Phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3/1985; Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12/1999; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào đợt 1 (tháng 8/2009). Hội An được xem như một "bảo tàng sống - bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”, đã trở thành nguồn tài nguyên, nguồn động lực quan trọng, có tính quyết định, đưa kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố phát triển vượt bậc.


Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: TTXVN

Bảo tàng sống, đô thị sinh thái, nhân văn

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, "Bảo tàng sống” Hội An về lịch sử, kiến trúc và cư dân đô thị được giữ gìn một cách nguyên vẹn đến hôm nay và mai sau nhờ dựa vào 3 trụ cột chính gồm: các chủ trương, chính sách bảo tàng phù hợp với thực tiễn để di sản sống và phát triển; mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ cộng đồng, làm rõ được vai trò, trách nhiệm và cả lợi ích vì cộng đồng; yếu tố con người Hội An "nhân tình thuận hậu”. Tất cả hòa thành một khối để giữ gìn di sản, phát huy, khai thác di sản một cách bền vững.

Hội An may mắn và tự hào được các lớp tiền nhân bền bỉ lao động,  sáng tạo, để lại một di sản văn hóa vô giá, đó là Khu phố cổ - quần thể di tích kiến trúc đô thị - Di sản văn hóa thế giới gắn quyện với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, làng quê, sông nước, làng nghề truyền thống phong phú, độc đáo. Thiên nhiên cũng ban tặng cho Hội An môi trường, hệ sinh thái sông nước - biển - đảo với nhiều điểm kỳ thú, hấp dẫn không phải nơi nào cũng có được.

Theo các nhà sử học, Hội An là một mẫu hình tiêu biểu về lịch sử hình thành, phát triển đô thị ở Việt Nam và Đông Nam Á bởi xuất phát từ vai trò trung tâm, vị thế địa lý - lịch sử, là kết quả của sự gắn kết độc đáo, tất yếu giữa những yếu tố lịch sử phát triển trong nước với nhu cầu thị trường trên con đường "Tơ lụa- hương liệu - gốm sứ” trên biển giữa phương Đông và phương Tây.

Hơn nữa, cho đến nay, Di sản đô thị Hội An vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc và là nơi người dân sinh sống thường ngày ngay trong lòng di sản với những phong tục, tập quán, nếp ứng xử, ẩm thực, sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được giữ gìn, trân trọng.

Đúng như đánh giá của Tổ chức UNESCO khi vinh danh Hội An vào Di sản Văn hóa thế giới ngày 4/12/1999: "Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn tốt. Nét độc đáo của đô thị lịch sử, văn hóa Hội An hay đô thị sinh thái Hội An chính là phải hiểu theo góc độ sinh thái - nhân văn”.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết: Để phục vụ tốt cho việc quản lý, sửa chữa, tu bổ, sử dụng, phát huy di tích, thành phố Hội An đã kiểm kê, phân loại được 1432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.

Trong số di tích được kiểm kê, phân loại, Khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nằm trên các tuyến phố có diện tích khoảng hơn 1,2 km2 đã có đến 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh.   

Từ năm 1999 đến nay, có 424 công trình di tích được đầu tư và hỗ trợ tu bổ với tổng số vốn gần 153 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương cấp gần 38 tỷ đồng, ngân sách thành phố Hội An đầu tư trên 90 tỷ đồng, phần còn lại là vốn tài trợ nước ngoài và nguồn xã hội hóa.

Ngoài ra, hàng năm có trên 200 lượt giấy phép được cấp cho các chủ di tích trong Khu phố cổ để tự tu bổ, sửa chữa nhà ở hoặc di tích với mức đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho mỗi ngôi nhà hoặc di tích.

Nói về những thành quả đạt được ở Hội An trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong những năm qua, không thể không nhắc đến lĩnh vực hợp tác quốc tế. Quỹ Đại sứ Canada hỗ trợ tu bổ tiền đình, hậu tẩm Khổng Tử miếu.

Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ hỗ trợ tu bổ Miếu Hy Hòa. Hội châu Á Hoa Kỳ đã tài trợ, đưa nhiều cổ vật quý ở Hội An tham gia trưng bày về di sản các nước châu Á ở Hà Lan, Mỹ. Quỹ Công chúa Hà Lan hỗ trợ tu bổ nhà 14 Nguyễn Thái Học.

Quỹ JICA Nhật Bản đã tài trợ tu bổ hàng chục ngôi nhà cổ... Hội An còn nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia, tình nguyện viên đến từ các tổ chức quốc tế như UNESCO và các nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Ý… cho các chương trình quảng bá, hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.                                               
       
Gắn kết lõi văn hóa - nhân văn và lõi sinh thái - tự nhiên trong phát triển du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh tự hào chia sẻ: Là thương hiệu lớn của du lịch Quảng Nam, mỗi sản phẩm, mỗi điểm đến Hội An đều có những giá trị riêng. Mỗi người dân Hội An là một đại sứ, là cầu nối trong việc quảng bá, giới thiệu về Hội An là thành phố của Di sản với vẻ đẹp hiền hòa, mến khách, an toàn và thân thiện.


Người dân Hội An luôn sẵn lòng giúp du khách khám phá, trải nghiệm về thành phố của mình với những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Nhờ vậy tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng ngoạn mục, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân được thay đổi, nâng cao rõ rệt.

Lượng du khách đến Hội An ngày một tăng nhanh. Nếu như năm 1999 chỉ có gần 100 nghìn lượt khách tham quan thì đến năm 2018 con số này là hơn 2,3 triệu lượt khách. Năm 1999 có 17 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ; đến cuối năm 2018, Hội An sẵn sàng đón hơn 21.000 khách lưu trú mỗi ngày.

Tính đến 12/2018, toàn thành phố có 624 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng khách sạn, biệt thự du lịch, homestay. Tỉ trọng cơ cấu kinh tế của nhóm ngành Dịch vụ - Du lịch - Thương mại năm 2018 chiếm gần 72%. Thu nhập xã hội từ du lịch của tỉnh Quảng Nam đạt trên 11.100 tỷ đồng năm 2018, trong đó Hội An góp phần không nhỏ. Thu  nhập bình quân đầu người của thành phố Hội An đạt gần 46 triệu đồng/năm, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp.  

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Nam tiếp tục khai thác những lợi thế của mình về không gian du lịch từ vùng sâu trong đất liền đến vùng đồng bằng, ven biển, hải đảo; trong đó Di sản Hội An gắn liền với không gian biển đảo Cù Lao Chàm và chuỗi liên kết với các tỉnh miền Trung tiếp tục là mũi nhọn, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển.

Mặt khác, với tiềm năng và lợi thế của mình, Hội An sẽ tiếp tục đi đầu trong việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, từng bước hướng đến thị trường du lịch lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Âu, Bắc Mỹ và ASEAN, qua đó nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam trên trường quốc tế. Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là đối với hai Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển Hội An trở thành Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Để Hội An mãi mãi là "bảo tàng sống, bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”, thành phố của Di sản, điểm đến an toàn và thân thiện trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới, Hội An cần có sự gắn kết độc đáo trên một thể thống nhất không thể tách rời giữa lõi văn hóa - nhân văn và lõi sinh thái - tự nhiên trong tiến trình tất yếu của đô thị hóa, hội nhập toàn cầu và phát triển du lịch.

Với những lợi thế so sánh vượt trội về tiềm năng di sản văn hóa, trong những năm qua, hoạt động bảo tồn di sản, hội nhập và phát triển kinh tế du lịch ở Hội An đã đạt được những thành tựu to lớn. Hội An đã trở thành một trong những điển hình thành công ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa, thiên nhiên và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch bền vững.

                        

 Theo TTXVN

Các tin khác


Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch giữa hai tỉnh Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Khám phá đảo thiên đường trên cao nguyên Mộc Châu

Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục