(HBĐT) - Mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch, nhưng Hoà Bình vẫn là một trong số ít địa phương ở miền Bắc có lượng du khách ổn định, hoạt động du lịch không bị ngừng quá lâu. Từ những tháng cuối năm 2021, du lịch của tỉnh tái khởi động và phục hồi mạnh mẽ. Minh chứng cụ thể trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các khu, điểm du lịch của tỉnh đón trên 100.000 lượt khách đến.



Mai Châu Hideaway thuộc xã Sơn Thuỷ (Mai Châu) là một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái an toàn, có không gian thiên nhiên rộng mở và tuyệt đẹp trên hồ Hoà Bình.

Sẵn sàng các điều kiện mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến

Bên cạnh việc thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, ngành du lịch tỉnh đang thích ứng linh hoạt, chuẩn bị các điều kiện để từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và Nhân dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 đảm bảo an toàn. Các phương án, kế hoạch bảo vệ hoạt động du lịch, lễ hội, sự kiện văn hoá, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho khách du lịch được triển khai đồng bộ.

Nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng và triển khai, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến. Như Meddom Park - Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam ở xóm Tiềng, xã Bắc Phong (Cao Phong) mới khai trương bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam; đưa hệ thống dịch vụ lưu trú villa, nhà sàn với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi đạt tiêu chuẩn, kiến trúc độc đáo vào hoạt động; nâng cấp nhà hàng mới và mở thêm dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Huyện Kim Bôi tổ chức đoàn farmtrip khám phá văn hóa Mường Động, chinh phục đỉnh núi Đại Bàng thu hút sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp lữ hành trong nước. Huyện Lạc Sơn phối hợp tổ chức đón đoàn khảo sát chương trình du lịch về nguồn do Sở VH-TT&DL phối hợp Hội Lữ hành Hà Nội thực hiện. Huyện Mai Châu tổ chức sự kiện phiên chợ vùng cao. Khu nghỉ dưỡng Avana Retreat Mai Châu chính thức mở cửa hoạt động phục vụ khách. Hiệp hội Du lịch tỉnh huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có tiềm năng như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng (DLCĐ), du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao có chất lượng. Đối với điểm DLCĐ bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) thuộc khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình được đầu tư cảnh quan, đường nội bộ, sân vườn nhà văn hóa cộng đồng và hỗ trợ một số trang thiết bị cho đội văn nghệ. Điểm DLCĐ Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) khôi phục các quán tự giác làm phong phú điểm đến. Bên cạnh đó, các khu nghỉ dưỡng, hệ thống khách sạn như Serena Kim Bôi, Mai Châu Hideaway, Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Loodge, Ba Khan Village Resort, khách sạn Khoa Thanh (Mai Châu), sân golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), khách sạn Grand, AP Plaza, Sakura, sân golf Hill Top Valley (TP Hòa Bình)… là những điểm đến thu hút khách.

Mặc khác, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực khôi phục hoạt động trong tình hình mới, tỉnh đã mở 3 lớp tập huấn kỹ năng nghề du lịch, gồm 1 lớp bồi dưỡng ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên KDL hồ Hòa Bình, 2 lớp tập huấn tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp về dịch vụ du lịch nông thôn (OCOP) tại huyện Đà Bắc, Mai Châu. Thông qua các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đào tạo nghề về du lịch cho 648 học viên, chủ yếu là ngành nghề du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, thêu, dệt thổ cẩm, mây tre đan cho các hộ kinh doanh du lịch theo mô hình homestay. Tổ chức cho đoàn cán bộ đi học tập mô hình quản lý, phát triển DLCĐ có trách nhiệm với môi trường tại tỉnh Lào Cai. Đại diện hộ dân làm DLCĐ có chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại huyện Vân Hồ (Sơn La).

Tỉnh còn chủ động, tích cực tham gia hoạt động mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh và một số địa phương trong khu vực để chia sẻ kinh nghiệm và kết nối tour, tuyến du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch đến Hòa Bình và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Tham gia hợp tác phát triển du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới của 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Hoà Bình. Hiệp hội Du lịch tỉnh mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết với doanh nghiệp du lịch các tỉnh phía Bắc và TP Hà Nội, các tỉnh lân cận, tiến tới mở rộng liên kết với các tỉnh phía Nam, trọng tâm là TP Hồ Chí Minh.

Lộ trình phục hồi mạnh mẽ hoạt động du lịch

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm đặc trưng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 4,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 26.000 lao động với gần 9.000 lao động trực tiếp có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch.



Du khách dâng hương, vãn cảnh chùa Tiên (Lạc Thuỷ) chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Trên đà tăng tốc phục hồi và đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngành du lịch mạnh dạn đặt mục tiêu năm 2022 đạt trên 2,5 triệu lượt khách, tổng thu trên 2.400 tỷ đồng. Ước tính quý I/2022, du lịch của tỉnh đạt tổng thu 900 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đang tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tiếp tục tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là tuyến đường cao tốc Hoà Lạc đến TP Hoà Bình và đi Mộc Châu (Sơn La), mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hoà Bình, nâng cấp cảng du lịch trên KDL hồ Hoà Bình. Ngoài ra đầu tư nâng cấp hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc tại một số khu, điểm du lịch ở các xã vùng cao có tiềm năng. Xúc tiến hoạt động quảng bá gắn với thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Theo lộ trình phục hồi hoạt động du lịch năm 2022, giai đoạn 1 (từ tháng 1 - 6) với thị trường chính là khách du lịch nội địa. Tỉnh tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Hoạt động du lịch được tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của từng địa phương trong tỉnh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô, phạm vi hoạt động phù hợp tình hình ở mỗi khu, điểm du lịch. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép.

Giai đoạn 2 tính từ tháng 7, dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vắc xin cao và kiểm soát tốt dịch bệnh. Tiến tới trong năm 2023 phục hồi toàn bộ hoạt động du lịch để đạt được các chỉ số phát triển như thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh nhấn mạnh: Du lịch Hoà Bình đang đứng trước cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Dự kiến trong tháng 3, UBND tỉnh sẽ ký biên bản thoả thuận với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Việt Nam Airline) về chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026, kế hoạch hành động giai đoạn 2022 - 2023. 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng đã ký thoả thuận hợp tác và có chương trình thiết lập hành lang an toàn du lịch. Để tăng tốc phục hồi du lịch trong điều kiện linh hoạt, thích ứng, tỉnh chú trọng các giải pháp tăng tối đa tỷ lệ bao phủ vắc xin. Ngoài du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, các điểm đến DLCĐ cũng được quan tâm thu hút đầu tư để mở rộng và phát triển nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Khuyến khích phát triển mô hình du lịch sinh thái nhà vườn xanh ở một số địa phương giúp phong phú sản phẩm. Việc thực hiện thí điểm đón khách quốc tế tập trung vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, sân golf. 



Người dân điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) chuẩn bị các điều kiện đón khách sau khi dịch được kiểm soát.


Bùi Minh


NHÓM Ý KIẾN


Tăng cường phối hợp triển khai các dự án về phát triển du lịch
Nguyễn Ngọc Vân
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ

Hiện nay, huyện Lạc Thuỷ lấy du lịch tâm linh, quần thể khu danh lam thắng cảnh chùa Tiên là sản phẩm chủ lực, mang tính đặc thù. Năm 2022, huyện tập trung cho công tác quảng bá, nâng cao hình ảnh về du lịch thông qua các chương trình quảng bá mang tính chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền, các ấn phẩm phát hành thường xuyên, liên tục qua các kênh khác nhau, có chất lượng để phản ánh, giới thiệu về du lịch Lạc Thuỷ.

Mặt khác, để vừa PCD bệnh hiệu quả, vừa phát triển du lịch, huyện tăng cường công tác quản lý và tổ chức phần lễ tại các điểm di tích, vừa tổ chức đón khách thăm quan, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ PCD. Phối hợp nhà đầu tư triển khai các dự án về phát triển du lịch như dự án tổ hợp thể thao - văn hoá, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thuỷ sản của Công ty CP du lịch TH; dự án cáp treo Hương Bình, dự án khu du lịch văn hoá và nghỉ dưỡng Lạc Thuỷ tại xã Phú Nghĩa do Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư. Đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng du lịch, xây dựng các đề án du lịch, tạo thuận lợi hơn trong việc quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn.

 
Ưu tiên thu hút đầu tư dự án du lịch sinh thái
Đinh Thanh Tùng
Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi

Nổi tiếng là vùng đất "chén vàng”, điểm nhấn của huyện là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Trong số 50 nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát có trên 20 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát dự án về du lịch, hơn 10 dự án về sinh thái nghỉ dưỡng. Như chủ đầu tư APEC với dự án Apec Mandala Retreat Kim Bôi đang xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng trị liệu sức khoẻ bằng khoáng nóng tự nhiên, là một trong những dự án đẳng cấp nhất tại tỉnh với thiết kế dạng căn hộ khách sạn 6 sao kết nối con người với thiên nhiên ngày càng gần hơn. Một số xã như: Đông Bắc, Vĩnh Đồng, Bình Sơn, Mỵ Hoà, Sào Báy, Cuối Hạ, Nuông Dăm, Kim Bôi đang có các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát.  Khu vực Thượng Tiến của xã Hợp Tiến đang dự kiến xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Tại xã Vĩnh Đồng trong tương lai hướng tới phát triển du lịch tâm linh, vị trí tại khu mộ cổ Đống Thếch. Nổi bật tại xã Sào Báy có Serena Resort Kim Bôi đang hoạt động hiệu quả, đứng đầu về doanh thu du lịch của huyện với trên 100 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ phòng lấp đầy của khu nghỉ dưỡng này đã kín đến hết tháng 4.

Năm 2021, huyện đã tổ chức hội thảo về trao đổi, xúc tiến đầu tư với chủ đề "Trekking, nghỉ dưỡng và xúc tiến đầu tư xứ Mường Động” thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành. Kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, huyện tích cực phối hợp các sở, ngành của tỉnh triển khai thu hút đầu tư các dự án, phấn đấu đạt trên 1.000 phòng, đón 600 - 700 nghìn lượt khách du lịch/năm.


Phát huy lợi thế gần thị trường lớn, điểm đến thân thiện, an toàn
Hồ Ngọc Bảo Trâm
(TP Hà Nội)

Du lịch Hoà Bình có lợi thế quan trọng là gần Thủ đô Hà Nội, phù hợp cho những chuyến du lịch ngắn ngày, nghỉ dưỡng cuối tuần. Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá các dân tộc đa dạng, phong phú rất có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Trong chuyến du lịch Tết gần đây của gia đình tôi tại bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu), tôi rất ấn tượng với thiên nhiên và không gian yên bình, sự thân thiện của người dân tại điểm đến. Tôi cũng hy vọng trong những dịp cuối tuần sắp tới sẽ tiếp tục khám phá bản làng văn hoá của Hoà Bình và lên chương trình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ở một khu du lịch nào đó, có thể là điểm nghỉ dưỡng Avana Retreat Mai Châu đang hot hiện nay, hoặc các khu nghỉ dưỡng sinh thái gần Hà Nội hơn, như Hasu Village (TP Hoà Bình), Ivory Villas&Resort (Lương Sơn). Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và triển khai các chương trình kích cầu du lịch, Hoà Bình sẽ phát huy hơn nữa lợi thế gần thị trường lớn và điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn.     


Các tin khác


Sức hút du lịch vùng cửa ngõ Lương Sơn

Với lợi thế vùng cửa ngõ tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông thuận tiện, sở hữu phong cảnh thiên nhiên, điều kiện khí hậu bán sơn địa, huyện Lương Sơn là điểm đến lý tưởng được nhiều du khách lựa chọn tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch thể thao là sản phẩm hấp dẫn đang được chú trọng khai thác.

Nắm bắt thực tế hoạt động du lịch tại huyện Mai Châu

Ngày 21/3, đoàn công tác Sở VH-TT&DL đã tổ chức nắm bắt tình hình thực tế hoạt động kinh doanh và đón tiếp phục vụ khách du lịch tại huyện Mai Châu.

Hội An đứng đầu trong 10 điểm đến an toàn nhất cho khách du lịch một mình trên thế giới

Dưới đây là danh sách những điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho khách du lịch một mình, theo Smoky Mountains.

Nâng cao hiệu quả công tác thống kê, chất lượng dự báo cho du lịch

Chất lượng dự báo có tốt thì việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển mới có tính khả thi cao. Trong công tác dự báo, thống kê là một trong những công cụ quan trọng nhất, bởi nó cung cấp các thông tin, dữ kiện cần thiết để làm cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển, đồng thời cũng là thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả thực thi.

Ra mắt Đại đô thị kết hợp nghỉ dưỡng “độc nhất”: Giữa lòng thiên nhiên - Kề bên thành phố - Giáp ranh Thủ đô.

Trải dài hơn 4km dọc bờ sông Đà, có một châu Âu thu nhỏ đan xen giữa không gian kỳ vỹ của sông núi, nơi kiến tạo một không gian "sống nghỉ dưỡng” tràn ngập sắc xanh và một cộng đồng tinh hoa thành đạt mang tên Casa Del Rio.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục