(HBĐT) - Chỉ khi được tận mắt nhìn thấy vườn cam đang vào vụ quả sai trĩu cành, chúng tôi càng cảm phục hơn những nỗ lực và nghị lực phi thường của nữ chiến sỹ dân quân Bùi Thị Tâm ở xã Kim Sơn (Kim Bôi).


Bùi Thị Tâm (trái) giới thiệu thành quả lao động của mình tại Đại hội thi đua quyết thắng LLVT huyện Kim Bôi giai đoạn 2012 - 2017.

 

Bùi Thị Tâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tâm thi đỗ và theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình với ước mong khi ra trường sẽ về quê dạy học. Trong quá trình học tập tại trường, Bùi Thị Tâm có nhiều dịp được về chơi nhà bạn ở huyện Cao Phong. Khi về đây, nhìn những vườn cam bạt ngàn, trĩu quả mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm, Tâm ngỡ ngàng và có đôi chút chạnh lòng. Tâm nghĩ: Cũng là đồng đất, cũng là những người nông dân nhưng sao ở quê mình quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn còn người nông dân ở đây nhà nào cũng tính đến tiền trăm, tiền triệu, có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Trong 4 năm học, Tâm luôn đau đáu khát vọng đổi đời.

Tốt nghiệp ra trường, trở về quê với tấm bằng cử nhân loại khá nhưng Bùi Thị Tâm không xin được việc làm như mong muốn. Khi đó, ước vọng đổi đời ngay trên đồng đất quê hương ngày nào lại càng thôi thúc Tâm. Để thực hiện ước vọng đó, Bùi Thị Tâm bàn với gia đình cải tạo vườn tạp, chặt bỏ toàn bộ các loại cây ăn quả giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng cam. Tâm kể: Ban đầu, mọi người trong gia đình em không tin, không đồng tình và cuối cùng là chẳng ai ủng hộ. Phải vận động, thuyết phục mãi, nhất là khi em đưa ra được phương án, kế hoạch chuyển đổi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Khi đó, bố em rồi đến mẹ và các anh chị trong gia đình hiểu và hỗ trợ, động viên em thực hiện việc chuyển đổi, cải tạo vườn tạp để trồng cam.

Theo đó, toàn bộ diện tích 2 ha vườn, đồi rừng của gia đình được chuyển đổi sang trồng 1.600 gốc cam V2 và cam Canh. Quá trình chuyển đổi, xuống giống, Tâm đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình về chọn cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây ban đầu của những người có kinh nghiệm ở vùng đất cam Cao Phong. "Do mới bắt tay vào làm, không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên cây cam của gia đình mình trồng chậm lớn, phát triển không đều lại bị sâu bệnh... Có những lúc nhìn vườn cam héo úa dần mà lòng cứ quặn thắt nhưng cũng chẳng biết làm thế nào”, Bùi Thị Tâm trải lòng về thất bại đầu tiên trên con đường khởi nghiệp làm giàu đầy khó khăn và chông gai của mình.

Thất bại nhưng điều đó dường như làm cho cô gái này càng trở nên mạnh mẽ hơn, nhất là khi tham gia vào trung đội dân quân cơ động của xã và được Ban CHQS huyện Kim Bôi cho đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao nhằm thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng trong LLVT huyện. Khi ấy, Bùi Thị Tâm càng quyết tâm hơn.

Đứng lên từ thất bại, Bùi Thị Tâm đã một mình đi xe máy về trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội để tìm gặp những giảng viên, chuyên gia đầu ngành đề nghị họ tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật trồng cam. Cảm phục trước quyết tâm và nghị lực cũng như khát vọng làm giàu chính đáng của cô gái trẻ, trường Đại học Nông nghiệp I đã cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật và phân tích thổ nhưỡng... Được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, chu đáo về kỹ thuật chăm sóc cộng với sự kiên trì của Tâm và những thành viên trong gia đình khi hàng ngày họ đều dậy từ rất sớm miệt mài chăm bẵm từng gốc cam đang lụi tàn, héo úa. Như có một phép màu, 1.600 gốc cam bị sâu bệnh đã hồi sinh mạnh mẽ, cây phát triển xanh tốt như một sự đền đáp xứng đáng với những khó khăn mà Bùi Thị Tâm và gia đình đã phải trải qua.

Xác định việc trồng cam ban đầu cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó, gia đình chưa có điều kiện, nên khi cây cam chưa khép tán, Tâm đã trồõng xen ghép các loại cây ngắn ngày như đậu, vừng, lạc để tăng thêm thu nhập, tăng độ che phủ đất, giảm lượng nước tưới vào mùa nắng nóng, khô hanh, đồng thời, tổ chức thêm chăn nuôi... Đến nay, sau 4 năm chăm sóc vất vả, vườn cam của Bùi Thị Tâm đã cho thu hoạch. Từ nguồn thu này, gia đình Bùi Thị Tâm đã trả hết nợ vay, đời sống ổn định với mức thu nhập hàng năm từ 300 - 350 triệu đồng (đã trừ hết chi phí).

Sự thành công của mô hình kinh tế đã trở thành động lực thôi thúc nhiều chiến sỹ "sao vuông” ở xã Kim Sơn nói riêng và huyện Kim Bôi nói chung vươn lên toả sáng bằng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.


 Mạnh Hùng


Các tin khác


Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Phó Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xã Tân Thành (Mai Châu) đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, Phó Bí thư chi đoàn xóm Chiêng Lường Văn Hân là tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục