(HBĐT) - LTS: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Tỉnh Đội - ngày truyền thống LLVT tỉnh (16/8/1947 - 16/8/2017), để ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ số báo này, Báo Hòa Bình đăng tải tài liệu tuyên truyền lịch sử, truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ LLVT, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Hòa Bình tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.


Hòa Bình là tỉnh miền núi, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng Bắc bộ với vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhân dân các dân tộc Hoà Bình có truyền thống đoàn kết keo sơn, lòng yêu nước nồng nàn, cần cù lao động, bất khuất trong đấu tranh chế ngự thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, từ triều đại của Nhà nước Văn Lang cho đến các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Quang Trung Nguyễn Huệ... nhân dân Hòa Bình đã tích cực tham gia, hưởng ứng, ủng hộ sự nghiệp giành độc lập dân tộc.

Năm 1858, thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta, nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ở các địa phương trong tỉnh liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của bọn đế quốc, tay sai bán nước, tiêu biểu như: tích cực tham gia các cuộc kháng chiến cần vương của nghĩa quân Đốc Ngữ ở sông Đà, Đốc Tam ở Lạc Thủy, Đinh Công Uy ở Kỳ Sơn, Lương Sơn (1886 - 1892), cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm, và Đốc Bang (1909) ở vùng Lương Sơn, Kỳ Sơn ...

Từ khi có Đảng, Bác Hồ chỉ lối, soi đường, nhân dân các dân tộc Hòa Bình một lòng, một dạ đi theo Đảng, cùng với nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn giữ vững bản chất cách mạng, liên tục hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, QP-AN, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.

Sự hình thành các tổ chức cách mạng của Đảng

Tháng 8/1929, ánh sáng cách mạng vô sản được truyền bá vào Hòa Bình do đồng chí Đào Gia Lưu, cán bộ hoạt động bí mật của Đông Dương Cộng sản Đảng Tỉnh ủy Nam Định bị thực dân Pháp điều lên dạy học tại huyện Lạc Sơn. Nhân việc đó, đồng chí được giao nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, gây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn Hòa Bình. Sự kiện trên mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu ánh sáng cách mạng đã truyền tới tỉnh Hòa Bình.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, như một luồng gió mạnh thổi bùng lên phong trào đấu tranh cách mạng sôi động, rộng khắp trong cả nước. ở tỉnh Hòa Bình, ngày 1/12/1930, Tổ Đảng Hoàng Đồng, thuộc Chi bộ Thanh Khê - Trung Trữ, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình được thành lập tại xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ. Tổ Đảng đi vào hoạt động và đã ảnh hưởng sâu đậm trong nhân dân địa phương. Đây là dấu son trong tiến trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Trong phong trào đấu tranh dân chủ (1936 - 1939), nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng, phát triển mạnh mẽ và kiên cường, đứng vững qua các cuộc khủng bố, áp bức quyết liệt của thực dân, phong kiến; đồng thời đã vận động tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn quan lang, địa chủ, cường hào giành thắng lợi, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh dân chủ đòi tự do ở tỉnh Hòa Bình.

Tháng 5/1941, T.ư Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 8, đề ra nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8/1941, T.ư Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ lần lượt cử cán bộ đến Hòa Bình hoạt động, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào cách mạng. Đến năm 1943, chi bộ đảng trong Nhà tù Hòa Bình trực thuộc T.ư Đảng được thành lập, do đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư. Cuối năm 1943, Mặt trận Việt Minh tỉnh Hòa Bình được thành lập. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, các cơ sở cách mạng được xây dựng tại thị xã Hòa Bình, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, phố Vãng, huyện Mai Châu, Nật Sơn, huyện Kim Bôi. Tháng 1/1945, T.ư Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình, chỉ định đồng chí Vũ Thơ giữ chức Bí thư. Đến 1/5/1945, chi bộ Đảng thị xã Hoà Bình được thành lập gồm 3 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Đình Khanh làm Bí thư (Đây là tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên ở tỉnh Hoà Bình).

                            (Còn nữa)


Các tin khác


Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, trâu, bò, lợn

Bà Nguyễn Thị Luyến (Yên Thủy) hỏi: Đề nghị cho biết quy định về rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, trâu, bò, lợn?

Những hành vi làm sai lệch, hủy hoại di sản văn hóa

Bà Nguyễn Thị Hoa (Lạc Thủy) hỏi: Đề nghị cho biết pháp luật quy định những hành vi nào làm sai lệch, hủy hoại di sản văn hóa (DSVH)?

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Bà Lê Thị Thu (Cao Phong) hỏi: Đề nghị cho biết quy định pháp luật về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình?

Thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Bà Nguyễn Thị Hải (Lương Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao được quy định như thế nào?

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Ông Nguyễn Hòa (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết pháp luật quy định những dữ liệu cá nhân nào được coi là nhạy cảm?

Giải đáp pháp luật: Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ông Phạm Hùng (TP Hòa Bình) hỏi: Đề nghị cho biết việc nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như thế nào?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục