(HBĐT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc. Ảnh: QUOCHOI.vn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ (chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng...) và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, vì vậy, đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 không được hồi tố để xử lý. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ thấy rằng việc báo cáo QH có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng thu nộp NSNN. Chính phủ cũng trình thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Theo chương trình kỳ họp, QH sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về nội dung này vào chiều ngày 1/11.

Tiếp tục chương trình, QH thảo luận tại tổ và hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Các đại biểu đóng góp các nội dung của dự án Luật. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình đầy đủ; đồng thời chỉ đạo Uỷ ban Kinh tế hoàn thiện dự thảo trước khi trình QH biểu quyết thông qua.

Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2019; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020; Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2015.

Tham gia thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNNnăm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH; dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ưnăm 2020 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hòa Bình, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu.


Đại biểu Trần Đăng Ninh( Phó bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) thảo luận tại tổ chiều ngày 22/10. Ảnh: Thu Phương (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Đại biểu Trần Đăng Ninh tỉnh ta đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH năm 2019. Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu băn khoăn về một số vướng mắc, bất cập đối với một số lĩnh vực. Về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đại biểu cho rằng, việc ban hành và thực hiện Luật còn lúng túng, chưa có sự thống nhất và đồng bộ các quy định giữa một số Luật, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Về tiến độ giải ngân còn chậm, nguyên nhân do cơ chế, chính sách, thủ tục và người thực hiện cơ chế chính sách. Đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Về vấn đề tệ nạn xã hội, hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy, chất gây nghiện mới không có trong Danh mục chất ma túy, gây khó khăn cho quá trình phòng, chống tội phạm. Đối với Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại biểu rất quan tâm và đồng tình. Đại biểu đề nghị cần tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện Đề án, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho những vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa để nhanh chóng cải thiện đời sống nhân dân.


Đại biểu Quách Thế Tản(Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Thu Phương (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Cùng đồng tình với ý kiến đại biểu Trần Đăng Ninh, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng, triển khai Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, cần huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện Đề án một cách có hiệu quả, rút ngắn khoảng cách chênh lệch KT-XH giữa các vùng, miền. Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn và đề nghị làm rõ, có giải pháp, cơ chế tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong một số vấn đề như: giải ngân; quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên; vấn đề tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; vấn đề biên soạn sách giáo khoa và áp dụng chương trình giáo dục.

P.V (TH)


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục