Điều lệ MTTQ Việt Nam), nhiệm kỳ của Ban công tác mặt trận 5 năm. Ban thường trực UB MTTQ cấp xã, phường công nhận chức danh trưởng ban, phó ban và các ủy viên. Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban công tác mặt trận có sự thay đổi về vị trí công tác hoặc không có điều kiện tiếp tục tham gia thì Ban Thường trực UBMTTQ cấp phường, xã hướng dẫn Ban công tác mặt trận KDC tổ chức hiệp thương, kiện toàn và đề nghị Ban Thường trực MTTQ phường, xã ra quyết định bổ sung, thay thế.

 

Sự không thống nhất trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cũng được những cán bộ thực thi công việc chỉ rõ: Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 34, ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh, BTV Thành ủy có văn bản chỉ đạo về triển khai, thực hiện chủ trương Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận ở KDC; còn tại Hướng dẫn số 32, ngày 23/1/2017 của Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh lại ghi “ bầu Trưởng Ban công tác mặt trận KDC đồng thời kiêm nhiệm với chức danh Bí thư chi bộ”. Đọc 2 văn bản này ai cũng có thể đặt ra câu hỏi: vậy đâu là chức danh chính, đâu là kiêm nhiệm?

 

Tại văn bản hướng dẫn số 163 ngày 20/1/2017 của liên sở Nội vụ - Tài chính, Bảo hiểm xã hội  tỉnh cũng có nhiều điểm không phù hợp: Cụ thể, văn bản này có quy định: “ Từ ngày 15/1/2017, các chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã được thực hiện theo hướng dẫn này”. Tuy nhiên, trên thực tế, Trưởng Ban công  tác mặt trận vẫn thực hiện nhiệm vụ trong tháng 1 và tháng 2/2017 và tại Hướng dẫn số 32 của Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh lại nêu: “Sau khi có quyết định công nhận của UBMTTQ cấp xã, phường đối với Trưởng Ban công tác mặt trận mới thì Trưởng Ban công tác mặt trận cũ hoàn thành nhiệm vụ”… 

 

Và những giải pháp tình thế cần được quan tâm

 

Dẫu còn nhiều vướng mắc, bất cập và chưa sát với thực tiễn, tuy nhiên xác định rõ: việc sáp nhập 2 chức danh này nằm trong chủ trương lớn nhằm tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ xóm, tổ dân phố, Ban Thường trực UB MTTQ thành phố đã phối hợp với các phòng, ban chức năng triển khai kịp thời đến các xã, phường. Tính đến ngày 6/3/2017, tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố đã triển khai các nội dung theo hướng dẫn. UBMTTQ cấp xã, phường đã tổng hợp báo cáo kết quả triển khai, thực hiện việc bầu Trưởng Ban công tác mặt trận, kiêm Bí thư chi bộ về UBMTTQ thành phố, kèm theo đó là những đề xuất, kiến nghị đã được tổng hợp lại như: Cần có sự linh hoạt trong việc công nhận chức danh Trưởng Ban công tác mặt trận tại 56 xóm, tổ dân phố thuộc 26 chi bộ sinh hoạt ghép. Cụ thể: đối với 26 Bí thư chi bộ (chi bộ ghép), nếu đồng chí Bí thư chi bộ ấy cư trú ở tổ nào thì công nhận Trưởng Ban công tác mặt trận tại tổ đó. Còn với 30 xóm, tổ dân phố chưa có Bí thư chi bộ đề nghị vẫn giữ nguyên Trưởng Ban công tác mặt trận KDC hiện tại để đảm bảo mọi KDC đều có Ban công tác mặt trận (theo Luật MTTQ Việt Nam). Qua nắm tình hình, nguyện vọng của cán bộ, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố cũng đã đề xuất phương án cụ thể đối với 4 trường hợp: Bí thư chi bộ, kiêm tổ trưởng tổ dân phố các tổ 5b, phường Phương Lâm; tổ dân phố số 10, phường Tân Hòa; tổ dân phố 27, phường Đồng Tiến và trường hợp Bí thư Chi bộ khi hiệp thương không trúng Trưởng Ban công tác mặt trận (tại xã Trung Minh).  

 

Đó là những kiến nghị, giải pháp mang tính tình thế qua quá trình triển khai thực hiện và trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân. Với vai trò là cơ quan tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, UBMTTQ thành phố mong muốn những đề xuất, kiến nghị này sẽ được các cấp, các ngành có thẩm quyền quan tâm để có phương án điều chỉnh cho phù hợp, để  Nghị quyết số 34, ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh thực sự phát huy hiệu quả.

                                                                                   

 

                                                                  Thúy Hằng

  

           

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục