Chiều 21.5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH nghe trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.


Thu, chi ngân sách Trung ương đều thấp hơn dự toán

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về quyết toán NSNN năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số thu ngân sách quyết toán là 1.107.381 tỷ đồng, tăng 9,2% (92.881 tỷ đồng) so với dự toán. Số thu quyết toán cao hơn so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các DNNN, và chủ yếu của ngân sách địa phương (tăng 89.515 tỷ đồng). Trong khi đó, ngân sách Trung ương, loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu, thì đạt 99,8% dự toán giao, tức là giảm thu 1.398 tỷ đồng so với dự toán.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp chiều 21.5

Đối với quyết toán chi NSNN năm 2016, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, con số này là 1.295.061 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (41.501 tỷ đồng). Trong đó, số quyết toán chi ngân sách Trung ương chỉ là 592.674 tỷ đồng, bằng 98,8% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 702.387 tỷ đồng, tăng 4,3% (28.827 tỷ đồng) so với dự toán. Số chi quyết toán của ngân sách địa phương tăng, theo lý giải của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thì chủ yếu do nguồn năm trước chuyển sang, nguồn tăng thu ngân sách địa phương theo quy định và nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương theo quy định của Luật NSNN, Nghị quyết của QH.

Đi vào các khoản chi cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, chi đầu tư phát triển khi quyết toán đạt 296.451 tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán, chiếm 22,9% tổng chi NSNN. Số chi cho phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý hành chính quyết toán là 822.343 tỷ đồng, bằng 98,2% so với dự toán, nhưng chiếm 63,5% tổng chi NSNN. Dù vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng như chi sự nghiệp khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, sự nghiệp y tế, chính sách an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Vượt thu chỉ còn 23.916 tỷ đồng

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, dù quyết toán thu NSNN tăng so với dự toán, song tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỷ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 19.346 tỷ đồng. Như vậy, Tổng kiểm toán Nhà nước khẳng định, số vượt thu chỉ còn 23.916 tỷ đồng (số tăng thu được Chính phủ báo cáo là 92.881 tỷ đồng).


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về quyết toán Ngân sách Nhà nướcnăm 2016

Bên cạnh tình trạng một số bộ, ngành, địa phương lập dự kiến dự toán thu chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ về tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng (Sabeco là 2.668 tỷ đồng; Habeco là 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam là 1.753 tỷ đồng…). Đặc biệt, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan Thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 doanh nghiệp được đối chiếu.

Đối với chi NSNN năm 2016, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lưu ý, vẫn còn phải bổ sung dự toán chi cho đầu tư phát triển 3 lần sau ngày 20.12.2015 (năm 2015 là 11 lần). Ngoài ra, dự kiến vốn ngoài nước cần bổ sung thêm 109.630 tỷ đồng (phát sinh nhưng không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỷ đồng) dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng) đã được QH thông qua giai đoạn 2016-2020.

Tổng kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán như: Phê duyệt dự án đầu tư không đúng trình tự, không phù hợp với quy hoạch vùng; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác; phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót…

Tuy nhiên, Tổng kiểm toán Nhà nước tán thành với số quyết toán thu chi NSNN năm 2016 như Chính phủ báo cáo. Cụ thể, thu cân đối ngân sách là 1.407.572 tỷ đồng, chi cân đối ngân sách là 1.574.448 tỷ đồng, và bội chi ngân sách là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP thực tế.

Vẫn còn chi sai chế độ

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong năm 2016, cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.


Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2016

Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, nếu loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu, thì ngân sách Trung ương hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu. Đồng thời, nếu không có khoản tăng thu sử dụng đất từ sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan Trung ương 9.262 tỷ đồng là khoản thu có mục tiêu, ghi thu - ghi chi qua ngân sách, nhưng đã sử dụng giải pháp tình thế nộp vào NSNN để bù đắp hụt thu thì thực chất ngân sách Trung ương hụt thu cân đối 10.660 tỷ đồng và chỉ đạt 98,21% dự toán.

Đối với thực hiện nhiệm vụ chi NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn. Số kinh phí sử dụng sai nguồn tại các bộ, ngành, địa phương là 1.952 tỷ đồng, trong đó sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác là 804,8 tỷ đồng.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2016

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đặc biệt nhấn mạnh đến bất cập trong quản lý chi chuyển nguồn, kết dư, tạm ứng, ứng trước dự toán ngân sách. Bởi lẽ, số chi chuyển nguồn năm 2016 là 279.387 tỷ đồng, bằng 17,75% tổng chi cân đối NSNN, cao nhất trong ba năm gần đây, trong đó số chuyển nguồn do chậm triển khai là 16.321 tỷ đồng, tăng so với năm 2015. Việc chuyển nguồn lớn trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn phải vay nợ và bội chi là biểu hiện của sự lãng phí nguồn lực. "Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chấn chỉnh để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN”, Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

 

Theo Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016, việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công.

Qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Luật Đất đai và là kẽ hở do định giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát NSNN.




TheoDaibieunhandan

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục