(HBĐT) - Xuất phát từ mong muốn cộng đồng xung quanh mình có sân chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn, anh Bùi Phi Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị (Yên Thủy) không ngần ngại bỏ ra số tiền gần 700 triệu đồng đầu tư xây dựng phòng đọc sách miễn phí với diện tích 250 m2 để mang "kho tàng” tri thức về gần hơn với người dân nơi quê nghèo.


Ý tưởng xây dựng phòng đọc sách vì cộng đồng của anh Bùi Phi Diệp (đứng) thật đáng quý, đáng trân trọng trong xã hội hiện nay.

 

"Kho báu” cho cộng đồng...

 

16h30’, như thường lệ, sau khi tan học, cậu bé Đào Văn Thu, học sinh lớp 8a, trường THCS Yên Trị lại bỏ mặc những trò chơi đá bóng, đuổi nhau trên sân trường để tách chúng bạn một mình đạp xe đến phòng sách của anh Bùi Phi Diệp nằm ngay trên tuyến quốc lộ 12B. Với Thu đây là điểm đến quen thuộc sau mỗi giờ tan lớp là bởi "ở đây cháu luôn tìm được những cuốn sách hay, bổ ích”.

Quả vậy, với hơn 700 đầu sách đa dạng về chủng loại, phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi, đối tượng xã hội, ở phòng đọc sách miễn phí của gia đình anh Diệp thực sự trở thành "kho báu” nơi vùng quê nghèo.

Hàng ngày đến với phòng đọc sách, không chỉ có các cậu bé như Đào Văn Thu mà còn có nhiều người, cả cán bộ, công chức địa phương và cả người từ các địa phương khác cũng thường xuyên có mặt ở phòng đọc.

Bà Vũ Quỳnh Thanh, Trưởng thôn Ninh Hòa (xã Yên Trị) dù nhà ở cách xa phòng đọc hơn 3 km nhưng cứ rảnh rỗi bà lại đạp xe đến phòng đọc sách. Bà chia sẻ: Đến phòng đọc này tìm đọc những cuốn sách hay đã trở thành thói quen khó bỏ. ở đây, tôi có thể tìm được nhiều cuốn sách hay phù hợp với mình, vừa đọc, vừa nghiền ngẫm. Đó cũng là thú vui bổ ích không làm lãng phí thời gian mà mình còn tiếp thu, làm giàu thêm vốn kiến thức bản thân.

ông Đỗ Ngọc Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Trị chia sẻ: Với chúng tôi, phòng đọc sách này thực sự là một nơi hữu ích. ở đây chúng tôi tìm thấy những quyển sách hay, quý như những cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay những cuốn tiểu thuyết gối đầu giường của thế hệ thanh trước đây như tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Nga Paven với "Thép đã tôi thế đấy” hay những cuốn sách về Luật tục của các dân tộc Việt Nam, Lịch sử Việt Nam qua các triều đại; lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; các cuốn sách nói về đặc trưng văn hóa của các dân tộc... Chúng tôi tìm thấy cả những cuốn sách về hướng dẫn phương pháp trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; làm thế nào để đem lại hiệu quả, năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp... Từ những kiến thức được đọc, được tiếp thu đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc chỉ đạo, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất; cách phòng trừ sâu bệnh an toàn cho hội viên nông dân trong xã cùng làm theo.

 

… của một người có tâm

 Có cả một "kho tàng” đồ sộ, lẽ thường người ta sẽ giữ cho riêng mình. Nhưng ở đây, anh Bùi Phi Diệp lại làm khác. Điều này xuất phát từ cái tâm của một người yêu sách. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể: ngày xưa khi còn nhỏ, mình rất thích đọc sách nhưng để có một cuốn sách rất khó khăn, kiếm được cuốn sách hay lại càng khó khăn gấp bội. Thế nên, để có sách đọc chúng tôi thường trao đổi với nhau bằng cách, mỗi ngày mỗi người đọc xong một quyển sách rồi luân chuyển cho nhau. Cũng là người yêu sách nên ngay từ nhỏ, tôi đã lưu giữ, sưu tầm được nhiều cuốn sách hay. Có nhiều sách, tự nhiên nhà tôi trở thành nơi mọi người thường xuyên lui tới để mượn. Do vậy, tôi cũng có nhiều bạn bè hơn. Chính từ đó, tôi luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng một phòng đọc sách miễn phí dành cho mọi người. Bởi một cuốn sách hay càng trở nên ý nghĩa hơn khi có nhiều người đọc.

Từ ý tưởng đó, năm 2011, khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị, anh Bùi Phi Diệp may mắn có cơ duyên được theo đoàn công tác của giáo sư sử học Lê Văn Lan khi ông về Yên Trị tìm hiểu các di chỉ khảo cổ. Quá trình đó, Bùi Phi Diệp đã được giáo sư trải lòng. Anh kể: Trong câu chuyện của mình, giáo sư Lê Văn Lan nói ông có rất nhiều tài liệu, sách, báo. Trong đó đa số là những tài liệu quý về lịch sử, dân tộc học, xã hội học. Nếu sau này giáo sư mất đi thì toàn bộ số sách đó sẽ bị đốt bỏ. Nghe vậy, mình thấy tiếc và mạnh dạn đề xuất với thầy là tới đây sẽ xây dựng phòng đọc sách miễn phí cho con cháu trong nhà và người dân địa phương. Nghe vậy, giáo sư đã đồng ý chuyển một phần số sách hiện có với 500 đầu sách về cho Bùi Phi Diệp mở phòng đọc miễn phí cho người dân. Ngoài ra, bằng các mối quan hệ, Bùi Phi Diệp đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ thêm hơn 200 đầu sách, nâng tổng số đầu sách của phòng đọc lên hơn 700 đầu sách với đầy đủ các chủng loại cho mọi đối tượng, từ sách thiếu nhi cho đến sách nghiên cứu, tác phẩm văn học nổi tiếng...

Để hiện thực hóa ý tưởng, ngay trong năm 2012, Bùi Phi Diệp đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và huy động anh em họ hàng mỗi người giúp một ít để đầu tư xây dựng phòng đọc sách khang trang với diện tích 250 m2, tổng số tiền đầu tư gần 700 triệu đồng. Ngoài việc đầu tư, xây dựng phòng đọc khang trang, Bùi Phi Diệp còn vận động anh em, họ hàng, bà con trong xóm, xã có bàn ghế cũ không dùng thì mang đến ủng hộ. Nhờ vậy, phòng đọc sách của anh đã trở thành điểm đến quen thuộc, thường xuyên của nhiều người dân trong xóm, xã và các địa phương lân cận. Từ đó đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn. Hơn thế nữa, từ phòng đọc sách này đã khơi dậy và duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Không chỉ có vậy, thời gian qua, để phòng đọc sách của mình trở thànhđiểm đến hấp dẫn, Bùi Phi Diệp còn tìm kiếm, sưu tầm và trưng bày nhiều hiện vật lịch sử, nhất là những hiện vật từ thời chiến tranh để cho các cháu học sinh đến đây được tiếp cận và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của thế hệ cha anh. Anh chia sẻ: Mặc dù việc trưng bày các hiện vật chưa được quy củ, khoa học như ở các bảo tàng, nhưng khi nào có điều kiện tôi sẽ làm các trích lục, hồ sơ hiện vật để giúp các cháu đến tìm hiểu, nghiên cứu có được những dẫn chứng chính xác, cụ thể...

ý tưởng, việc làm vì cộng đồng, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận, hưởng thụ, tiếp thu nguồn tri thức từ "kho sách” của người cán bộ như anh Bùi Phi Diệp luôn là những điều thật đáng quý, đáng trân trọng khi văn hoá đọc của một bộ phận người dân dần mai một do sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực trong cuộc sống và sự tiếp cận của người dân ngày càng dễ dàng hơn!

Mạnh Hùng

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục