(HBĐT) - Gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng là một trong những điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu được huyện Kim Bôi giới thiệu trong danh sách điển hình của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh. Để tìm hiểu điển hình này, những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp về thăm gia đình và càng khâm phục hơn ý chí không cam chịu đói nghèo của chị Bùi Thị Giới.


Cán bộ huyện Kim Bôi và xã Nam Thượng đến thăm trang trại của gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả.

Khởi nghiệp từ 4.000 m2 ruộng

Đến xóm Bôi Cả hỏi thăm không ai không biết gia đình chị Bùi Thị Giới vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng… Trong nắng hè oi ả, để tìm được vợ chồng chị, chúng tôi phải vào tận trang trại của gia đình nằm cách đường cái khoảng 5km. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là vợ chồng chị tất bật, người tắm cho đàn lợn nái đỡ nóng, người chuẩn bị thức ăn. Miệng nói, tay làm, chị Giới chia sẻ: "Được huyện gọi điện thông báo từ hôm qua, chờ ở ngoài nhà sốt ruột vì có con lợn nái đang chuẩn bị đẻ nên chị lại phải vào trang trại”.

Cũng như bao cô gái vùng quê nghèo Nam Thượng, mười tám đôi mươi, chị Giới lập gia đình với anh Bùi Văn Sịnh cùng xóm. Mới đầu, vợ chồng chị ở cùng gia đình chồng. Sau khi sinh con năm 1999, tổ ấm nhỏ chuyển ra ở riêng. Bắt đầu tự thân lâp nghiệp, gia đình chị được bố mẹ chia cho 4.000m2 ruộng cấy lúa. Cần cù, chịu khó quanh năm với 2 vụ lúa, gia đình chị cũng chỉ làm đủ ăn. Hai vợ chồng trẻ luôn trăn trở làm thêm gì để phát triển kinh tế gia đình? Trước mắt, vì chưa có vốn, chị Giới bàn với chồng nuôi thêm đôi lợn. Anh chị nấu rượu, làm đậu để tận dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Hai con lợn đầu tiên chị nuôi làm nái để gây giống phát triển dần. Lứa sau chị đầu tư nuôi 4 con lợn nái. Chị Giới chia sẻ: Thời kỳ đầu, hai vợ chồng xoay sở vất vả, làm lụng quanh năm cũng đủ chi tiêu, nuôi con cái ăn học.

Đến thành công với hàng chục ha VACR

 Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của gia đình, chị Giới giới thiệu: "Trang trại lợn nái này được đầu tư sau trang trại lợn thịt bên kia ao cá. Bên trên là vườn keo rộng 3ha. Cách đây 5 năm, gia đình tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 5 triệu đồng, cùng nguồn vốn tích cóp tôi đầu tư trang trại lợn thịt 20 con. Cuối năm 2015, gia đình mới lên kế hoạch đầu tư trại nuôi lợn nái. Ao cá với diện tích 1 ha mới phát triển từ 2 năm nay cũng cho thêm thu nhập 80 triệu đồng/năm. Đến nay, trong chuồng duy trì 42 lợn nái, trên 200 con thịt/năm”. Theo chị Giới, mấy năm trước, với giá bán lợn thịt trung bình 40.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình chị thu về trên 400 triệu đồng (trừ chi phí). Rừng keo 3 ha, 7 năm cho thu hoạch một lần, đợt thu vào năm 2015 đã cho thu trên 100 triệu đồng. Đến khi lợn xuống giá chỉ còn 20.000 đồng/kg, cũng may có thêm thu nhập từ cây măng tây đã gánh đỡ khó khăn cho giai đoạn này.

Chị Giới chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi đầu tư đa dạng các giống cây, con để khi giống này bị rớt giá có giống kia gánh vác. Trước đây, nuôi lợn để phát triển măng tây thì giờ đây măng tây nuôi lại lợn”. Tháng 6/2016, thấy một số hộ trên địa bàn xã trồng măng tây đem lại thu nhập cao, chị Giới cùng một người cùng xóm cùng thầu hơn 2 ha để trồng. Đến nay chia đôi mỗi người trên 1 ha. Được hơn 6 tháng, cây măng tây cho thu bói. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình chị thu hoạch trung bình 60 kg/ngày, nếu chăm sóc tốt lên tới 1 tạ/ngày. Với giá bán trung bình dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch, gia đình chị thu về 300 - 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng thêm 4.000 m2 bí xanh để tăng thu nhập. Để duy trì trang trại VACR hiệu quả, gia đình chị lúc nào cũng duy trì 8 lao động thường xuyên, giải quyết việc làm mùa vụ cho 20 lao động địa phương.

Hiện nay, mô hình trang trại nuôi lợn nái, lợn thịt, thả cá, trồng rừng, trồng măng tây và ruộng vườn đem lại cho gia đình chị doanh thu đều đặn 1 tỉ đồng/năm. Chị Giới lúc nào cũng tâm niệm: "Khởi nghiệp từ chính nghề nông, xuất phát điểm khó khăn, không cam chịu đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình”.

 

                                                                                   Hương Lan

Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục