(HBĐT) - Ngày 1/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (Đề án 1084) và triển khai, thực hiện chủ trương nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố phạm vi toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 1084 tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; các thành viên BCĐ 1084 tỉnh; BCĐ cấp huyện; lãnh đạo phòng chuyên môn các sở, ngành liên quan và một số xã, phường làm điểm.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 22 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện thí điểm (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 2 đơn vị). Trong đó có 20 đơn vị đủ điều kiện về hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định. Sau gần 1 năm thực hiện, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị bước đầu đã đạt những kết quả quan trọng. Đã sáp nhập 82 thôn, xóm để thành lập, đặt tên 41 thôn, xóm; sáp nhập 39 tổ dân phố để thành lập, đặt tên 19 tổ dân phố; đổi tên 2 tổ dân phố và thành lập mới 1 xóm. Đến nay, toàn tỉnh còn 1.999 thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 60 xóm, tổ dân phố so với trước khi thực hiện Đề án. Kinh phí giảm chi từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể khoảng 4,7 tỷ đồng/năm.

 

Tuy nhiên, một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; còn lúng túng, chưa sâu sát trong triển khai, thực hiện quy trình, thủ tục giải thể, sáp nhập, kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể. Một số xóm, tổ dân phố quy mô hộ gia đình nhỏ không đủ điều kiện nhưng không đảm bảo liên cư, liên địa, nên không sáp nhập được. Một số cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành còn bất cập, thiếu linh hoạt; các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời, dẫn đến người dân còn tâm lý lo ngại khi sáp nhập sẽ khó khăn, xáo trộn trong việc thay đổi giấy tờ liên quan. Đa số các xã, xóm nêu khó khăn sau sáp nhập về quản lý, kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa...

 Trên cơ sở làm điểm, UBND tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai, thực hiện nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu tổ chức xóm, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã; giảm chi phí hành chính… Phương án nhập, kiện toàn thôn, xóm, tổ dân phố có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, địa hình không bị chia cắt phức tạp ảnh hưởng đến giao thông đi lại; thuận tiện cho việc phát triển KT-XH và đời sống nhân dân; tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán… Việc thực hiện triển khai theo 8 bước.

 Tại hội nghị có 12 ý kiến phát biểu, thảo luận, tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm làm điểm và đề xuất, xin ý kiến tháo gỡ, nêu giải pháp để triển khai, thực hiện nhập thôn, xóm, tổ dân phố phạm vi toàn tỉnh thuận lợi.

 Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xem xét lại sự bất cập trong trong hình thức văn bản. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành chức năng phải được công khai. Việc triển khai, thực hiện nhập thôn, xóm, tổ dân phố phạm vi toàn tỉnh phải cụ thể hóa bằng một hệ thống văn bản hoàn chỉnh và báo cáo theo thẩm quyền. Tính toán đến việc nhập các thôn, xóm ở các xã sẽ hợp nhất trong thời gian tới. Việc này cần rà soát kỹ, làm thận trọng vì ảnh hưởng đến tâm tư và quản lý xã hội. Đối với vấn đề sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập, các xã phải quán triệt tinh thần trước mắt vẫn sử dụng nhà văn hóa cũ; có thể tổ chức sinh hoạt theo cụm dân cư, không nhất thiết cứ phải đấu giá, tùy trường hợp cụ thể để xem xét. Các giấy tờ liên quan sau khi nhập thôn, xóm, tổ dân phố giao các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện và phải được công khai.

Cẩm Lệ


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục