Chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong chăm sóc vườn cam lòng vàng của gia đình.

Chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong chăm sóc vườn cam lòng vàng của gia đình.

(HBĐT) - Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

 

Không nản lòng trước thất bại

 

Được sự giới thiệu của Hội phụ nữ huyện Cao Phong, chúng tôi tới thăm mô hình trồng cam gia đình chị Lâm Thị Nụ. Tại quầy hàng của gia đình, lối nói chuyện giản dị, gương mặt người phụ nữ đứng tuổi hơn ở tuổi thật của chị - 44 tuổi, toát lên vẻ cương nghị, rắn rỏi. Vốn là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trước kia, gia đình chị Nụ tập trung trồng mía. Cây mía tuy cho thu nhập khá nhưng chỉ là cây thoát nghèo. Là công nhân của Nông trường Cao Phong (Công ty TNHH MTV Cao Phong hiện nay), được sự định hướng của công ty, năm 2004, chị Nụ chuyển sang trồng cam. Khởi điểm 4.000 m2 từ đất hợp đồng giao khoán của công ty, chị bắt tay trồng cây cam Xã Đoài. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, sau 4 năm, cây cam bắt đầu cho thu hoạch. Niềm vui chưa kịp bao lâu, sau 2 năm cho thu hoạch khá, sang năm thứ ba, cây cam bỗng dưng bói quả lưa thưa, tốt lá. Nhìn hàng trăm gốc phải chặt đi, chị đau như cắt từng khúc ruột, bao nhiêu tâm huyết tan trong chốc lát.

 

Nhắc lại thất bại này, chị Nụ bùi ngùi chia sẻ: Thời đó, quyết định đầu tư “cây nhà giàu” là một sự mạo hiểm bởi cây cam là cây cần chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh đúng cách. Lần đầu tiên trồng cam, phần do không mua được giống có chất lượng, phần vì chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên thành công chưa mỉm cười. Khi thất bại ở vụ cam thứ nhất, gia đình tôi rơi vào khủng hoảng kinh tế, vốn vay ngân hàng chưa kịp hồi lại phải gánh thêm khoản nợ mới để đầu tư tiếp. Tuy nhiên, tôi quyết không chịu đầu hàng trước thất bại, xót xa chặt hàng trăm gốc cam cũ đi, tôi chấp nhận làm lại từ đầu. Sau lần đó, gia đình tôi lấy giống cam tại Nông trường Cao Phong và đầu tư vào hai giống cam Xã Đoài và cam lòng vàng. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng Ngân hàng CSXH, NN & PTNT, Qũy tín dụng để thu gom đất trồng mở rộng diện tích, tôi quyết định đánh cược với cây cam một lần nữa.

 

Nỗ lực được đền đáp

 

Thất bại đã cho chị những kinh nghiệm quý báu. Ngược xuôi học hỏi kinh nghiệm, luôn luôn tìm tòi sách vở và tiếp thu những kiến thức KH -KT mới. Chị Nụ tâm sự: Khó chồng khó khi tôi bắt tay khởi nghiệp với cây cam; thất bại ập tới thực sự là cú sốc lớn, song cũng là bài học lớn cho tôi trong những thành công canh tác và phát triển cây cam sau này. Tôi luôn tâm niệm trồng, chăm sóc cây cam và bảo đảm chất lượng cho quả cam để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. May mắn qua mấy năm, đất không phụ người cộng với điều kiện khí hậu thuận lợi ở Cao Phong, cây cam phát triển tốt, cho quả đều và sai.  Sau 6 năm làm lại với cây cam, mấy năm đầu, tiền thu được từ lãi cam chị trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Tới nay, với diện tích 3 ha, gia đình chị trồng các loại cam như: cam Canh, Xã Đoài, cam lòng vàng, quýt dẹt, quýt đường, trong đó, đang cho thu 2 ha, còn 1 ha sẽ cho thu vào năm sau. Vụ cam năm 2013, gia đình chị thu hơn 1 tỷ đồng, theo chị nhẩm tính năm 2014, tuy không được mùa nhưng gia đình chị vẫn dự kiến thu khoảng 35 tấn cam và 15 tấn quýt, cho tổng thu khoảng 1, 3 tỷ đồng.

 

Nhân lên hy vọng trên miền đất trù phú

 

Hiện tại, gia đình chị Nụ có 4 nhân khẩu, hai vợ chồng nuôi hai con đang học đại học. Việc chăm sóc cây cam và trông nom vườn đều phải thuê, tới vụ đều phải thuê nhân lực thu hoạch cam. Với nỗ lực vừa làm, vừa tự học, chị Nụ nhen nhóm ý định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất và trồng thêm giống cam V2.

 

Đứng giữa vườn cam của gia đình, tay nâng những quả cam vàng đều, tròn trịa và tự hào về những thành quả bao năm mình gây dựng, chị Nụ chia sẻ: Mấy năm nay, cam Cao Phong được mùa, chất lượng và giá thành sản phẩm cũng theo đó được nâng lên nông dân chúng tôi mừng lắm. Từ nay, cam Cao Phong đã có chỉ dẫn địa lý, gia đình tôi cũng như những người trồng cam khác yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.  

 

 

                                                                Lê Thùy (Sở TT&TT)

 

 

Các tin khác


Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, nhiệt huyết

Là người con của đồng bào dân tộc Mường, sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc loại giỏi (năm 2013), chị Nguyễn Thị Mai Linh (sinh năm 1991) trở về quê hương công tác tại phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Là người nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, tích cực trong công tác phong trào, chị được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tín nhiệm đề cử, bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên phường năm 2015.

Thủ lĩnh Đoàn với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Sinh ra và lớn lên ở xã Mai Hạ, mảnh đất mà thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế khác còn ở quy mô nhỏ. Với tình yêu quê hương và khát vọng tuổi trẻ, anh Hà Văn Thái, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mai Hạ (Mai Châu) đã vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trưởng xóm Đồng Ngoài dân mến, dân tin

Năng nổ, nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc… đó là những phẩm chất quý báu của anh Bùi Văn Năng, Trưởng xóm Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Với tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu gương trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, anh Năng được nhân dân tín nhiệm, yêu mến.

Từ con số 0 đến thương hiệu quà tặng HaNi

Không ngại khó, không ngại khổ, tận dụng những thời cơ cũng như thách thức trong thời điểm nền kinh tế đang có nhiều biến động để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, lập nghiệp của mình, chị Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1993) đã "khai sinh” ra thương hiệu quà tặng HaNi vào đầu năm 2023. Dù mới thành lập và còn khá non trẻ, nữ giám đốc 9X người gốc Hòa Bình đã vận hành và đưa HaNi đến với nhiều đối tác, khách hàng, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm quà tặng độc đáo, chất lượng, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục