(HBĐT) - Xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) giờ đã đổi thay nhiều. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng bà con trong xã luôn băn khoăn, trăn trở với mong mỏi chờ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Người dân luôn thấp thỏm lo chuyện mất điện, điện yếu do quá tải, nhất là mùa hè - mùa cao điểm sử dụng điện đã tới.

 

Chập chờn điện có như không

 

Hiện nay, mạng lưới điện hạ áp khu vực nông thôn xã Hương Nhượng xuống cấp trầm trọng. Toàn xã có 8 phố, xóm nhưng mới có 1 trạm biến áp công suất 250 KVA đặt ở phố Chum cung cấp điện cho hơn 400 hộ ở phố Chum, xóm Chum, xóm Bưng, xóm Vín Thượng. Gần 300 hộ ở 3 xóm Vín Hạ, Hương Hoà và xóm Cọi kéo điện từ xã Tân Mỹ. Còn xóm Biu kéo điện từ xã Định Cư. Dây dẫn chằng chịt, trụ điện không đảm bảo an toàn dễ xảy ra cháy, nổ, rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Do dây dẫn không đúng kích cỡ quy định, chắp nối nên hao hụt  điện năng lớn dẫn đến giá điện cao. Một số hộ xa trạm biến áp, điện thường chập chờn hoặc mất điện do đường dây không đảm bảo. Với địa bàn xã rộng, dân cư thưa thớt, đường dây kéo dài hao tổn điện năng lớn nên những xóm ở cuối nguồn vào những giờ cao điểm gặp khó khăn về nguồn điện. Mặt khác, các xóm được kéo điện ở địa bàn xã Tân Mỹ, chủ yếu là dây trần rất nguy hiểm.

Trạm biến áp công suất 180 KVA đã được lắp đặt ở xóm Vín Thượng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) nhưng chưa được đấu điện cho người dân.

 

Ông Bùi Văn Sự ở xóm Vín Thượng cho biết: Cả xóm có 106 hộ dùng điện từ công tơ tổng chia cho 106 công tơ con nên chất lượng điện rất yếu, nhất là vào buổi tối, điện phập phù lắm. Nhà tôi có 2 tivi, 1 tủ lạnh và 5 bóng thắp sáng. Vào 5 - 6 h chiều có hôm không cắm nổi cơm. Phải từ 21 h trở đi điện mới ổn định và đến 1 - 2 h sáng mới có thể dùng được máy bơm nước. Giờ đã được lắp đặt trạm biến áp rồi người dân chúng tôi mong muốn ngành điện lực nhanh chóng tiếp nhận mạng lưới điện bán trực tiếp cho dân để dân hưởng lợi.

 

Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng điện tăng, nhất là nhiều hộ dùng máy bơm nước và quạt nên hệ thống điện trong xã luôn chập chờn. “Nhiều hôm nấu nồi cơm cũng phải bật đi, bật lại mấy lần mới chín. Nhưng so với các hộ không có điện thì chúng tôi vẫn may mắn vì còn có điện để dùng, mặc dù chập chờn. “ - anh Bùi Văn Nhu, xóm Vín Hạ chia sẻ.

 

Ám ảnh tai nạn điện dây trần

 

Đường về xóm Vín Hạ quanh co nhưng cơ bản được bê tông   và rải cấp phối nên dễ đi hơn.   Vín Hạ có 98 hộ dùng điện lấy từ xã Tân Mỹ. Xóm còn 10 hộ không có điện. Từ năm 2008, các hộ trong xóm đã góp tiền kéo điện. Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng lớn, trước đây chỉ đơn thuần là chiếu sáng, xem ti vi nhưng hiện nay, nhiều hộ có nồi cơm điện, tủ lạnh, thậm chí cả máy giặt, bình nóng lạnh, máy bơm nước nên tình trạng điện yếu, nhảy aptomat hay xảy ra. Người dân bức xúc vì cứ đến chiều tối, nhiều gia đình phải chuyển từ nấu cơm bằng điện sang nấu bằng bếp ga hoặc bếp củi.

 

Do đời sống của bà con nơi đây còn không ít khó khăn nên hệ thống dây điện đa số là dây trần và cột gỗ tạm bợ. Theo chia sẻ của người dân, chúng tôi đến ngôi nhà mà tháng 7 năm ngoái đã xảy ra tai nạn điện đáng tiếc. Đó là nhà của bà Bùi Thị Dinh. Theo lời kể của những người cùng xóm, gia đình có 5 khẩu nhưng 2 bố con đi làm phụ xây theo công trình, lúc thì trên huyện, khi ở xã bên, thường là sáng đi sớm, tối mịt mới về. Cô con dâu đi làm cho 1 công ty điện tử tận Bắc Ninh phải nửa tháng mới về nhà 1 lần. ở nhà chỉ có bà Dinh và đứa cháu 3 tuổi. Hôm đó tầm 9-10 h sáng, bà Dinh ra vườn bơm nước đã mắc vào dây điện trần sa xuống vườn mía nên bị giật điện chết. Do vườn mía cao, đến 3 h chiều khi nghe tiếng cháu khóc, hàng xóm chạy sang mới phát hiện ra.

 

Đã lắp đặt trạm mới nhưng vẫn phải…chờ!

 

Con đường khang trang và lưới điện ổn định là một trong những động lực quan trọng giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Những trăn trở bao giờ xã mới có điện lưới quốc gia ổn định của người dân xã Hương Nhượng đã được nêu lên trong các cuộc họp với huyện, với tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, mới đây, ngành điện đã khảo sát và lắp đặt 4 trạm biến áp công suất 180 KVA ở các xóm nhưng đến nay, người dân vẫn phải chờ và chung sống với cảnh điện phập phù, bà con mong sớm có điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đưa chúng tôi ra địa điểm trạm biến áp mới được lắp đặt trên địa bàn xã, đồng chí Bùi Văn Chiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cả xã có 6 máy xay xát nhưng do điện yếu không thể sử dụng. Xã còn nhiều hộ phải dùng đến đèn cầy, nến để thắp sáng. Với những hộ không có điện, việc trao đổi thông tin, tiếp cận kiến thức văn minh lại càng như điều xa xỉ. Các em học sinh cũng bị ảnh hưởng nhiều đến học tập, không thể học bài buổi tối.

 

                                                                        Đinh Thắng

 

Các tin khác


Dự kiến ngày 22/4 thông đường sắt Bắc - Nam sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo huy động lực lượng, phương án khắc phục ngày đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, với mục tiêu ngày 22/4 hoàn thành xử lý sự cố sạt lở hầm Bãi Gió để thông tàu Bắc - Nam.

Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục