*Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn giám sát

(HBĐT) - Ngày 29/8, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh... Làm việc với đoàn, về phía tỉnh ta có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành.


Hiện, tỉnh Hoà Bình có 206.211 trẻ em. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân các vụ xâm hại trẻ em. Hòa Bình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo ANTT nói chung, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng. Đã chỉ đạo cơ quan điều tra cấp tỉnh, thành phố tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em. Theo đó, từ tháng 1/2015 đến ngày 30/6/2019, Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh đã thụ lý 81 vụ với 89 bị cáo thuộc nhóm tội phạm xâm hại trẻ em. Đã giải quyết 80 vụ, 88 bị cáo, còn lại 1 vụ do mới thụ lý, đang trong thời gian giải quyết.


Đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại cuộc giám sát.



Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc giám sát.

Báo cáo của tỉnh đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc tỉnh đang gặp phải trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Thông qua chương trình làm việc của Đoàn giám sát, UBND tỉnh đề nghị: Quốc hội nghiên cứu, bổ sung các nội dung cụ thể hơn trong các quy định tại Điều 141, Điều 143 của Bộ luật Hình sự liên quan đến xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. Đề nghị Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ thêm nguồn lực để các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi khó khăn thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2013-2020 và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020. Chỉ đạo ban hành Thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ trẻ em. Nghiên cứu sắp xếp lại bộ máy quản lý Nhà nước về công tác trẻ em và công tác gia đình về một đầu mối. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu chưa đạt về công tác bảo vệ trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để các địa phương nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa xâm hại trẻ em.

Phát biểu kết thúc buổi giám sát, đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.Đồng chí tán thành với những giải pháp tỉnh đã đưa ra; tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em để chuyển tới Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, có hướng xử lý. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát sẽ ban hành kết luận gửi về tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Kim Bôi, UBND xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) nắm bắt về tình hình thực hiện công tác bảo vệ,phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.


Thúy Hằng


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục