(HBĐT) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta, sáng 15/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình thuỷ điện Hòa Bình.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ.

 

Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với BCH Đảng bộ tỉnh về tình hình triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng T.Ư Đảng, các Bộ: Tài chính,  KH&ĐT, GT-VT. Đón tiếp và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh.

 

Báo cáo do đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ trình bày nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 22/3/2016 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo T.Ư, BTV Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động và tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 100% đảng bộ trực thuộc đã tổ chức học tập, quá triệt, triển khai tới cấp cơ sở, chi bộ. Đối với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, BTV Tỉnh uỷ đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2011- 2015. Đồng thời triển khai sâu rộng, nghiêm túc Chỉ thị 05. Nhờ vậy, một số vấn đề tồn đọng trước đây được tập trung xử lý nghiêm túc. Năm 2016, giải quyết được 47 vấn đề bức xúc, nổi cộm, tổ chức 56 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân.

 

Về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XII), gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đến nay đã cơ bản khắc phục được 9/13 hạn chế, khuyết điểm, không có vấn đề mới phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và ý thức trách nhiệm của CB,ĐV trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

Trong phát triển KT-XH, năm 2016, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,62%; tổng đầu tư toàn xã hội 10.700 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/năm; thu NSNN trên 3.072 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 365 triệu USD, nhập khẩu đạt trên 325,5 triệu USD; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,42% so với năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 0,9% so với tháng 12/2016. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá, thu NSNN đạt 920 tỷ đồng. Hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được quan tâm, chú trọng. Văn hoá - xã hội có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,94%, giải quyết việc làm cho trên 16.900 lao động, AN-QP được giữ vững. Hiện nay, tỉnh đang triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với 15 cơ quan đơn vị, các trường phổ thông công lập và các BQL dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

      

Kiến nghị với đoàn công tác của T.Ư, BCH Đảng bộ tỉnh đã đề xuất một số vấn đề quan trọng. Cụ thể, liên quan đến chế độ chính sách: đề nghị quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt của tỉnh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho chủ trương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai; Luật Bất động sản và một số văn bản quy phạm pháp luật khác; tăng cường phân cấp QLNN về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển, NSNN, đất đai, tài nguyên, hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công và tổ chức bộ máy, cán bộ; nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ từ NSNN để các tỉnh miền núi thực hiện hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng; có cơ chế, chính sách riêng để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình hoàn thành hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường và đề nghị UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được phục dựng cấp thiết; đề nghị nhà nước ban hành bộ chỉ số phù hợp, đơn giản để các doanh nghiệp có thể tham gia đánh giá khách quan. Về đầu tư phát triển KT-XH, đề nghị tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh dự án đường cao tốc Hoà Lạc - TP Hoà Bình; bổ sung dự án Đường cao tốc TP Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La) vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020; sớm đầu tư giai đoạn II công trình thuỷ điện Hoà Bình với tổng công suất khoảng 500MW; bổ sung đủ vốn cho tỉnh để tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu.

       

Đại diện các Bộ, ban, ngành T.Ư đều cho rằng, tỉnh Hoà Bình mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng có vị trí địa lý giáp ranh với thủ đô Hà Nội, nếu khai thác được các tiềm năng sẵn có thì có thể phát triển với thế mạnh lớn về nông - lâm nghiệp, du lịch, thuỷ điện. Trong đó, một số hướng có thể tập trung khai thác gồm có vật liệu xây dựng nung, cát công nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xây dựng chuỗi du lịch liên vùng sông Đà, từ Hoà Bình tới Sơn La; tiềm năng rừng (cây gỗ lớn, cây luồng) tại huyện Mai Châu, Đà Bắc, từ nguồn vật liệu này mở các nhà máy lâm nghiệp; xây dựng khu công nghiệp chăn nuôi. Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao với các đặc sản như cây ăn quả, rau, hoa. Phát triển rừng và kinh tế vườn, tổ chức và liên kết các HTX. Huyện Cao Phong, Tân Lạc tổ chức sản xuất tốt hơn để duy trì và phát triển thương hiệu cây có múi. Đặc biệt, theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh Hoà Bình sẽ phát triển thành đô thị hạt nhân kết nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh khác trong tiểu vùng Tây Bắc. Vì vậy, tỉnh cũng cần nghiên cứu, rà soát quy hoạch vùng Thủ đô để xây dựng các quy hoạch trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch quốc gia và có liên kết với các vùng lân cận; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; giữ nguyên hiện trạng môi trường để xây dựng không gian đô thị; tập trung phát triển quỹ đất…Đồng thời, cơ bản đồng tình và ủng hộ các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

 

 

            Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận buổi làm việc.

        

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Mặc dù là tỉnh miền núi có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí còn hạn chế nhưng những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là từ sau tái lập tỉnh. Đặc biệt, với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, với sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành T.Ư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của BCH Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, bộ mặt của tỉnh đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân có bước tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu KT-XH tăng nhanh so với cả nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau Đại hội Đảng bộ các cấp, việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng được thực hiện rất nghiêm túc; nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận cao; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được triển khai thực hiện bài bản. Trên cơ sở những định hướng của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư tại buổi làm việc, tỉnh cần tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển KT-XH phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, dân trí của địa phương; lãnh đạo chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi cụ thể, có chọn lọc. Quan tâm xây dựng NTM và XĐ-GN bền vững; tăng cường phòng chống tội phạm ma tuý; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ; chính sách dân tộc; duy trì nếp sống văn hoá văn minh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đồng chí Tổng Bí thư và Đoàn công tác ghi nhận và đề nghị Văn phòng T.Ư Đảng tổng hợp trao đổi với các Bộ, ban, ngành T.Ư để nghiên cứu và báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo giải quyết trong thời gian tới.

 

 

                                                   Đức Phượng

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục