Hôm nay 23-10, tại Nhà Quốc hội (QH), QH khóa XIV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tư. Kỳ họp này, QH dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước.


Tại cuộc họp báo vừa qua, lãnh đạo Văn phòng QH cho biết, QH dự kiến dành hơn mười ngày làm việc để tập trung xem xét, thông qua sáu dự án luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến nhiều dự án luật khác... QH dành khoảng 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước. Tại kỳ họp, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, QH còn tập trung thảo luận, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên nhiều lĩnh vực hằng năm và các năm tiếp theo, đồng thời xem xét, quyết định một số vấn đề về công tác nhân sự.

Ðiểm đáng chú ý tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV lần này là thời gian truyền hình, phát thanh trực tiếp được tăng lên nhằm tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng. Dự kiến, 11 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung. Trong đó có hai nội dung lần đầu bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của QH là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. QH cũng dành ba ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Trong hoạt động chất vấn, dù không tăng số lượng thành viên Chính phủ nhưng thời gian chất vấn dài hơn để các đại biểu QH có điều kiện trao đổi kỹ hơn, sâu hơn, nhiều hơn về các vấn đề mà nhân dân quan tâm. Ðiểm mới nữa là tiếp tục giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận. Các báo cáo tóm tắt được trình bày trước QH sẽ được bảo đảm không quá 15 phút, các đại biểu QH sẽ có thêm thời gian tham gia thảo luận về các nội dung của các dự án, báo cáo.

Qua ba kỳ họp của QH khóa XIV, QH đã và đang tiếp tục ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật với chất lượng ngày càng cao, để khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống, để các đạo luật quan trọng, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp lý về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường, luật pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do dân chủ của nhân dân.

TRONG các kỳ họp vừa qua và tới đây, QH thực hiện một khối lượng công việc lập pháp rất lớn, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các bộ luật. Ðiều đó đòi hỏi những bước cải tiến, đổi mới trong quy trình lập pháp, vừa phải nâng cao chất lượng, vừa bảo đảm tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch, dân chủ, cụ thể trong văn bản luật. Mệnh lệnh và đòi hỏi của quá trình phát triển đối với quá trình xây dựng luật là phải ngày càng chú trọng tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp một cách thực chất, bài bản, với quy trình chặt chẽ về các dự án luật, bằng các hình thức đa dạng, phong phú. Quá trình xây dựng luật phải huy động được trí tuệ, sự đồng thuận rộng rãi của xã hội, các tầng lớp nhân dân ở mức cao nhất, bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay từ giai đoạn đầu dự kiến hoạch định chính sách, xây dựng luật...

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác lập hiến, lập pháp và giám sát của QH khóa trước và trong các kỳ họp gần đây, đông đảo cử tri và nhân dân mong muốn và kỳ vọng hoạt động của QH, các cơ quan của QH và từng đại biểu QH, với vai trò và trách nhiệm của mình, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân. Ðể các chương trình nghị sự, nội dung bàn luận tại nghị trường bám sát sự vận động của đời sống KT-XH, bắt nhịp hơi thở cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, từ đó xem xét, quyết định những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Mỗi kỳ họp của QH là diễn đàn thảo luận, trao đổi trong không khí sôi động, dân chủ, đổi mới, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm cao, phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu QH và các chủ thể tham gia kỳ họp. Từng vị đại biểu QH cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, chuyển tải những suy tư, trăn trở của nhân dân vào nghị trường; nỗ lực để từng đạo luật, nghị quyết của QH sắp tới được thảo luận, xem xét thông qua sẽ được ban hành kịp thời, nhanh chóng đi vào cuộc sống, thật sự có hiệu lực, hiệu quả. Ðó chính là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước trong thời gian tới.


                                            Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục