(HBĐT) - Quy Nhơn, Bình Định... miền đất của thi ca, nhạc họa, là nơi nuôi dưỡng mạch ngầm cảm hứng cho bao nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Có dịp đến thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định), lại được đi trên con phố mang tên Xuân Diệu bỗng thấy bao điều thân thương tràn về. Anh Nguyễn Thế (Hà Nội), một người rất mê thơ Xuân Diệu trầm ngâm: "Trước khi đến nơi đây đã biết Bình Định là quê ngoại của thi sĩ họ Ngô. Nhưng đến rồi mà như vẫn chưa tin”. Rồi anh ngân nga những câu thơ quen thuộc bằng chất giọng xứ Nghệ: Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/ Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát/ Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/ Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm (Cha ở đàng ngoài, mẹ ở đàng trong)...


Du khách vãn cảnh, chụp hình lưu niệm tại khu mộ Hàn Mặc Tử trên Đồi thi nhân, thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Miền sông nước vạn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước là quê ngoại của nhà thơ, từng là nơi ôm ấp, nuôi dưỡng 10 năm đầu đời của ông nơi đây. Quê hương đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho ông đến với thơ ca cách mạng. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đi nhiều nơi trên nhiều nẻo đường đất nước, nhưng mạch nguồn quê hương Quy Nhơn, Bình Định luôn luôn hiện hữu trong lòng. Ông đã có nhiều bài thơ, câu thơ hay về quê hương với một tình yêu lớn. "Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu có nhiều bài thơ, tập thơ tình yêu nhưng bài thơ có tựa đề "Biển" được sáng tác sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng là bài thơ tình đặc sắc. Dù được sáng tác trên bãi biển Sầm Sơn nhưng chính nhà thơ có lần tâm sự rằng: nguồn thi hứng của ông được gợi lên từ biển Quy Nhơn cát vàng, nước biếc, từ tiếng thầm thì vỗ về của những hàng phi lao như tâm sự của những đôi tình nhân. Cho nên chiều nay, dạo trên bãi cát biển Quy Nhơn, những câu thơ say đắm lại dạt dào cất tiếng: Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng... Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không hết...

 Cũng rất tình cờ mà như một sự sắp đặt, ngồi trong quán cà phê nhỏ sát biển lại nghe ca sĩ Quang Dũng, người con của thành phố biển Quy Nhơn hát bài "Biển nhớ” (Trịnh Công Sơn). Da diết, khắc khoải, nồng nàn nhưng không ủy mị: "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya... Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng”... Thành phố biển Quy Nhơn là điểm dừng chân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Nơi đây có mái trường sư phạm mà ông theo học, có những sáng tác đầu tay cùng ban nhạc bạn bè sinh viên và có mối tình đầu với người con gái Nha Trang. Trong đó có bài "Biển nhớ". Biển và cát trắng Quy Nhơn đã ghi nhận và chứng kiến những nồng nàn của tuổi trẻ và tâm tình của người con trai xứ Huế trước cuộc chia tay của người con gái mang tên Bích Khê. Chẳng thế mà trong bài hát có nhưng ca từ rất đẹp: "Trời cao níu bước Sơn Khê”. Bao năm qua, bao người đã tha thiết với bài "Biển nhớ". Không biết có chủ đích hay không, nhiều quán cà phê ven biển lấy tên Biển Nhớ đặt tên và có quán chuyên mở những bản nhạc Trịnh…

Đường lên Gềnh Ráng Tiên Sa, qua dốc Mộng Cầm là Đồi thi nhân - nơi đặt ngôi mộ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử. Hầu hết du khách khi đến thành phố biển Quy Nhơn đều đến viếng mộ ông và thầm thì những câu thơ quen thuộc của thi sĩ tài hoa, bạc mệnh: Sao anh không về chơi thôn Vĩ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền… (Đây thôn Vĩ Dạ). Hay: "Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa xuân chín)… Ông đã có những năm tháng chữa trị bệnh tại trại phong Quy Hòa (Bình Định) và mất vào năm 1940. Giờ ông nằm đây yên nghỉ, ngàn năm nghe sóng biển vỗ về, làm dịu nỗi đau. Giờ ngôi mộ được tu sửa khang trang, ốp đá hoa cương đẹp. Khu mộ có trồng những hàng cây quen thuộc từng xuất hiện trang nhã trong thơ ông như: cây trúc, cây cau… Mỗi du khách đến nơi đây đều muốn ngồi thật lâu trong khu vườn Đồi thi nhân như muốn tâm tình cùng ông và hướng ánh mắt về phía biển xa. Lúc về, mỗi người đều muốn có bức thư pháp (bằng gỗ thông, gỗ mít), khắc những vần thơ đẹp, ám ảnh người yêu thơ suốt hàng chục năm qua của ông…

Quy Nhơn biển đẹp, hiền hòa và ân tình. Quy Nhơn còn có nhiều điểm du lịch văn hóa, hoặc những điểm dù ghé qua nhưng ấn tượng với du khách gần xa bởi được gắn với những câu chuyện, điểm đến hay sáng tác thơ ca, nhạc họa của các nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng. Đây cũng là một phần không thể thiếu đối với mảnh đất giàu tiềm năng du lịch này.

                                                                                 Bùi Huy

Các tin khác


Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch giữa hai tỉnh Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Khám phá đảo thiên đường trên cao nguyên Mộc Châu

Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục