Xưa nay, nhắc tới vấn đề tảo hôn, người ta thường nghĩ đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục tập quán còn ít nhiều lạc hậu hoặc trình độ hiểu biết hạn chế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tảo hôn đang trở thành vấn nạn khó kiểm soát tại tỉnh ta, không phân biệt vùng miền, dân tộc.

 

Nhằm nâng cao hiểu biết về giới tính, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, giáo dục về giới tính đang được ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn đưa vào giảng dạy trong nhà trường.   

Tảo hôn - vấn nạn không chỉ do tập quán   

15 tuổi, vừa bước vào cấp THPT, cô bé Nguyễn Thị L. (xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn) đã phải rời bỏ ghế nhà trường để về nhà làm lễ cưới. Chồng của L. cũng chỉ là cậu thanh niên mới lớn chưa bước qua tuổi 20. Cả hai vợ chồng đều ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng vẫn quyết định về chung sống với nhau bởi L. đã có thai hơn 3 tháng. Câu chuyện theo chồng, bỏ học khi vừa bước vào tuổi mới lớn không còn hiếm thấy trong xã hội hiện nay. Ngay tại huyện Lương Sơn, từ đầu năm đến nay đã có 22 cô gái bước chân về nhà chồng khi tuổi đời chưa quá 18, thậm chí có những cô chỉ mới vừa bước sang tuổi 16. Trong đó có 6 cặp cả vợ lẫn chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn. Những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao là Cao Thắng và Hợp Thanh. 

Theo đồng chí Phạm Văn Quân, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Lương Sơn: Tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện có xu hướng gia tăng và khó kiềm chế. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn diễn ra tại nhiều địa bàn có điều kiện KT – XH phát triển, có trình độ hiểu biết và cũng xảy ra ở học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Tình trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều huyện trong tỉnh. Theo số liệu của UBND huyện Kỳ Sơn, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã ghi nhận 47 trường hợp tảo hôn. Trong đó, các xã: Dân Hạ, Mông Hóa, Yên Quang mỗi xã có 8 cặp; Hợp Thịnh 5 cặp; Độc Lập, Hợp Thành mỗi xã có 4 cặp. Đây đều là những địa bàn có điều kiện kinh tế thuận lợi. Tại huyện Cao Phong, 2 năm trở lại đây, thị trấn Cao Phong cũng trở thành "điểm nóng” về vấn nạn này khi liên tiếp có cặp tảo hôn cả vợ và chồng. Độ tuổi tảo hôn cũng giảm, năm 2016 có 1 cặp 15 tuổi, đầu năm 2017 có một cặp 16 tuổi. 

Trao đổi về vấn đề này,  đồng chí Bùi Thị Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh khẳng định: Chúng tôi chưa có con số thống kê chính xác, tuy nhiên, theo báo cáo của các huyện  qua hệ thống dữ liệu về dân số, tỷ lệ người mẹ có con trước tuổi 18 đang có xu hướng tăng so với các năm trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tình trạng tảo hôn chưa được kiểm soát. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy rằng, tảo hôn do cha mẹ ép hầu như không có hoặc do không hiểu biết về pháp luật là rất ít, nguyên nhân chủ yếu là do mang thai ngoài ý muốn dẫn đến buộc phải cưới.  Nhiều bé gái hiện nay mang thai nhưng không biết mình có thai, đến khi thai quá lớn, không thể xử lý được, không còn cách nào khác là buộc phải cưới. 

Lỗ hổng trong giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên   

Theo nhận định của ngành y tế địa phương, hiện nay, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên đang có xu hướng ngày càng sớm dần. Các trường hợp trẻ em gái mới có 12- 13 tuổi đã mang thai không còn là chuyện hiếm gặp. Bên cạnh đó, do giới trẻ ngày nay được tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin đa dạng nên tâm lý lứa tuổi của các em có sự phát triển sớm. Trong khi giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên nay vẫn đang bộc lộ nhiều "lỗ hổng”. Đồng chí Bùi Thị Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho rằng: Hiện nay, độ tuổi cần nhất để giáo dục cho trẻ chính là lứa tuổi vị thành niên bởi hiện nay, trẻ phát triển sớm. Tuy nhiên, giáo dục giới tính trong trường THCS lại chưa mấy quan tâm mà chúng ta thường hướng chính vào đối tượng các em THPT.   Mặt khác, những bài học về giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay vẫn dừng lại ở mức cung cấp kiến thức, chưa đưa ra những cảnh báo, những hệ lụy về việc quan hệ tình dục không an toàn nên không có tính răn đe.   

Cũng theo đồng chí Bùi Thị Vân, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, tuy nhiên để đạt được kết quả cao nhất, chính là người mẹ trong gia đình, người gần gũi với con nhất là người có thể tuyên truyền tốt nhất cho con. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cha mẹ thường né tránh, hầu như rất ít các bà mẹ dành thời gian để nói với con về vấn đề giới tính hoặc nhiều chị em phụ nữ mang tâm lý e ngại thì cũng không có kỹ năng để tuyên truyền, nói chuyện với các con về vấn đề đó.   

Hậu quả do việc kết hôn sớm tác động lâu dài và vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, chất lượng của nguồn dân số tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt, sinh ra với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và mang nhiều bệnh tật hiểm nghèo. 

Đồng thời, đối với những vấn đề về sức khỏe và tâm lý của các bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi kết hôn và quá trình sinh con, từ đó rất dễ phát sinh ra nhiều mâu thuẫn đối với chồng và gia đình của chồng. Do ở vào độ tuổi như của các em đang rất cần được cắp sách đến trường đã phải vội vã bước chân về làm dâu nên phần nhiều trong số đó chưa kịp chuẩn bị cả về tâm lý và sức khỏe. Các em còn phải đối mặt với cả quãng đời phía trước của vai trò làm người vợ, người mẹ với rất nhiều trách nhiệm nặng nề, vượt quá sức lực và sự hiểu biết của mình. 

Để giải quyết được tình trạng này, theo đồng chí Bùi Thị Vân, quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức của xã hội. Nhận thức của người làm cha, làm mẹ trong cách dạy dỗ, giáo dục con cái, trong đó bao gồm cả giáo dục về tâm sinh lý tuổi vị thành niên. Nhận thức của thế hệ trẻ về lý tưởng sống. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân...   

 

                                                           Phương Linh

Còn hạn chế việc tiếp cận rộng rãi với kiến thức về giới tính trong tuổi vị thành niên

 

Hai năm trở lại đây, huyện Lương Sơn luôn là "điểm nóng” về vấn đề tảo hôn. Để phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn trong thanh niên, Huyện đoàn Lương Sơn đã phối hợp với các ngành chức năng trang bị cho ĐV-TN những kiến thức về pháp luật hôn nhân gia đình, về CSSKSS đúng nhất. Từ đó, tránh tình trạng các em sinh hoạt tình dục không an toàn dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

 

Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận là công tác tuyên truyền của Đoàn chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin và các hoạt động phong trào bề nổi. Vấn đề là mặc dù các em biết rõ kiến thức về giới tính, tuy nhiên với suy nghĩ và quan niệm ngày một thoáng trong tình yêu, nhiều bạn trẻ vẫn chịu hậu quả bởi không thể tiếp cận được với các dịch vụ phòng tránh an toàn. Nếu hỏi một bạn trẻ là tiếp cận dịch vụ phòng tránh thai ở đâu? hoặc bạn có chủ động các biện pháp để phòng tránh cho mình khỏi mang thai ngoài ý muốn hoặc nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều rất lúng túng. Chính sự mặc cảm, cấm đoán của dư luận xã hội trong vấn đề này đã làm các bạn trẻ hạn chế việc tiếp cận rộng rãi với các kiến thức về giới tính trong lứa tuổi vị thành niên.

 

                                   Nguyễn Thị Tiến (Huyện đoàn Lương Sơn )

 

Mạnh dạn xử phạt đối với đối tượng vi phạm Luật Hôn nhân gia đình

 

Trong 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Cao Phong có 16 trường hợp tảo hôn, trong đó có 1 cặp tảo hôn cả hai vợ chồng. Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng tảo hôn là do xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác, do phong tục còn nhiều lạc hậu, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số lại chưa cao, điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết về pháp luật cũng như biết về hậu quả của việc tảo hôn đang còn rất nhiều hạn chế và một nguyên nhân nữa là mang thai ngoài ý muốn.

 

Nhằm tháo gỡ tình trạng này, huyện Cao Phong cũng đã đề ra 3 nhóm giải pháp chính. Trong đó, đặc biệt là công tác truyền thông giáo dục, cần đổi mới và đa dạng hình thức truyền thông cho phù hợp với trình độ của các tầng lớp nhân dân, từng vùng, lồng ghép với các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống tại cộng đồng, các buổi sinh hoạt của tổ nhóm, CLB để nâng cao nhận thức của cộng đồng tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đưa nội dung giáo dục giới tính và các quy định về luật hôn nhân vào các cấp học, bậc học. Bên cạnh đó cũng mạnh dạn áp dụng các biện pháp mạnh như xử phạt đối với đối tượng vi phạm Luật Hôn nhân, gia đình. Ký cam kết trong các hộ gia đình không tảo hôn.

 

 

Nguyễn Thị Phúc (Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Cao Phong)

 

Đưa Luật Hôn nhân và gia đình vào luật tục của dòng họ

 

Hiện nay, do phong tục tập quán, nhiều nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn. Nguyên nhân là vì ở nhiều nơi do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc cũng có thể do nhận thức của người dân. Với họ việc lấy vợ, lấy chồng cũng như trong gia đình có thêm một người làm hoặc sớm muộn gì cũng phải lấy nên đã ưng nhau thì cưới gả về cho sớm để cùng nhau gây dựng gia đình. Họ không nhận thức hết được hệ quả nghiêm trọng sau này sẽ gặp phải đối với một cô gái kết hôn sớm.

 

Để tuyên truyền vấn đề này không hề đơn giản. Bởi đặc tính của người vùng cao là phải thấy tận mắt hoặc phải chỉ tận tay. Dù cuộc sống hiện nay đã có nhiều đổi mới, nhận thức của người dân được nâng lên nhưng đâu đó vẫn có người dù biết nhưng vẫn không tin hoặc cố làm. Vì vậy, cách thức tuyên truyền phải thực sự phù hợp với đồng bào vùng dân tộc, đó là tuyên truyền để mưa dầm thấm lâu, tuyên truyền bằng các tiểu phẩm hoặc trực quan qua các buổi trợ giúp pháp lý để người dân nắm rõ. Một trong những hình thức quan trọng nữa là tuyên truyền qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Để cộng đồng dân cư đưa vấn đề này thành quy ước, hương ước, thành luật của dòng họ thì mới có tính răn đe, cảnh báo, tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

 

                                     Đinh Thị Huệ

              Chủ tịch UBMTTQ xã Toàn Sơn (Đà Bắc)

 

 

 

Các tin khác


Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả

Trước sự cố hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam, Khu Quản lý đường bộ III đã thông báo chi tiết phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục