(HBĐT) - Cách TP Hòa Bình khoảng 40 km theo tuyến đường Hòa Bình - Hòa Lạc, không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch đẹp, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc được tái hiện vẹn nguyên, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một điểm du xuân khá phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp hiện nay.




Du khách trải nghiệm hoạt động "Ném còn ngày xuân" tại làng Mường.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như: Thác Đa, suối Ngọc Vua Bà, rừng quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông… và ấp mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại"; với địa hình bán sơn địa, có đồi núi, thung lũng, bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô thơ mộng.

Làng có tổng diện tích 1.544 ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu di sản văn hóa thế giới, trong đó, khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, trái tim của dự án.

Để vào thăm Làng Văn hóa - Du lịch, du khách mua vé ở cổng vào với giá vé 5.000 đồng/trẻ em, 15.000 đồng/người cao tuổi và 30.000 đồng/người trưởng thành, ở độ tuổi lao động. Vì khuôn viên của làng rộng lớn nên du khách nên mua vé xe điện 40.000 đồng/người để có thể thưởng lãm hết những khu vực, cảnh đẹp nơi đây.

Mỗi tháng, Làng Văn hóa - Du lịch tổ chức các hoạt động theo chủ đề khác nhau, tháng 3 này, chủ đề được triển khai mang tên "Mùa xuân nho nhỏ”, nhằm giới thiệu các hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong tháng Thanh niên với tình yêu biển, đảo quê hương tại "Ngôi nhà chung”. Cùng với đó là các lễ hội và hoạt động dân ca, dân vũ mang hương sắc mùa xuân,  góp phần thu hút du khách, kết nối quảng bá du lịch văn hóa địa phương, vùng miền. Tạo môi trường, điều kiện để các nhóm đoàn gặp gỡ, giao lưu gắn với thông điệp, chủ đề "Mùa xuân nho nhỏ”, tình yêu biển, đảo của Tổ quốc; động viên tinh thần đồng bào khắc phục khó khăn, đoàn kết chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Trong những ngày này, ở đây sẽ diễn ra các hoạt động với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer). Hiện, 12 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày, trong đó có tỉnh Hòa Bình với hoạt động tại làng Mường.

Làng Mường nằm ở vị trí nổi bật, ngay bên tay trái cổng vào khu các làng dân tộc - nơi được coi là linh hồn, trái tim của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những nếp nhà sàn Mường truyền thống nằm trên sườn đồi thoai thoải nhìn xuống khu vực đồi chè yên bình và nên thơ. Xuân này, đến với làng Mường, du khách được chơi ném còn, đi cà kheo, trải nghiệm các nhạc cụ dân tộc Mường… Vì vị trí "đắc địa” và những trò chơi thú vị đó mà làng Mường luôn thu hút đông đảo du khách ghé thăm, trải nghiệm. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, cả không gian văn hóa Mường như được tái hiện với dàn chiêng cổ, cò ke, ống sáo; những bức ảnh về xứ Mường Hòa Bình của nghệ nhân Bùi Thanh Bình; khu vực bàn thờ trang trọng giữa nhà thành kính thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; cửa voóng nhìn xuống đồi chè; bếp lửa giữa nhà với thịt treo gác bếp… Không gian đặc sánh "chất Mường” khiến du khách có cảm giác như đang đứng trong một ngôi nhà sàn của người Mường, giữa một bản Mường cổ nào đó của Hòa Bình.

Bên trong làng Mường là làng Thái, những nghệ nhân đang ở tại làng Thái là người Thái Mộc Châu (Sơn La), hòa quyện trong dòng chảy văn hóa Thái vẫn có thể thấy thấp thoáng văn hóa Thái Mai Châu (Hòa Bình) trong phong cách thiết kế nhà sàn, trong "ếp khẩu” xôi tím dẻo thơm, trong món thịt nướng thơm mùi mắc khén. Và nhất là trong sự khéo léo, niềm nở, thân tình của bà con người dân Thái ở đâu cũng vậy.

Ngoài những làng dân tộc quen thuộc của Hòa Bình, đến với không gian văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số và rộng lớn này, du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm về nhà ở, ẩm thực, trò chơi dân gian… của 54 dân tộc trên cả nước. Đây thực sự là một chuyến du lịch, trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích, thú vị và hợp lý trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp hiện nay.

Dương Liễu

Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục