(HBĐT) - Nằm cách thủ đô Viêng chăn – nước CHDCND Lào hơn 400 km, cố đô Luông pha bang của đất nước Triệu voi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1995. Nơi đây còn được biết đến là thành phố ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Mê kông và những con sông nhỏ. Mới đây, trong chuyến công tác tìm hiểu về lịch sử đồng chí Kay sỏn – Phôm vi hẳn, nhà lãnh tụ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chúng tôi đã được đến thành phố Luông pha bang – nơi được coi là quê hương thứ 2 của đồng chí Kay sỏn, được đắm mình trong vẻ đẹp cổ kính, bình yên và thơ mộng cùng với những người dân thân thiện, hiếu khách.

Chùa Xieng Thong - một trong những biểu tượng của
thành phố Luông pha bang.
"Đến Lào phải đến Luông pha bang, đến Lào mà
chưa đến Luông pha băng thì coi như chưa đến Lào”. Lời khẳng định của tiến sỹ
Sing thong – Sing hả păn nha, quyền Trưởng Ban phụ trách Bảo tàng Kay sỏn –
Phôm vi hẳn, nước CHDCND Lào cũng là một nhà văn hóa có tiếng tại Lào như một
lời khích lệ chúng tôi vượt hơn 400 km đường bộ từ thủ đô Viêng Chăn đến với cố
đô của đất nước Triệu Voi.
Sau gần 8 tiếng đồng hồ trên ô tô, có lẽ tất cả thành
viên trong đoàn đều cảm thấy chuyến đi không phụ lòng người khi hiện ra trước
mắt chúng tôi là một thành phố lung linh sắc màu với đèn lồng, thổ cẩm, là
những con phố dài, uốn lượn bên dòng Nậm Kha hiền hòa. Một thành phố du lịch
nhỏ nhắn, xinh đẹp nhưng không kém phần cuốn hút. Theo tiến sỹ Sing thong,
thành phố Luông pha bang không rộng, ở đây chỉ có khoảng 5 con phố chính với
diện tích khoảng 25 ha nhưng vào buổi tối thì hầu hết những con phố này đều tấp
nập khách du lịch. Đặc biệt là ở những phố liền kề dòng Nậm Khan. Họ thường đến
đây uống cà phê, nghe nhạc hoặc cũng có thể uống bia Lào, thưởng thức món cá
lăng Mê kông nổi tiếng và tận hưởng những làn gió sông mát lành. Đối với những
người thích khám phá thì Luông pha bang về đêm vẫn còn rất nhiều điểm đến thú
vị. Đó là chợ đêm Luông pha bang với rất nhiều đồ lưu niệm, quần áo, trang sức,
tranh ảnh ở khu phố cho người nước ngoài. Tuy nhiên, có lẽ mặt hàng ấn tượng
nhất với những du khách đến với chợ đêm chính là hàng thổ cẩm nhiều màu sắc và
đồ trang sức bạc, tranh khảm bạc được chế tác tinh xảo. Theo những người bạn
Lào, thổ cẩm và trang sức bạc chính là mặt hàng do chính tay những nghệ nhân ở
Luông pha bang tạo ra. Tại đây có hai làng nghề truyền thống lâu đời là làng
dệt thổ cẩm và làng nghề chạm khắc bạc, trước kia đã bị mai một nhưng nhờ du
lịch phát triển mà nay được khôi phục lại mạnh mẽ.
Mỗi sáng sớm, người dân thành phố Luông pha bang đều dâng đồ cho các nhà sư đi khất thực.
Nếu ban đêm, Luông pha bang đúng nghĩa là một thành
phố du lịch náo nhiệt thì ban ngày, Luông pha bang hiện lên nguyên vẹn một
cố đô cổ kính với những con phố nhỏ, những mái chùa kiêu hãnh và lối kiến trúc
cổ độc đáo. Luông pha bang theo tiếng Lào có nghĩa là đức phật nhỏ hay còn gọi
là mảnh đất của phật. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc Triệu voi từ thế
kỷ thứ XIV đến năm 1946. Chính vì vậy, thành phố xinh đẹp này là nơi đặt cung
điện Hoàng gia của các đời vua Lào thịnh trị trước đây và vẫn còn gìn giữ được
hơn 30 ngôi chùa cổ với nét kiến trúc độc đáo. Trong đó, ngôi chùa được xem là
biểu tượng của thành phố Luông pha bang là chùa Xieng Thông được xây dựng dưới
triều đại vua Sệt Thà Thi Lạt. Đối với những tín đồ phật giáo thì chùa này được
biết đến như một địa chỉ linh thiêng. Với khách du lịch, ngôi chùa ấn tượng bởi
nét kiến trúc thực sự đặc biệt với mái chùa trải dài, cong mềm mại mà theo như
cách nói của những người bạn Lào là "mềm mại như giọng nói của thiếu nữ Luông
pha bang” nhưng vẫn giữ được nét hiên ngang, tráng lệ. Bên trong chùa là những
bức họa và những bức phù điêu dát vàng hết sức lộng lẫy kể về những huyền tích
thú vị trong văn hóa dân gian Lào, giúp mỗi du khách dù không thực sự hiểu
nhưng cũng có thể cảm nhận được quá khứ dòng chảy lịch sử nơi đây.
Đến Luông pha bang, một trong những địa điểm rất đông
khách du lịch ghé thăm chính là bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào. Theo cán bộ
bảo tàng, dù không phải mùa du lịch ở Lào nhưng trung bình mỗi ngày, nơi đây
đón trên 300 lượt khách đến thăm. Cung điện được xây dựng vào năm 1904, là
hoàng cung của vua Sisavangvong. Các đời vua sau đó đều ở cung điện này, cho
đến năm 1975, quân giải phóng Lào tiếp quản và chuyển thành bảo tàng. Bảo tàng
được gìn giữ và bảo quản khá nguyên vẹn với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Nếp sinh
hoạt của hoàng cung cũng được thể hiện rất rõ qua cách bài trí các phòng trưng
bày. Trong đó, ngoài những hiện vật của hoàng cung còn có khá nhiều hiện vật
cho thấy tình đoàn kết hữu nghị anh em Việt – Lào. Đó là những bức tranh, ảnh
biểu tượng của Việt Nam
như Hà Nội, Vịnh Hạ Long đều được gìn giữ trang trọng. Đặc biệt còn có một bức
trướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho Chính phủ và nhân dân nước bạn Lào
vào năm 1963 cũng được trưng bày tại bảo tàng.
Ngoài đền chùa và lối kiến trúc độc đáo, Luông pha
bang ghi dấu ấn trong lòng du khách chính bởi nét văn hóa Phật giáo. Nơi đây
từng là trung tâm Phật giáo của đất nước Lào. Vì vậy sẽ rất tiếc nuối nếu đến
đây mà không được trải nghiệm một hoạt động mà theo lời giới thiệu của các bạn
Lào là "bình minh khất thực” ở thành phố xinh đẹp này. Dưới sự gợi ý của tiến
sỹ Sing Thong, chúng tôi đã cố gắng dậy thật sớm để có thể chứng kiến những nhà
sư ra đường khất thực. Đúng 6h sáng, từng đoàn nhà sư thân khoác cà sa vàng nối
tiếp nhau thong dong trong sương sớm. Trên từng con phố, những người phụ nữ
trong trang phục truyền thống Lào quỳ gối theo hàng để làm lễ khất thực. Theo
giải thích của những người bạn Lào, khất thực là một phương thức tu hành không thể thiếu của
dòng Phật giáo tiểu thừa, mang ý nghĩa sâu sắc nuôi sống bản thân và mang ý
nghĩa di dưỡng tinh thần. Bên cạnh đó, khất thực cũng là một cách để cưu mang
những người kém may mắn trong xã hội. Rất nhiều học sinh ở các vùng quê nghèo,
hoàn cảnh khó khăn nhờ vào tu trong chùa, ăn cơm khất thực mà được đến trường.
Cửa Phật cũng là nơi cưu mang những cụ già neo đơn, người nghèo khó tha phương.
ở Luông pha bang còn có nhiều điểm đến thú vị như núi Phuo Si, nơi
cao nhất có thể ngắm toàn bộ thành phố xinh đẹp, thác Kwang si, ngọn thác đẹp
nhất ở Luông pha bang. Không chỉ có thế, Luông pha bang thu hút người ta ở nét
cổ kính, rêu phong mà bình yên đến lạ. Đó còn là sự thu hút của những con người
thân thiện luôn nở nụ cười và còn ở nét văn hóa mang triết lý nhân sinh sâu sắc
của đạo Phật. Không ngoa khi nói rằng, càng tìm hiểu, càng khám phá, Luông pha
bang càng cho người ta một sự say mê đặc biệt. Có một người bạn đã từng ví rằng
Luông pha bang như một thức rượu ngon lâu ngày đã ngấm mà càng thưởng thức
người ta càng cảm nhận được vị ngon của nó.
Phương Linh
(HBĐT) - Ở phía Bắc dòng sông Đà, sương ngưng đọng trên mặt nước càng gợi cảm giác giá buốt trên da thịt. Nhưng, bao giờ cũng vậy, ở miền non cao, nơi thượng nguồn, trước khi có những ngày nắng vàng ấm áp, mùa xuân được ủ trong men say lạnh giá của đất trời. Trong lớp vỏ khô cằn của đất nâu, bao nhiêu loài hoa dại bung nở dưới mưa xuân. Trong lớp vỏ xù xì của cành cội, những nụ hoa bung nở một màu thanh khiết, trong sương, màu hoa lại càng gợi những xúc cảm thanh tao, trở thành một điều gì đó rất riêng của miền đất này.
(HBĐT) - Xã Thung Nai, huyện Cao Phong từ lâu được cộng đồng du lịch trong và ngoài nước biết đến với vẻ đẹp hoang sơ làm ngỡ ngàng bất cứ du khách nào khi đặt chân tới vùng đất này. Đến Thung Nai, du khách như lạc vào một thế giới khác lạ bởi sự kết hợp hoàn hảo của núi, đảo và nước hồ trong xanh bao la, toát lên vẻ lãng mạn, quyến rũ. Không chỉ hấp dẫn ở phong cảnh đẹp, Thung Nai còn làm đắm say du khách bởi văn hóa, con người đậm bản sắc truyền thống, dân tộc.
(HBĐT) - "Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây/ Có đường đi trên mây lên tới cổng trời/ Đây Hà Giang quê chúng tôi...”, những câu hát gọi mời của nhạc sỹ Thanh Phúc đã dẫn bước chân tôi đến với Hà Giang, vùng đất "phiên dậu” của Tổ quốc. Thời gian lưu lại không lâu nên không đến được tất cả những địa danh muốn đến. Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để tôi lưu lại những cảm xúc đẹp về một miền đất.
(HBĐT) - Ngày 26/1, tại xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc đã tổ chức lễ công bố khu Du lịch cộng đồng xóm Đá Bia nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN. Tới dự có đại diện tổ chức AOP Việt Nam; lãnh đạo Sở TT&TT; đại diện Sở VH - TT&DL và huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Chiều 18/1, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), khu Du lịch cộng đồng xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đã vinh dự nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN được trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2019. Khu Du lịch cộng đồng Đá Bia là 1 trong 3 khu du lịch của cả nước đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 kéo dài 9 ngày, do đó các hãng lữ hành đều nhận định xu hướng du lịch Tết năm nay sẽ tăng mạnh. Giá tour du lịch trong và ngoài nước của các công ty du lịch trong dịp Tết cũng tăng khoảng 15% so với ngày thường.