(HBĐT) - Huyện Đà Bắc có 4 điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại các xóm: Ké - xã Hiền Lương; Đức Phong, Đoàn Kết - xã Tiền Phong và xóm Sưng - xã Cao Sơn. So với các điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh, mô hình DLCĐ huyện Đà Bắc thuộc diện "sinh sau, đẻ muộn” nhưng đến nay, 4 điểm DLCĐ ở huyện đã xây dựng được thương hiệu, là địa chỉ đỏ của các tua du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Là nơi mà du khách "đã đến thì chẳng muốn đi, đi rồi mong ngày trở lại”.


Hộ homestay Xuân Lan, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) ngoài đón, tiếp khách du lịch còn phát triển nghề dệt thổ cẩm đem lại thu nhập 15 - 16 triệu đồng/tháng.

Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, tại các điểm DLCĐ du khách từ Hà Nội, TP Hòa Bình và khách nước ngoài đổ về kín các homestay. Chủ hộ tất bật lo cơm nước, đội văn nghệ xóm xúng xính trong bộ trang phục dân tộc chuẩn bị nhạc cụ cho buổi biểu diễn phục vụdu khách. Được biết, sau đại dịch Covid-19, du lịch Hòa Bình nói chung, DLCĐ huyện Đà Bắc nói riêng đã phục hồi nhanh chóng.

Bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP DLCĐ Đà Bắc (Đà Bắc CBT) cho biết: Năm 2014, tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP), Australia đã hỗ trợ xóm Đá Bia cũ (nay là xóm Đức Phong), xã Tiền Phong xây dựng điểm DLCĐ. Bước đầu có 4 hộ làm homestay, nay xóm đã có hơn 50 thành viên tham gia trực tiếp vào các nhóm, tổ dịch vụ phục vụ DLCĐ như: Đội múa, tổ hướng dẫn du khách thăm quan, trải nghiệm, tổ thêu, dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc, đan lát, tổ chăn nuôi (gà, lợn bản), trồng trọt (rau xanh bản địa). Học tập cách làm DLCĐ của Đá Bia, một số hộ dân xóm Mó Hém cũ (nay là xóm Đoàn Kết), xã Tiền Phong cũng đầu tư mở homestay, xây dựng điểm DLCĐ.

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Xa Văn Thức cho biết: Đá Bia là nơi sinh sống lâu đời của người dân tộc Mường Ao Tá. Du khách đến Đá Bia được trải nghiệm cuộc sống, phong tục tập quán của người dân bản địa, được thưởng thức những món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Mường Ao Tá. Đến Đá Bia, du khách còn được đi tắm suối, bơi bè mảng, leo núi, đi kéo vó, thả rọ tôm; tối giao lưu văn nghệ cùng dân bản… Thú vị nữa là trên đường vào Đá Bia còn có nhiều quán bán hàng "tự giác”. Tất cả đều là sản phẩm "cây nhà lá vườn” của đồng bào. Khách cần thứ gì tự xem giá ghi trên vách rồi bỏ tiền vào ớp treo trên cột. Phong tục này có từ xa xưa, một nét văn hóa độc đáo chỉ người Mường Ao Tá mới có, đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Năm 2019, điểm DLCĐ Đá Bia là 1 trong 3 mô hình DLCĐ cả nước được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao Giải thưởng ASEAN về DLCĐ.

Đến điểm DLCĐ xóm Sưng, xã Cao Sơn, chúng tôi thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ với cánh rừng nguyên sinh trải dài trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Chị Lý Sao Mai, điều phối viên Đà Bắc CBT cho biết: Bản Sưng còn giữ được gần như nguyên vẹn nếp sống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao Tiền Đà Bắc, từ ngôn ngữ, trang phục đến nếp nhà, ẩm thực, các nghề thủ công như: xe tơ, dệt vải, thêu thùa, đan lát chưa bị mai một. Ông Lý Hồng Minh, bản Sưng lý giải: Không phải người bản Sưng không đủ tiền làm nhà xây kiên cố, mà cái chính là người bản Sưng đồng lòng giữ lại nếp nhà truyền thống của người Dao Tiền từ bao đời cha ông tạo dựng, truyền lại. Cũng như việc bảo tồn trang phục của phụ nữ bản Sưng. Ngay từ khi sinh ra, từ cái tã lót, cái khăn, cái chăn, cái đệm sau là cái váy, cái áo đều làm bằng vải bông do người nhà dệt, may. Như vậy, du khách xa, gần khi bước chân vào bản, họ đều nhận ra: Đây là bản người Dao Tiền chứ không phải xóm Mường Đá Bia, Tiền Phong hay dân tộc Mường xóm Ké, xóm Doi, xã Hiền Lương.

Đã nhiều năm lăn lộn, xây dựng điểm DLCĐ trên địa bàn huyện Đà Bắc, Giám đốc Đà Bắc CBT Đinh Thị Hảo đúc kết: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là đòn bẩy cho DLCĐ phát triển, DLCĐ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cả về đời sống kinh tế và tinh thần cho đồng bào dân tộc. Đó là, thu nhập của các hộ làm DLCĐ ngày càng tăng cao; tạo việc làm, thu nhập cho các hộ; từng bước phá thế thuần nông, tập quán canh tác tự cung, tự cấp của đồng bào. Đặc biệt, DLCĐ đã làm cho người dân khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để chiến thắng "giặc” nghèo bằng chính nội lực của mình.

Tuy nhiên, điều phối viên Lý Sao Mai cũng bày tỏ điều trăn trở chung của các điểm DLCĐ huyện Đà Bắc, đó là: Các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đà Bắc cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho các hộ làm homestay và khu dân cư điểm DLCĐ để sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa, trang thiết bị; xây dựng cơ sở hạ tầng xóm, bản; xây dựng công trình vệ sinh, xử lý rác thải sinh hoạt; tập huấn nâng cao kỹ năng làm DLCĐ cho những hộ có điều kiện làm homestay và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, việc bảo tồn nếp nhà truyền thống của người Dao Tiền: nhà đất trệt, vách ván ghép, mái lợp lá cọ gặp không ít khó khăn. Vì lá cọ chỉ vài năm là hỏng, các hộ phải thay lá lợp lại mái. Mỗi lần lợp lại mái, nhà ít gian thì 10 - 15 triệu đồng, nhà nhiều gian 20 - 25 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với hộ gia đình người Dao xóm Sưng. Vì vậy, một số hộ đã bỏ nhà trệt, mái lá làm nhà gỗ mái ngói. Nếu không có giải pháp thích hợp hỗ trợ về kinh phí cho điểm DLCĐ thì việc bảo tồn nhà ở truyền thống rất khó khăn.

Được biết, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án "Nâng cao năng lực và tiếp cận cho cộng đồng” do tổ chứcAOP, Australia viện trợ cho huyệnĐà Bắc. Dự án có tổng mức viện trợ trên 5,823 tỷ đồng. Các hoạt động của dự án gồm: Khảo sát, đánh giá và xây dựng các điểm DLCĐ mới, hỗ trợ người dân vay vốn không lãi suất để cải tạo nhà cửa và mua trang thiết bị để làm du lịch; truyền thông về DLCĐ… Đây sẽ là cơ hội để Đà Bắc mở rộng quy mô, phát triển DLCĐ, khai thác hiệu quả thế mạnh là địa phương vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.


Trung Hiếu

(Tạp chí Doanh nghiệp&Hội nhập)


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục