(HBĐT) - Trong 2 ngày 1 và mùng 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018 - 2020. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Bùi Thu Hằng đã có những ý kiến xung quanh vấn đề này. Báo Hòa Bình xin trích đăng ý kiến của 2 đại biểu như sau:


Đại  biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại hội trường.

Thảo luận báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tôi cơ bản đồng tình với những nội dung báo cáo của Chính phủ và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi. Năm 2017 được đánh giá là kinh tế có tốc độ phục hồi và tăng trưởng tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nghị quyết Quốc hội đề ra đều đạt và vượt, an ninh quốc phòng được củng cố và tăng cường, đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị của doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Theo Báo cáo của Chính phủ ước tăng trưởng GDP năm 2017 đạt khoảng 6,7% quy mô GDP theo giá hiện hành khoảng 5 triệu tỷ đồng tương đương khoảng 224,6 tỷ đô la. Đặc biệt GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 đô la, về mặt lý thuyết đây là con số rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, khi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp này thì cử tri và nhân dân cả nước cho rằng kinh tế - xã hội năm 2017 mặc dù đã có tăng trưởng tốt nhưng đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng chưa đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống, nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân chậm được giải quyết thỏa đáng.

Đơn cử về lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp bên cạnh những điểm sáng thì nhiều nơi tái cơ cấu nông nghiệp đang bị chững lại với vô vàn các rào cản như đất đai, vốn liếng, khoa học, kỹ thuật và thị trường. Nông dân vẫn đang loay hoay với mảnh ruộng của mình. Các điệp khúc được mùa mất giá, trồng, chặt vẫn chưa có hồi kết, nay từ điển nông nghiệp Việt Nam lại bổ sung thêm cụm từ "giải cứu". Đó là những điều mà cử tri rất đáng quan tâm và cho rằng trong thời tới chủ trương về tái cơ cấu nông nghiệp cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt và táo bạo hơn. Về sản xuất công nghiệp được coi là động lực của sự tăng trưởng và phát triển, bên cạnh các doanh nghiệp làm tốt được Thủ tướng đến dùng cơm trưa cùng với công nhân thì còn hàng vạn công nhân ở các khu, cụm công nghiệp đang sống với điều kiện hết sức khó khăn, thiếu nhà ở, thiếu trường học cho con cái, thiếu cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe và thiếu các thiết chế văn hóa, lại phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, với đồng lương ít ỏi vì lý do năng suất lao động thấp. Mặc dù năng suất lao động thấp đâu phải lỗi của công nhân.

Tình trạng nợ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, nợ lương và công nhân phải luôn đối mặt với hiện tượng sa thải khi tuổi cao đang trở nên xấu đi, lực lượng được coi là động lực cho sự phát triển mà khó khăn như vậy sao có thể gọi là phát triển bền vững. Tình trạng thuế, phí và các đóng góp quá sức của dân đang là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, phí chồng phí, nhiều lý giải thì nói đó là tốt cho người dân, tốt cho đất nước sao lại không được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thế mới có chuyện nói đến tiền lẻ nhiều người sợ đến toát mồ hôi hột.

Tình trạng lạm thu trong trường học bởi cái tên Hội phụ huynh nào đó đã làm con đường đến với cái chữ cho con cháu thêm nhọc nhằn, làm vẩn đục nền giáo dục được coi là văn hiến của nước nhà. Nhiều cháu bé sinh ra trên 6 tháng tuổi đã phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang, nhiều học sinh, sinh viên bỗng mang lý lịch không chấp hành chính sách pháp luật bởi lý do chưa đóng các khoản từ trên trời rơi xuống, xe đón dâu bị chặn đường truy thu tiền xây dựng nông thôn mới. Thế mới thấy gánh nặng thuế, phí không loại trừ một ai. "Không đến bệnh viện thì chết, đến bệnh viện thì cũng chết, làm dân khổ lắm các bác ơi" câu nói của người nhà nạn nhân chạy thận nhân tạo Hòa Bình làm day dứt không chỉ riêng lãnh đạo của tỉnh Hòa Bình. Bạo lực không chỉ tồn tại ngoài xã hội mà còn tấn công vào trường học, bệnh viện, làm đảo lộn các giá trị ơn đức xưa nay. Người ngay sợ kẻ gian thì xã hội khó có được sự yên ổn.

Xóa đói, giảm nghèo được coi là một kỳ tích, hàng năm có nhiều ngàn hộ được bình xét đã thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng có bao nhiêu hộ nghèo trở lại tái nghèo thì vẫn là những ẩn số. Sau những trận lũ lụt, sạt lở đất, hàng ngàn hộ trở nên trắng tay, không biết đã đủ điều kiện trở thành hộ nghèo hay chưa? Câu chuyện an toàn chưa bao giờ được bàn kuận nhiều như hiện nay. An toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, an toàn bệnh viện, trường học, an toàn tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn là những nỗi băn khoăn, lo lắng của đông đảo người dân. Mấy câu chuyện có thể chỉ là tiểu tiết nhất thời so với những thành tựu lớn lao của sự phát triển đi lên của đất nước, song nó thực sự là cuộc sống của người dân mà Quốc hội không thể không biết, cần sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém để người dân cảm nhận trọn vẹn sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước là điều không thể kéo dài mãi.

Tăng trưởng là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Nhưng không có nghĩa tăng trưởng cao là sẽ có phát triển tốt, nếu cơ chế phân bổ nguồn lực chia sẻ thành quả không có sự cân đối và công bằng trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Quốc hội vẫn quyết tâm đầu tư những dự án trọng điểm lên đến hàng chục tỷ đô la là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Song còn nhiều chính sách, nhiều đề án, dự án phát triển kinh tế vùng, dự án an sinh xã hội, phúc lợi xã hội chưa được bố trí vốn hoặc bố trí không đầy đủ, không kịp thời với lý do chưa cân đối được nguồn lực thực hiện là điều rất đáng suy nghĩ. Báo cáo của Chính phủ đã nêu hiện tượng về sự bất bình đẳng về khoảng cách giàu, nghèo đang có xu hướng gia tăng, cảnh báo phân cực xã hội. Ở đây nên mở rộng rằng khoảng cách về sự phát triển giữa các địa phương, các tỉnh vùng miền núi, miền xuôi, vùng nông thôn, thành thị cũng trong tình cảnh tương tự là điều rất đáng lo ngại. Theo tôi tăng trưởng phải đi đôi với phát triển toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là tăng trưởng và phát triển bền vững mà nước ta cần kiên trì thực hiện. 


Đại biểu Bùi Thu Hằng phát biểu tại hội trường. 

Tôi nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tôi xin có một số ý kiến tham gia về chính sách bảo hiểm y tế. Đây là chính sách được quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Ý kiến của tôi xin được đề cập đến 3 nội dung như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2017 ước thực hiện đạt 83% và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ bằng việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế đối với tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế theo tôi chưa thực sự bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng chiếm tỷ lệ cao 65,2% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế. Những địa phương có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao là những tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Với sự nỗ lực giảm nghèo và các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian tới, nhiều hộ gia đình sẽ thoát nghèo, nhiều nơi sẽ ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế từ năm 2011 đến 2015 quỹ bảo hiểm y tế luôn có kết dư, số dư quỹ dự phòng đã cao hơn mức quy định và Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đề cập đến các nguyên nhân gia tăng của chi phí khám, chữa bệnh được cấu thành chủ yếu là từ các nhóm nguyên nhân về mức hưởng của người có thẻ bảo hiểm y tế; về tăng giá dịch vụ y tế; do quy định về thông tuyến.

Tôi xin đề cập đến quy định về thông tuyến, quy định này đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ y tế có chất lượng nhưng nhiều bất cập đã phát sinh như giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh ở tuyến xã, quá tải tại tuyến huyện, tuyến tỉnh và gia tăng chi phí y tế. Năm 2016, số lượng khám chữa bệnh ở tuyến huyện tăng 25%, trong khi đó tuyến xã giảm 10%, mặc dù số thẻ đăng ký khám chữa bệnh tuyến xã tăng 8%.

Về chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã quá thấp so với yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.Trong những năm gần đây, chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã dao động trong khoảng 3-5% tổng chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Thông tuyến cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế từ phía người bệnh. Số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2017 tại 46 tỉnh, thành phố có 2.769 người đi khám chữa bệnh từ 50 lần trở lên. Bên cạnh đó, thông tuyến cũng làm hợp lý hóa việc chuyển tuyến trên từ các cơ sở y tế tuyến huyện không phải là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của người bệnh. Do vậy, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được giao quỹ nhưng không thể quản lý và kiểm soát được quỹ của mình.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy định này đã làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh khoảng 2.500 tỷ trong năm 2016. Nguyên nhân lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo đánh giá của Tổng hội Y học tại 4 tỉnh có chi phí khám chữa bệnh gia tăng, bội chi lớn cho thấy các cơ sở y tế sử dụng dịch vụ y tế, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc chưa được thực sự cần thiết chiếm khoảng 5% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc xác định lạm dụng hay không cũng rất khó khăn. Vì công tác giám định bảo hiểm y tế là một lĩnh vực rất phức tạp liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy trình chuyên môn kỹ thuật. Bộ Y tế đã ban hành khoảng 6.000 quy trình chuyên môn kỹ thuật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhưng cũng chưa đầy đủ ở tất cả các chuyên ngành, các lĩnh vực chuyên môn.

Mặt khác, quy trình chuyên môn phải được cập nhật thường xuyên với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Thêm nữa việc áp dụng trong một số trường hợp cụ thể rất khó khăn như những trường hợp bệnh phức tạp khó chuẩn đoán và khó điều trị. Những người thầy thuốc cần phải có sự linh hoạt và kinh nghiệm của người thầy thuốc đứng trước tính mạng của người bệnh và một số trường hợp không thể tuân theo phác đồ quy định điều trị nên trong một số trường hợp không có sự thống nhất giữa cơ quan giám định với cơ sở khám chữa bệnh khi xuất toán các chi phí khám chữa bệnh.

Về giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn sử dụng trong thời gian 1 năm và kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng trong năm bằng 90% số thực thu bảo hiểm y tế và 10% là nguồn dự phòng. Theo Quyết định số 812 ngày 19/5/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giao dự toán kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, quỹ được sử dụng dành cho khám, chữa bệnh là 66.900 tỷ, quỹ dự phòng là 5.600 tỷ. Từ năm 2009 đến nay mức đóng bảo hiểm y tế chưa thay đổi, trong đó các nguyên nhân khách quan dẫn đến quỹ bảo hiểm y tế hàng năm không còn cân đối được, đặc biệt là tăng giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế và chính sách thông tuyến.

Cho đến hết tháng 9 năm 2017 đã có 39 tỉnh chi từ 100 đến 161% quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng cả năm. Tổng số tiền vượt quỹ trong 9 tháng của 39 tỉnh là 5.997,5 tỷ. Như vậy, việc giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay là không còn phù hợp và phải lấy quỹ kết dư từ trước để bù đắp bội chi. Quỹ khám chữa bệnh được giao thấp so với thực tế sử dụng gây khó khăn, áp lực rất lớn đối với các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt là tuyến huyện vì kinh phí hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh từ khi thực hiện Thông tư 37 chủ yếu là nguồn thu từ bảo hiểm y tế, khi bội chi phải chờ cơ quan chức năng thẩm định xem xét nguyên nhân với số lượng hầu hết các cơ sở y tế đều bị bội chi. Việc thẩm định của cơ quan bảo hiểm xã hội rất vất vả, khối lượng công việc rất lớn, nhiều khi không kịp thời, các cơ sở khám, chữa bệnh rất khó khăn về kinh phí để hoạt động. Nội dung này đại biểu Bình đoàn Lào Cai đã có ý kiến. Như vậy, để chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế thực hiện thông suốt, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. 

                                                                  Phan Nga (VP Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình)

Các tin khác


Chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của Nhân dân

(HBĐT) - Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện mạnh mẽ, kiên quyết từ Trung ương đến địa phương với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không chịu sức ép của bất cứ cá nhân nào”. Chính vì vậy, không ít cán bộ từ cấp Trung ương, tỉnh, đến huyện, xã "nhúng chàm” tham nhũng, tiêu cực đã bị đưa ra ánh sáng, bị xử lý nghiêm minh và thống nhất, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự.

Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Thi hành kỷ luật một số tổ chức, đảng viên vi phạm

Trong các ngày 12 và 13/4/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 28.

Quyết liệt ngăn chặn tham nhũng góp phần phát triển kinh tế-xã hội

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố hằng năm cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công. Chỉ số được tổng hợp dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm: Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh, điểm càng cao có nghĩa sẽ càng minh bạch và ít tham nhũng hơn.

Ban Bí thư kỷ luật khai trừ Đảng Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca cùng 3 cá nhân

Ban Bí thư vừa quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Đồng, Trương Minh Hiến, Vũ Hữu Song, Đỗ Hữu Ca.

Thể lệ Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023

(HBĐT) - Nhằm phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của Nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023.

Huyện Tân Lạc chủ động phòng chống tham nhũng, lãng phí

(HBĐT) - Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tân Lạc luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (TNLP), kịp thời phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm, góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH, củng cố lòng tin của nhân dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục