(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng chung sống với dân số toàn tỉnh là 85,4 vạn người (số liệu sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 74,31% dân số, gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc thiểu số khác. Các dân tộc có nét văn hóa riêng về phong tục, tập quán, nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt hàng ngày, song lại có cái chung, đậm nét của nhân dân các dân tộc miền núi, đó là: cần cù lao động, nghị lực khắc phục khó khăn, đức tính thật thà và giàu lòng nhân ái, mến khách, đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Sau đây xin giới thiệu một số nết đặc trưng của các dân tộc thiểu số chính trong tỉnh:

1. Dân tộc Mường

- Tên tự gọi: Moọi
- Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường.
- Đặc điểm trang phục: Bộ trang phục phụ nữ Mường đa dạng hơn nam giới và còn giữ được nét thanh lịch, kín đáo, gồm: khăn đội đầu màu trắng, áo cổ tròn có thân ngắn hơn tay, váy dài đen, yếm, cạp váy được thêu cầu kỳ. Đồ trang sức thường là vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2-4 dây bằng bạc có gắn hộp ốc đào đựng trầu cau, móng vuốt thú rừng nạm bạc.

- Đặc điểm về sinh hoạt, sản xuất: Người Mường sống trong nhà sàn, ở các vùng thung lũng, đồi núi thấp, dọc ven sông, suối, tập trung thành mường, làng khoảng vài chục nhà. Có truyền thống canh tác lúa nước, sản xuất nông, lâm nghiệp lâu đời, ngoài ra còn có nghề thủ công như trồng bông, dệt vải, đan lát.
Rượu cần của người Mường nổi tiếng với cách chế biến, hương vị đậm đà. Đồng bào còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như: Hội Còn xuân, Lễ hội Cồng chiêng, một số tập tục, nghi lễ về hiếu, hỷ… và có rất nhiều bài thuốc nam hiệu quả được lưu truyền qua các thế hệ.

- Dân tộc Mường chiếm 63,79% dân số toàn tỉnh, cư trú ở các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung đông nhất tại các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy, Cao Phong, Kỳ Sơn.

2 - Dân tộc Thái

- Tên tự gọi: Tay hoặc Thay
- Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Chữ viết của người Thái có mẫu tự theo Sanscrit, học theo hệ truyền khẩu.
-  Trang phục: Phụ nữ Thái mặc áo cánh thân ngắn, đính khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu…áo cổ tròn, viền nhỏ, xẻ vai ăn nhịp với chiếc váy vải tối màu hình ống; thắt eo bằng dải lưng trắng, bổ tua ngắn bên hông trái. Đầu đội khăn màu trắng gấp nếp. Nam giới mặc quần cắt để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt. Ngày nay, trang phục của người Thái có nhiều thay đổi để phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt.
- Về sinh hoạt, sản xuất: Người Thái có truyền thống trồng lúa nước và cải tạo ruộng bậc thang, sản xuất chủ yếu là nông, lâm nghiệp, trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm hàng thủ công mỹ nghệ.
Các món ăn được chế biến khá cầu kỳ. Trên mâm không thể thiếu rau thơm; gia vị chính trong các món ăn là vị cay, chua, đắng…
- Dân tộc Thái chiếm 4,06% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại huyện Mai Châu.

3 - Dân tộc Tày


- Tên gọi khác: Thổ
- Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Chữ viết của người Tày được xây dựng trên mẫu tự tượng hình, hiện đang bị mai một, chỉ còn ít người biết viết.
 - Trang phục: Bộ y phục của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, ít thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn bên trong và áo dài bên ngoài. Trên đầu quấn khăn nhuộm chàm.
- Sinh hoạt, sản xuất: Người Tày sống trong nhà sàn, tập trung thành làng khoảng vài chục nhà; sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu, ngoài ra còn làm nghề thủ công như dệt vải, đan lát mây, tre.
Những thức ăn được làm từ đồ nếp thường được dùng trong khi đi làm, lễ hội. Đun nấu thức ăn chủ yếu bằng đồ trong hông hoặc nướng chín, nấu nhừ. Người Tày theo lịch âm. Vào tháng 11 - 12 âm lịch có tục làm cơm mới để cảm ơn tổ tiên, thần linh đã có sức khỏe, mùa màng bội thu.

- Dân tộc Tày chiếm 2,89% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại huyện Đà Bắc và một số xã của huyện Mai Châu.

4 - Dân tộc Dao

- Tên tự gọi: Kèm Miền, Kìm Mùn; tên khác: Mán.
- Thuộc nhóm ngữ hệ Mông - Dao.
Tỉnh Hòa Bình có hai ngành là Dao Tam Đảo (Dao Quần chẹt) và Dao Tiền. Hai ngành có một số đặc điểm khác nhau về trang phục, tập tục sinh hoạt, lễ nghi; đồng thời ít có quan hệ về hôn nhân, không ở chung một làng.
- Trang phục: Phụ nữ Dao Quần chẹt mặc áo dài xẻ tà, khi vận áo vắt ngang thắt lưng, vạt áo trang trí ô hình vuông xanh, đỏ, tím, trắng; đầu đội khăn, quần thêu hoa, ở gấu may chật, mặc ngắn trên bắp chân, chân quấn xà cạp màu trắng. Nam mặc áo in hình quả trám ở cổ và nửa phần trên túi áo, phần dưới túi áo thêu hoa văn. 
Phụ nữ Dao Tiền mặc váy ngắn ngang đầu gối, có trạm trổ hoa văn bằng sáp ong, đầu đội khăn màu đen, đuôi khăn trang trí bằng đồng bạc xòe, chân quấn xà cạp in hoa. 
- Sinh hoạt, sản xuất: Người Dao sinh sống ở Hòa Bình từ lâu đời, có tập quán sống trên vùng núi cao, dựng nhà trệt gỗ, thường ở đầu nguồn nước; canh tác nương rẫy, săn bắn. Người Dao rất giỏi một số nghề như: trồng bông dệt vải, nhuộm chàm, in bằng sáp ong. Duy trì nghề rèn thủ công để tạo ra công cụ sản xuất, săn bắt, làm đồ trang sức; đặc biệt có nghề sản xuất giấy bản từ cây dó để làm giấy viết sớ, tiền ma...
Phong tục của người Dao còn duy trì sản xuất tự cấp, tự túc và nét đặc trưng của các phong tục ma chay, cưới hỏi. Lễ Cấp sắc là một trong những lễ hội độc đáo của người Dao. Hàng năm, người Dao có nhiều ngày kiêng kỵ và lễ, tết; dùng lịch âm, chữ viết là chữ tượng hình từ chữ Nho.
- Dân tộc Dao chiếm 1,91% dân số toàn tỉnh, cư trú thành từng xóm lẻ tại một số huyện: Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Kỳ Sơn, Mai Châu, Lương Sơn và TP Hoà Bình.

5 - Dân tộc Mông

- Tên tự gọi: H’Mông; tên gọi khác: Mèo
- Thuộc nhóm ngữ hệ Mông - Dao.
- Trang phục: Phụ nữ Mông mặc áo vải đen dài tay, vạt áo trước ngắn đến thắt lưng, vạt sau hơi dài hơn. Phần tay áo có cải vải màu hoa xanh hoặc đỏ. Váy nhuộm chàm in hoa văn cải chỉ màu. Trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình vuông, hình quả trám, chữ thập. Thường đeo nhiều vòng bằng bạc xếp ở cổ, dải thắt lưng có dây kết hạt màu xanh, đỏ và đeo nhiều đồng tiền, chuông bạc kết thành tràng. Trang phục của đàn ông có màu đen, nối dài hai cánh tay bằng vải dệt cải chỉ màu đỏ, xanh; mặc ống rộng, dải thắt lưng bằng vải màu xanh thắt phía trước và thả xuống.
- Đặc điểm sinh hoạt, sản xuất: Người Mông sống trong nhà trệt, tập trung thành làng khoảng vài chục nhà, thường ở trên núi cao, có kinh nghiệm làm nương rẫy, trồng bông dệt vải và chế tạo các công cụ sản xuất, các nghề thủ công mỹ nghệ, chế tạo các vật dụng dùng cho sinh hoạt cũng rất phổ biến.
Người Mông có truyền thống chế biến món ăn, đồ uống được làm từ ngô, một số bánh từ ngô, gạo, sắn. Họ thường làm kho chứa lương thực ở riêng biệt để chống chuột, đề phòng hỏa hoạn. 
Tuy chữ viết đã được soạn theo bộ vần quốc ngữ, nhưng chưa được dùng phổ biến lắm.
Người Mông ăn tết hàng năm sớm hơn Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, các tập tục còn giữ được tương đối nguyên sơ. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, người đàn ông thường trao đổi tâm tình qua điệu múa khèn, đánh quay đặc sắc.
   - Dân tộc Mông chiếm 0,65% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 2 xã Pà Cò, Hang Kia, huyện Mai Châu.

P.V (TH)

Các tin khác


Hoa ban khoe sắc dịu dàng

Cuối tháng 2 cũng là thời điểm hoa ban khoe sắc trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hữu Nghị và một số tuyến đường của thành phố Hòa Bình cuốn hút những người yêu hoa. Loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc đang ở thời điểm đẹp nhất. Hoa ban dịu dàng xòe cánh trắng tinh khôi hay hồng tím nhẹ nhàng đem lại cảm giác yêu thương, thanh tao, làm đắm say lòng người. Phóng viên Báo Hòa Bình ghi lại một vài hình ảnh mùa hoa ban nở rộ.

Hấp dẫn cá nướng sông Đà

Đầu Xuân, hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến với đền bà chúa Thác Bờ trên khu du lịch hồ Hòa Bình. Ngoài lễ bái, chiêm ngưỡng cảnh quan núi sông linh thiêng, hữu tình, du khách còn bị cuốn hút bởi sản vật hấp dẫn cá nướng của vùng hồ sông Đà.

Giải chạy Hoà Bình Marathon 2024 và nụ cười chiến thắng

Gần 2.000 vận động viên từ 44 tỉnh, thành phố trong cả nước và 6 quốc gia tranh tài ở 3 cự ly 5 km, 10 km, 21 km tại Giải chạy Hoà Bình Marathon 2024 đều đã về đích và chiến thắng. Chạy qua những cung đường với các điểm đến nổi tiếng của thành phố Hoà Bình, các vận động viên đều hứng khởi, thường trực nụ cười trên môi. Giải thực sự đã để lại ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa năng lượng, tinh thần thể thao tích cực đến với mọi người; kết nối, giao lưu các nền văn hoá các địa phương và quốc tế. 

Nhóm ảnh ghi lại những hình ảnh đẹp của các vận động viên trên các cung đường chạy.

Đặc sắc một số lễ hội tỉnh Hòa Bình

Đầu Xuân, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của các vùng. Nhiều hoạt động trong lễ hội đã để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Dưới đây là một số hình ảnh đặc sắc của các lễ hội tiêu biểu trong tỉnh.

Sắc bàng rực rỡ đón Xuân

"Cây bàng ơi, toả bóng tháng năm dài. Dưới vòm lá, tuổi thơ dễ thương bao mơ mộng đẹp. Rồi một sớm lớn khôn nhặt chiếc lá mà lòng nghĩ suy. Để sống có ý nghĩa hơn. Dù mùa đông buốt giá, lá rơi như giọt máu đỏ. Vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới mầm sống đâm chồi. Đón nắng vàng.”

Ấn tượng lễ hội Chùa Tiên

Lễ hội Chùa Tiên huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống có nguồn gốc từ xa xưa, được phục dựng và duy trì tổ chức hằng năm tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm 2024 lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Nhóm ảnh ghi lại một số hình ảnh ấn tượng tại lễ hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục