Cô Phan Thị Nhật Lê (cán bộ TTHTCĐ phường Thái Bình) trong lần gặp gỡ, tìm hiểu về tình hình học tập của em Phùng Thị Thiết  sau ngày em trở lại lớp.

Cô Phan Thị Nhật Lê (cán bộ TTHTCĐ phường Thái Bình) trong lần gặp gỡ, tìm hiểu về tình hình học tập của em Phùng Thị Thiết sau ngày em trở lại lớp.

(HBĐT) - Vừa thấy cô Phan Thị Nhật Lệ, cán bộ TTHTCĐ phường Thái Bình (thành phố Hoà Bình) ở đầu dốc, chuẩn bị rẽ vào ngõ, ông Phùng Dũng Hoà (trên 75 tuổi), ở tổ 13, xóm Khuôi đã vồn vã, thăm hỏi như người thân lâu ngày trở về: “Lên à, khoẻ cả chứ”. Hôm nay, vợ chồng con trai đi làm sả trên đồi, chỉ có ông, bà và cô cháu gái Phùng Thị Thiết ở nhà. Thấy cô giáo lên chơi, cô học sinh người Dao này có vẻ vẫn ngập ngừng, dù muốn sà đến bên cô như hôm nào…

 

Phùng Thị Thiết (14 tuổi, học sinh lớp 8) nữ học sinh người Dao từng nghỉ học dạo đầu năm học bẽn lẽn khoe: Kết thúc năm học 2013-2014 vừa qua, cố gắng chút nữa là em được xếp loại học lực khá cô ạ. Cầm những cuốn vở viết mà em đưa ra, thấy đây là một học sinh học hành chăm chỉ: chữ viết đẹp, trình bày cẩn thận, có ý thức học hành. Khi hỏi lại chuyện cũ sao dạo đầu năm học 2013-2014 lại có ý định bỏ học, Thiết có phần e thẹn, bối rối. Ông nội ngồi bên tiếp lời: Vâng, các bác ạ, hồi đầu năm học, cháu nó ốm, tiện thể, nhà đang khó khăn, gia đình định cho cháu nghỉ luôn. Các bác tính, không có ruộng cấy lúa, gia đình chỉ trông chờ vào gần 2 ha cây sả, mà giá bán thì thất thường (lúc cao lên 7.000-8.000 đ/kg, lúc rẻ 4.000-5.000đ/kg thôi). 2 ông bà già 75-80 tuổi rồi, bố mẹ cháu Thiết cũng vất vả lắm để nuôi 6 khẩu trong gia đình. Đã thế, đầu năm học, ngoài việc phải đong gạo, còn phải tính toán lấy đâu tiền mua quần áo, sách vở cho 2 con nên bố mẹ nó và chúng tôi định cho nó nghỉ học thôi. Đường từ xóm Khuôi về trường 6 km, ngày nào bố cũng phải đưa đón, thời gian đâu mà đi làm ăn. May mà cô Lệ đã biết và có hướng để cho em trở lại lớp, không thì cũng nghỉ học luôn thôi. Từ nãy giờ, cô Lệ khá kiệm lời, giờ mới có dịp thổ lộ: Chúng tôi nhận được thông tin về em Thiết nghỉ học từ nhà trường. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: em là nữ sinh người dân tộc Dao, học đến lớp 8 mà nghỉ thì tiếc cho em quá. Mà điều quan trọng hơn, em nghỉ được, liệu học sinh người Dao khác có “học tập” theo không. Lên xóm Khuôi gặp em, gặp gia đình, ban đầu cũng khó khăn lắm. Ông nội của em thì thẳng thắn nói rằng: “Con gái mà, học hành gì lắm, rồi cũng đi lấy chồng”, rồi thì “Học thế thôi, sau này làm Oshin cũng được”. Biết tâm trạng của người trong cuộc lúc này đang có nhiều điều chưa thông tỏ, cô Lệ đã nhẹ nhàng tâm sự, chỉ ra được việc cần thiết phải đến trường, đến lớp học hành; các em gái phải có kiến thức, kỹ năng mới làm chủ cuộc sống sau này của mình được. Thấy gia đình cũng xuôi xuôi, những lần ngược dốc lên xóm Khuôi tiếp theo, cô đã mang theo sách, bút và dành thời gian trò chuyện, dạy em Thiết học bài. Khi cô ra đề văn cho em làm “Em hãy kể những suy nghĩ của mình khi xa mái trường và bạn bè của em”, đọc bài cô càng thêm hiểu tâm tư của cô bé người Dao này: rất ham học, muốn được đến trường, nhưng vì hoàn cảnh, vì những tác động từ người thân mà phải nén lòng lại. Đọc bài văn cô đã bật khóc vì xúc động, thương học trò và cảm thông hơn đối với hoàn cảnh thuộc diện hộ nghèo của em. Thấy cô khóc, học trò cũng không kìm được dòng nước mắt đã tích tụ từ lâu. Thế là cô và trò đã hiểu được tấm lòng của nhau và cùng nhau hợp tác trong học tập. Câu chuyện về cô bé người Dao đang nghỉ học đã được các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị ở phường Thái Bình biết đến và có sự quan tâm đặc biệt. Làm thế nào để cùng cô Nhật Lệ đưa em trở lại lớp học? Các khối ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội như: Hội CCB, Hội khuyến học, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… đã về xóm Khuôi gặp gỡ gia đình, các cấp chính quyền, đoàn thể ở nơi đây để chung sức làm công tác vận động để đưa em trở lại lớp. Chính sự tiếp sức đó, đã làm tinh thần của cô và trò phấn chấn lên rất nhiều. Cả hai đã quyết được ngày trở lại lớp học. Có lẽ ở tỉnh ta, chưa có trường hợp nào nghỉ học, nay trở lại trường lại được đưa đón chu đáo như thế này: cô Lệ đã đèo em từ nhà xuống trường để bàn giao cho cô hiệu trưởng; cùng đi còn có 5-7 cán bộ thuộc các ngành, đoàn thể ở phường. Ngày hôm đó, các bác ở phường đã tặng em sách, bút; cô Lệ đã tặng em chiếc điện thoại để cô trò còn liên lạc động viên em trong học tập. Các thầy cô nhà trường và các bạn cùng lớp đã hân hoan đón em trở lại trường. Cô Lê Thị Luyến, cô Nguyễn Thị Nhu, bạn Thu Hoà… đã động viên, giúp đỡ và tạo cho em có thêm niềm tin mới trong mỗi buổi đến trường. Nhà trường đã quyên góp, tặng em chiếc xe đạp để hàng ngày em có thể đến trường… 

 

Ngày em Thiết đến trường cũng là ngày vui nhất của cô giáo Nhật Lệ. 31 năm làm trong ngành giáo dục, câu chuyện này cũng là một dấu ấn đáng nhớ của cô. Được biết, cô cũng từng có 15 năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố và trải qua nhiều trường lớp khác nhau (Đà Bắc, thành phố Hoà Bình). Dù dạy ở đâu, bên cạnh công tác chuyên môn, cô cũng luôn quan tâm đến các em có hoàn cảnh khó khăn. Khi còn là giáo viên trường THCS Võ Thị Sáu, cô đã từng cưu mang 2 học sinh người Sơn La đang theo học nghệ thuật tại Hoà Bình. Vừa qua, với góc độ là Phó chủ tịch công đoàn trường tiểu học Thái Bình, cô đã tham mưu, vận động đoàn viên công đoàn 3 trường MN, tiểu học, THCS, các ngành, đoàn thể phường quyên góp được 5 triệu đồng tặng áo ấm và gạo cho 15 em học sinh nghèo trên địa bàn phường.

                                                                                           

 

 

                                                                        Bùi Huy

 

 

 

Các tin khác


Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục