Toàn cảnh hội nghị trao đổi Kinh nghiệm công tác HĐND 14 tỉnh khu vực miền núi trung du phía Bắc.

Toàn cảnh hội nghị trao đổi Kinh nghiệm công tác HĐND 14 tỉnh khu vực miền núi trung du phía Bắc.

(HBĐT) - Ngày 17/9, tại thành phố Hòa Bình đã diễn ra hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2011-2016) do Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đăng cai tổ chức. Đồng chí Uông Chu Lưu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội cùng lãnh đạo, đại biểu HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh ta có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh và các huyện, thành phố cùng lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, các ban, ngành.

 

                  

 Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chào mừng và khai mạc hội nghị.

Phát biểu chào mừng và khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Trong những năm qua, hoạt động của HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu về chất lượng, hiệu quả mà hoạt động của HĐND cần đạt được để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ.  Hội nghị này có nội hàm khá rộng và có ý nghĩa rất quan trọng, thông qua trao đổi, thảo luận để tìm ra những nội dung cốt lõi, những giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, nhằm tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Thông qua hội nghị, là dịp để báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về những khó khăn, bất cập, đề xuất các giải pháp để không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.  

 

Báo cáo đề dẫn hội nghị do đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND  trình bày nêu rõ: Trong những năm qua, HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã có những đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và đòi hỏi về đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ quan đại diện dân cử ở địa phương. Thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, thể hiện rõ nét vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND ngày càng được tăng cường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có nhiều tiến bộ, đổi mới.

 

Với chủ đề “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương”, hội nghị là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm quan trọng để tìm ra những giải pháp hiệu quả phù hợp với thực tiễn, nhằm tiếp tục đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nướcở địa phương. 

 

      

Đồng chí Uông Chu Lưu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ kinh nghiệm công tác HĐND với các đại biểu tại hội nghị.

 

Các đại biểu 14 tỉnh trong khu vực đã tập trung thảo luận các vấn đề: vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương; hiệu quả hoạt động của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Những kinh nghiệm về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ họp; kinh nghiệm nâng cao hiệu quả giám sát, thẩm tra, chất vấn, tiếp xúc cử tri; kinh nghiệm về tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác của HĐND; những vấn đề về hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND, cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan văn phòng tham mưu, giúp việc cho HĐND các cấp… (nội dung các bài tham luận được trích đăng trên báo Hòa Bình điện tử). 

 

                  

Đồng chí Uông Chu Lưu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Qua báo cáo tham luận và các ý kiến trao đổi tại hội nghị cho thấy, HĐND các tỉnh trong khu vực đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy đã có nhiều cách làm hay, giải pháp tốt mang lại hiệu quả thiết thực. Các tham luận cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân căn bản làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Đồng chí đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời trao đổi một số  nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nói chung và HĐND cấp tỉnh nói riêng. Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước, những năm qua đã đạt được nhiều những thành tựu đáng phấn khởi, tự hào. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ: nhiều tỉnh trong khu vực còn nghèo, trình độ phát triển còn thấp so với các tỉnh trong cả nước. Đồng chí đề nghị HĐND  các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương tổ chức và đảm bảo việc thi hành tốt Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương để phát triển mạnh mẽ KT-XH, bảo đảm QP - AN, TTATXH, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

  

     

    Đồng chí Uông Chu Lưu , UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH và đại diện các đoàn tham dự hội nghị chứng kiến lễ kết bàn giao đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác HĐND 14 tỉnh lần thứ VIII cho Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai.

 

Sau một buổi sáng làm việc với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ VII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Kết thúc hội nghị, đại diện các đoàn đã chứng kiến lễ ký kết bàn giao đăng cai tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác HĐND 14 tỉnh  trung du và miền núi  phía Bắc lần thứ VIII cho Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai.

                                                                                   Thúy Hằng

 

*Trích ý kiến tham luận tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ VII tại Hòa Bình
 

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND

 

                

Đồng chí Vương Mí Vàng (Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang).

 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 – 2016 HĐND tỉnh Hà Giang đã luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy. Thông qua Đảng - Đoàn và cá nhân các đồng chí đảng viên là đại biểu HĐND, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND luôn được khẳng định. Từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Hà Giang, có thể thấy: dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa HĐND với các cơ quan, tổ chức ở địa phương đã đạt được sự thống nhất cao để HĐND các cấp tỉnh Hà Giang thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - chính trị của địa phương.

 

Trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động HĐND. Đối với việc thực hiện chức năng quyết định, giám sát của HĐND tại các kỳ họp, HĐND chỉ quyết định những vấn đề đã được chuẩn bị tốt về nội dung, bảo đảm đúng quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ; chỉ ban hành nghị quyết khi có tính khả thi cao và nguồn lực được đảm bảo. Tăng cường phân cấp mạnh hơn cho HĐND các cấp để HĐND chủ động xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Có quy định thống nhất về việc bố trí cán bộ chủ chốt của HĐND giữ các chức vụ lãnh đạo trong cấp uỷ Đảng và xem xét bố trí các chức danh Trưởng các ban hoạt động chuyên trách của HĐND được tham gia cấp ủy cùng cấp...

 

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thống nhất trong cả nước về số lượng thành viên và cơ cấu Thường trực, các ban HĐND cấp tỉnh, huyện theo hướng: Chủ tịch và các Phó chủ tịch hoạt động chuyên trách (không có chức danh Ủy viên Thường trực). Tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo hướng: các ban HĐND có Trưởng ban và 2 Phó ban hoạt động chuyên trách. Kiến nghị với cấp ủy Đảng địa phương đề nghị quan tâm bố trí nhân sự giữ các chức danh lãnh đạo HĐND hoạt động chuyên trách. Chủ tịch HĐND là Bí thư cấp ủy và hoạt động kiêm nhiệm, 2 Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Trong đó, 1 Phó chủ tịch là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy và 1 Phó chủ tịch là cấp ủy viên. Trưởng ban HĐND cấp tỉnh nên cơ cấu trong BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, giảm bớt thành viên Ban là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND, bố trí cơ cấu đảm bảo đại biểu vừa có chuyên môn sâu và vừa có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.

 

 

Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề   

 

             

            Đồng chí Lê Văn Tao (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái)

 

Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh Yên Bái đã tiến hành trên 23 chuyên đề giám sát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội với 246 cuộc giám sát tại các địa phương, cơ sở, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm Thường trực HĐND và các Ban của HĐND chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện từ 60 đến 70 cuộc giám sát chuyên đề, với nhiều nội dung trọng tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị và cơ sở.

 

Kết thúc đợt giám sát, cơ quan giám sát đã tổ chức hội nghị với UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ và một số cơ quan liên quan của tỉnh để thông báo kết quả giám sát, qua đó trực tiếp kiến nghị, đề xuất với UBND, các cơ quan chuyên môn giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

 

Với những thực tế trải nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái xin được trao đổi với hội nghị một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh như sau: Hàng năm phải lựa chọn nội dung giám sát thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm, được các ngành, các cấp và dư luận xã hội quan tâm để tiến hành giám sát. Việc chuẩn bị  tài liệu phục vụ giám sát có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giám sát. Tài liệu được cung cấp cho thành viên tham gia đoàn giám sát làm tư liệu nghiên cứu, từ đó có những chất vấn chính xác, đúng trọng tâm. Thu thập thông tin và học tập những kinh nghiệm hay của nhiều tỉnh khác nhau; làm việc, trao đổi thông tin với nhiều cán bộ, chuyên gia, phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế - xã hội; tiếp nhận các thông tin đánh giá của các đại biểu HĐND ở cơ sở. Xây dựng kế hoạch giám sát cho phù hợp, xây dựng đề cương chi tiết cho đối tượng giám sát… Những kiến nghị sau giám sát của HĐND phải được tổng hợp, cập nhật và theo dõi thường xuyên, đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của HĐND phải được giải quyết triệt để.

 

 

Hiệu quả thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND

 

                       

         Đồng chí Đoàn Thị Hảo (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên).

 

Trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, tại kỳ họp cuối năm 2013, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Thái Nguyên”. Đề án được xây dựng nhằm phát huy hơn nữa vị trí và vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, khắc phục những tồn tại, hạn chế để xây dựng HĐND tỉnh thực sự mạnh trong việc thực hiện 2 chức năng quan trọng là quyết định và giám sát. Có thể nói đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động trên tất cả các mặt công tác.  

Đề án được triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, bài bản, mới qua 8 tháng đã đạt được kết quả quan trọng cụ thể :

BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh uỷ, hết sức quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về bộ máy, công tác tổ chức cán bộ và hoạt động của HĐND tỉnh. Cụ thể, tăng cường cả về số lượng và chất lượng đại biểu HĐND tỉnh là cấp ủy tham gia hoạt động chuyên trách: Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh được tín nhiệm giới thiệu và bầu giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được tín nhiệm giới thiệu để bầu vào BTV Tỉnh ủy, tăng cường thêm 2 đồng chí là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh giữ các cương vị Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh và Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách. Đến nay, có 10 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, tăng thêm 2 đại biểu so với đầu nhiệm kỳ.

Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh trên mọi lĩnh vực công tác để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Trong thực hiện chức năng quyết định, BTV Tỉnh uỷ, TT Tỉnh uỷ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo mọi hoạt động của HĐND, nhất là về nội dung, chương trình kỳ họp;  những vấn đề quan trọng, có tác động trực tiếp, lâu dài đến tình hình phát triển KT-XH, QP - AN, TTATXH của tỉnh.

Từng bước tiến tới xây dựng HĐND điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh. 

Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành và thực hiện tốt Quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Việc trả lời đơn thư, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chuyên môn đạt tỷ lệ cao hơn so với những năm trước đây... Từ thực tiễn là những kết quả đã đạt HĐND tỉnh Thái Nguyên đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, giúp đại biểu HĐND tỉnh phát huy năng lực, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật.

 

 

Đổi mới quy trình chuẩn bị, thông qua nghị quyết

 

                 

       Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang). 

 

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND trong hệ thống chính trị và trách nhiệm đối với nhân dân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Bắc Giang đã không ngừng đổi mới hoạt động. Tại kỳ họp thứ 5, nhiệm kỳ 2011-2016 HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Giang”. Trong đó, chú trọng đổi mới việc tổ chức các kỳ họp để HĐND ban hành những quyết sách (đó là các nghị quyết tại các kỳ họp HĐND) quan trọng, đúng đắn thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện và bền vững.

 

Quy trình chuẩn bị, thông qua nghị quyết không ngừng được đổi mới: Đối với những dự thảo nghị quyết có nội dung còn chưa thống nhất giữa các ban HĐND với cơ quan trình dự thảo nghị quyết, đều được báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để cùng với UBND tỉnh xem xét, xử lý. Với cách làm này, tính xây dựng, phản biện thể hiện rất rõ nét trong các báo cáo thẩm tra; những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau, báo cáo thẩm tra đều đưa ra các phương án và phân tích ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để đại biểu HĐND tỉnh tham khảo, quyết định. Thực tế cho thấy, phần lớn các ý kiến thẩm tra được cơ quan trình tiếp thu nghiêm túc và được đại biểu HĐND thể hiện sự đồng thuận cao. Chú trọng hoạt động thảo luận đóng góp nội dung trình ngay tại các tổ đại biểu HĐND trước mỗi kỳ họp. Rút ngắn thời gian trình văn bản, tăng thời gian thảo luận tại kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thời gian trình bày văn bản tại kỳ họp được rút ngắn từ 1 ngày xuống còn 1/2 ngày. Dành từ 2 - 3 buổi cho thảo luận tổ và trên hội trường. Trong các kỳ họp của HĐND tỉnh Bắc Giang, không phải tất cả các nghị quyết do UBND tỉnh trình HĐND đều thông qua ( từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu dừng không thông qua 03 Dự thảo nghị quyết do chưa đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế ). Cùng với việc đưa ra những quyết sách phù hợp HĐND đã từng bước nâng cao vị thế cơ quan dân cử, người đại biểu dân cử ở địa phương.

 

 

Đa dạng hoạt động để phát huy tốt nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND

 

                

    Đồng chí Đinh Thị Chuyên (Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn). 

 

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, của cơ quan dân cử ở địa phương, từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong năm ngoài 2 kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh Bắc Kạn tổ chức 01 kỳ họp chuyên đề . Các nghị quyết chuyên đề dự kiến ban hành được phân bổ cho các kỳ họp để có thời gian chuẩn bị tốt hơn, thời gian còn lại tập trung cho các hoạt động khác giữa hai kỳ họp.

 

Hoạt động tại kỳ họp được đổi mới, đảm bảo phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Các nội dung trình bày ngắn gọn, thường chỉ trình bày báo cáo tóm tắt.

 

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường được duy trì thường xuyên tại các kỳ họp thường lệ, có tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và duy trì số điện thoại trực (thường gọi là đường dây nóng) để tiếp nhận ý kiến của cử tri qua đó đã thu hút đông đảo sự quan tâm, theo dõi của cử tri trong tỉnh. HĐND tỉnh đã xây dựng Đề án “Tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2011 - 2016” bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của đại biểu và việc quan tâm tổ chức thực hiện của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh.

 

Theo kinh ngiệm của HĐND tỉnh Bắc Kạn: để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, phải thực hiện đồng bộ, có hệ thống nhiều giải pháp đổi mới tương ứng với từng chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các kỳ họp HĐND, hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, khảo sát giữa hai kỳ họp.

 

 

Xác định rõ hơn vị thế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

 

                 

     Đồng chí Đặng Trọng Sơn (Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng). 

 

Theo quy định tại Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH&và HĐND tỉnh là cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, có vai trò hết sức quan trọng trong tham mưu, tổ chức phục vụ và đảm bảo mọi điều kiện hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.

 

Từ thực tiễn hoạt động trong hơn 10 năm qua chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng như sau:

Thứ nhất, Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao mọi mặt hoạt động của Văn phòng. Tạo điều kiện thuận lợi, điều kiện làm việc, động viên kịp thời bằng vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng.

Thứ hai, phải tăng cường củng cố bộ máy đảm bảo biên chế cho Văn phòng đủ sức làm tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh. Xây dựng Quy chế, quy trình làm việc phối hợp trong Văn phòng một cách chặt chẽ, khoa học. Quy trình giải quyết công việc tổ chức một cách hợp lý, xác định trách nhiệm của từng cán bộ, công chức theo hướng chuyên môn hóa, phù hợp năng lực.

Thứ ba, có chính sách thu hút những cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm công tác từ các ngành chuyên môn về Văn phòng để nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ cho Đoàn ĐBQH và HĐND.

Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị cho công chức, viên chức. Tổ chức giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm hoạt động Văn phòng với các địa phương khác. Trong thời gian tới, đề nghị QH tổ chức đánh giá về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH& HĐND các tỉnh, thành phố. Có cơ chế phù hợp đối với việc quản lý tài sản, kinh phí phục vụ hoạt động và chế độ chi tiêu đối với CBCC văn phòng. Ban hành Luật, văn bản để xác định rõ hơn vị thế của văn phòng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ..

 

 

Cải tiến các kỳ họp theo hướng thực chất hơn

 

                 

 Đồng chí Nguyễn Quốc Tuân (Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên).

 

Trong thời gian qua, HĐND tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao năng lực thực hiện chức năng quyết định tại kỳ họp HĐND thông qua việc ban hành các nghị quyết của HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 11 kỳ họp, thông qua 110 nghị quyết, quyết định nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh được nhu cầu thực tế của địa phương trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. Hầu hết các nghị quyết của HĐND thông qua đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp với thực tế địa phương và đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

 

Để làm được điều đó, trước các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh  quan tâm chú trọng đến việc thông báo sớm nội dung kỳ họp cho đại biểu. Tài liệu kỳ họp được gửi thông qua hòm thư điện tử đến các đại biểu đúng thời gian quy định, thông qua các cuộc TXCT, đại biểu tham vấn ý kiến nhân dân về những nội dung trình tại kỳ họp để có thêm căn cứ khi tham gia ý kiến, biểu quyết tại kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh chủ động điều hòa, phân công, phối hợp các ban HĐND trong việc thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, sau đó gửi báo cáo thẩm tra cho đại biểu để nghiên cứu, tham khảo khi quyết định tại kỳ họp

 

Tại kỳ họp, trình tự báo cáo, thảo luận và quyết định được cải tiến theo hướng thực chất hơn. Qua đó đã nâng cao được hiệu lực, hiệu quả các quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh.

                                                                                   Thuý Hằng (lược ghi)

 

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục