Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban, ngành tham dự hội nghị trực tuyến.

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban, ngành tham dự hội nghị trực tuyến.

(HBĐT) - Ngày 5/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết thực hiện CCHC Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và xây dựng chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Quách Thế Hùng, Bùi Văn Cửu cùng đại diện các sở, ngành.

 

Trong 10 năm qua, cải cách hành chính đã được xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2001-2010. Chương trình đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể là: Phải tự thay đổi, tự cải cách để theo kịp, phục vụ sự phát triển và hội nhập của đất nước. Thể chế của nền hành chính được cải cách và hoàn thiện một bước cơ bản, phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ với thiết lập chế độ công khai, minh bạch và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tục hành chính trong giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân và doanh nghiệp có bước chuyển biến rõ rệt, theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn so với 10 năm trước đây: bớt trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; đầu mối các cơ quan Chính phủ được thu gọn hơn; cơ cấu bên trong có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị sự nghiệp... Tuy nhiên, trong những năm qua, cải cách hành chính còn những bất cập: Tốc độ cải cách còn chậm, chưa nhất quán, hiệu quả chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và mục tiêu chung mà chương trình tổng thể đề ra; kết quả đạt được chưa bền vững...

Để khắc phục những hạn chế này, trong giai đoạn 2011 - 2020, cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, phương thức lãnh đạo của Đảng, cải cách lập pháp và cải cách tư pháp. Đáp ứng yêu cầu hoàn thiện nhanh và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế, bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, góp phần tích cực chống quan liêu, phòng - chống tham nhũng. Nền hành chính phải được tổ chức thành một hệ thống thống nhất, thông suốt, bảo đảm tính công khai, minh bạch, chế độ trách nhiệm rành mạch, cơ quan hành chính và cán bộ, công chức chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.

Tại hội nghị, Chính phủ tiếp thu những ý kiến, vướng mắc của các bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, triển khai cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của mình. Cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất, sáng kiến cải cách, nếu cần thiết cho làm thí điểm rồi sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Chú trọng vai trò công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Cán bộ, công chức đóng vai trò quan trọng trong triển khai, tham gia vào hoạch định thể chế, chính sách và thực thi các thể chế, cơ chế cải cách. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức của cán bộ, công chức về sự cần thiết phải cải cách được nâng lên, qua đó sẽ có những đóng góp thiết thực, cụ thể vào cải cách hành chính.

                                                                                         Việt Lâm

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục