Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

(HBĐT) - Ngày 15/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã thăm và làm việc tại tỉnh ta về tình hình phát triển KT-XH, Chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Tham gia đoàn công tác của Chính phủ có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành chức năng.

 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tình hình KT-XH và kết quả thực hiện các chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 7,51%, thu ngân sách Nhà nước thực hiện 55% so với dự toán Chính phủ giao, bằng 47% so với NQ HĐND tỉnh, tăng 20% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện bằng 60% dự toán Chính phủ, bằng 57% NQ HĐND tỉnh. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,45% so với tháng 12/2013. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống nhân dân ổn định. QP, ANCT, TTATXH cơ bản được bảo đảm.

 

Mặc dù vậy, do xuất phát điểm thấp, Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ lệ gần 70%. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường đối ngoại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Trình độ quản lý, quản trị, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Khả năng hấp thụ vốn của các thành phần kinh tế đạt thấp.

 

Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo điều hành triển khai chương trình xây dựng NTM. Giai đoạn 2011-2014 đã huy động 7.024,56 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến năm 2013, có 1 xã đạt 16 tiêu chí; 35 xã đạt từ 13-15 tiêu chí; 155 xã đạt từ 5-12 tiêu chí. Bình quân các xã đạt 7,8 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ các xã đầu tư hạ tầng xã hội còn ít so với đề án nên kết quả thực hiện các tiêu chí NTM chậm so với kế hoạch đề ra.

 

Tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách giảm nghèo như: triển khai các chính sách tín dụng cho hộ nghèo vay vốn; dạy nghề, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tiền điện, bảo trợ xã hội, tạo việc làm cho người nghèo; các chính sách hỗ trợ sản xuất; đầu tư hạ tầng, triển khai các mô hình giảm nghèo… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm cơ bản từ 31,2% năm 2011 xuống còn 18,13% năm 2013 và ước còn 16,33% năm 2014, tỷ lệ hộ cận nghèo trung bình còn 15-16% hàng năm.

 

Tỉnh đề nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư xem xét tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó đề xuất những vấn đề cụ thể như: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng NTM; hỗ trợ triển khai dự án trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp với xây dựng hạ tầng chống lũ, sạt lở đất, hạn hán, biến đổi khí hậu bảo vệ dân cư huyện Lạc Sơn; hỗ trợ vốn đối ứng triển khai dự án mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh; hỗ trợ vốn triển khai chương trình nâng cấp điện nông thôn miền núi; hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất tại các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy; bổ sung kinh phí thực hiện dự án di dân tái định cư khẩn cấp. Tăng nguồn vốn hàng năm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển rừng bền vững, chương trình nâng cấp đê sông, an toàn hồ chứa; xây dựng hạ tầng sản xuất cây giống, vật nuôi, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo phân tích làm rõ những tiềm năng, lợi thế, những thuận lợi, cũng như khó khăn, yếu kém, định hướng và bước đi trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu KT-XH địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững như: tỉnh đang rà soát, cơ cấu lại sản xuất, triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển các ngành lĩnh vực trên cơ sở lấy Thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ làm trục liên kết để phát, tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phát, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng trông chờ, ỷ lại một bộ phận nhân dân còn khá phổ biến, kết cấu hạ tầng nhất là đường giao thông yếu kém, tình trạng xuống cấp của QL 6, việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải…Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, nhất là cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư giải quyết căn cơ cuộc sống cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình; tình hình ANTT; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở; một số vấn đề tổ chức bộ máy…

 

Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã phát biểu giải đáp những kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã biểu dương những cố gắng và kết quả đạt được trong phát triển KT-XH và thực hiện chương trình NTM và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Phó Thủ tướng cho rằng: Tỉnh đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương và có được những kết quả đáng mừng, các chỉ tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội đều cao hơn mức trung bình của các tỉnh miền núi. Đặc biệt đã xác định được hướng đi đúng đắn khi lấy Thủ đô Hà Nội và đồng bằng bắc bộ làm trục phát triển và từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn khó khăn, tin tưởng tỉnh sẽ có bức phá mới. Cơ bản thống nhất với những giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị: Tỉnh cần quan tâm triển khai các công trình, dự án quan trọng, đặc biệt là công tác GPMB dự án cải tạo, nâng cấp QL 6 (đoạn Xuân Mai - Hòa Bình) và đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, sớm đưa dự án vào khai thác mở hướng phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững; quan tâm đến thực hiện sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp và nông trường, quản lý chặt chẽ và phát huy nguồn lực đất đai tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện quy hoạch gắn với quy hoạch của vùng và cả nước, chú trọng xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch và có thương hiệu, tổ chức liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đáp ứng mục tiêu của chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Đối với xây dựng NTM là chương trình dài hơi, đòi hỏi nguồn lực lớn phải kiên trì, cần làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, chú trọng huy động người dân tham gia, nhân diện các mô hình sản xuất hiệu quả. Về chương trình giảm nghèo, cần tiếp tục rà soát và tiếp tục triển khai đồng bộ và đầy đủ chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát huy tính tự giác của người dân vươn lên thoát nghèo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng cho ý kiến về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đối với chương trình phát triển KT-XH vùng hồ sông Đà và một số chương trình, dự án quan trọng khác chủ trương giải quyết từng phần và tiến tới cơ bản, bảo đảm cho người dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

 

 Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đi thăm, tìm hiểu một số mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, tặng quà tại xã Nam Phong, Dũng Phong và huyện Cao Phong.

 

    

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thăm mô hình giảm nghèo bền vững tại xã Nam Phong (Cao Phong).

 

 

 

                                                                        Lê Chung

  

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục