(HBĐT) - Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư loại khá, anh Bùi Văn Tường, xóm Sung 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp tại quê hương với mô hình chọn và nhân giống cây dổi, cùng một số loại cây đặc sản khác ở địa phương. Sau 5 năm, với sự cần cù, chịu khó, vườn ươm đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho chàng kỹ sư trẻ người Mường.


Đam mê làm vườn từ nhỏ, anh Bùi Văn Tường (27 tuổi) luôn ấp ủ khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đó cũng là lý do trong khi bạn bè đồng trang lứa dừng sự học khi tốt nghiệp THPT, còn Tường thì ngày đêm đèn sách để thi vào trường Đại học Lâm nghiệp.

Năm 2013, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông lâm loại khá, Tường sớm định hình con đường đi với ước muốn xây dựng một mô hình cho riêng mình. Ý tưởng đó được chắp cánh khi anh được tham gia vào dự án chọn tạo và nhân giống cây dổi ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) do Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản, thuộc Hội KH-KT Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện.


Anh Bùi Văn Tường (bên trái), xóm Sung 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) giới thiệu về mô hình vườn ươm các giống cây đặc sản của mình.

"Sau một năm vừa học, vừa trực tiếp ghép cây dổi, tôi đã học hỏi được rất nhiều và tôi quyết định thành lập vườn ươm cho riêng mình. Đây có thể như cái duyên vậy, vì hồi còn học ở trường, tôi phải thi lại môn giống cây trồng”, anh Tường cho hay.

Những năm gần đây, cây dổi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cây phải đủ từ 7 - 10 năm tuổi thì mới cho thu hoạch quả. Do đó, khi dự án của Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản thực hiện thành công kỹ thuật ghép cây dổi đã mở ra hướng phát triển đầy tiềm năng của loại cây. Sau 1 năm tham gia dự án, anh Tường là một trong những người đầu tiên ở Hòa Bình thực hiện thành công kỹ thuật ghép dổi. Tường bắt đầu xây dựng vườn ươm với vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng. Lúc này, vườn ươm chỉ rộng 200 m2. Đến năm thứ hai, với nguồn thu từ bán cây dổi ghép giống, Tường đầu tư mở rộng thêm vườn ươm. Đến nay, ngoài vườn ươm tại gia đình, anh còn liên kết xây dựng vườn ươm cây dổi ở xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) với tổng diện tích trên 4.000 m2.

Là người đã dìu dắt, giúp đỡ anh Tường từ những ngày đầu khởi nghiệp, Tiến sỹ Hoàng Thanh Lộc, Viện trưởng Viện cải thiện giống và phát triển lâm sản không khỏi tự hào trước những gì mà học trò đã đạt được. Ông cho biết: Đây là một trong những vườn ươm đạt chuẩn về kỹ thuật ở khu vực phía Bắc. Nhờ nắm bắt tốt các kỹ thuật nên chất lượng cây giống ở vườn ươm này đảm bảo, đặc biệt các loại cây được nhân giống bằng phương pháp ghép cành là những cây đặc sản của địa phương như dổi, trám đen.

Chất lượng làm nên thương hiệu, vườn ươm tăng trưởng không ngừng. Nếu năm thứ hai, anh Tường mới thu được khoảng 40 triệu đồng thì đến năm thứ ba, con số này tăng lên hơn 100 triệu đồng. Sự tăng trưởng ấn tượng đến từ năm thứ tư, vườn ươm đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, anh Tường đã cung cấp ra thị trường hàng vạn cây giống, gồm: dổi, trám trắng, trám đen và nhiều loại cây ăn quả khác, trừ chi phí đem lại thu nhập 400 triệu đồng. Thành công mà anh Tường có được ngày hôm nay là kết quả của quá trình lao động bền bỉ, nghiêm túc.

Anh Tường chia sẻ: "Đến nay, ngoài khách hàng ở trong tỉnh, gia đình tôi còn cung cấp giống cho nhiều bà con ở Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Hầu hết cây giống trong vườn đều đã có khách đặt hàng. Bản thân tôi luôn xác định, phải tạo ra những cây giống đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, mình phải tỉ mỉ trong từng khâu chọn mắt ghép, cây ghép cũng như chăm sóc. Về hướng phát triển, tôi tiếp tục chú trọng chọn và nhân giống các giống cây đặc sản khác của địa phương như dổi, trám vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa góp phần bảo tồn các giống cây quý, có giá trị kinh tế cao này”.

Cùng chúng tôi đến thăm mô hình của anh Tường, đồng chí Bùi Văn Thiệp, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Hối cho biết: Hiện nay, xã Thanh Hối cũng có một số mô hình kinh tế nổi bật do ĐVTN làm chủ. Tuy nhiên, mô hình của đoàn viên Bùi Văn Tường là hướng đi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn định hướng cho nhiều ĐVTN và bà con địa phương phát triển kinh tế, nhất là trồng cây đặc sản. Một số hộ ở địa phương trồng cây dổi ghép do vườn ươm của anh Tường cung cấp, nay đã bắt đầu bói quả. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tường còn là ĐVTN năng nổ trong các hoạt động của Đoàn thanh niên.

Mặc dù còn khá trẻ nhưng với sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, quyết tâm theo đuổi đam mê, chàng kỹ sư 9X người Mường - Bùi Văn Tường đã trở thành tấm gương sáng trong nỗ lực khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Viết Đào


Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục