(HBĐT) - Ngày 25/5/2021, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Theo đó, Chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh tăng về điểm số nhưng lại giảm 1 bậc thứ hạng. So với cả nước, chỉ số của tỉnh kém 2,06%. So sánh qua các năm cho thấy, chỉ số CCHC từ năm 2016 - 2020 luôn tăng về điểm số. Trong 5 năm tăng 8,78%, riêng năm 2020 tăng 2,22%.

 


Người dân đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Lương Sơn được giải quyết thủ tục nhanh gọn. Ảnh: P.V

 Hầu hết các tiêu chí, lĩnh vực chưa đạt được hoặc đạt được ở mức thấp trong CCHC năm 2019 đã được khắc phục kịp thời và đạt trong năm 2020. So với năm 2019 có 5 lĩnh vực tăng chỉ số. Nhiều lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể về chỉ số, đó là: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hoá hành chính. Trong đó, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính là 3 lĩnh vực có chỉ số tăng cao nhất. Tuy nhiên, chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách tổ chức bộ máy; khảo sát lãnh đạo, quản lý đối với các lĩnh vực CCHC; khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và kết quả đánh giá một số tiêu chí về phát triển KT-XH của tỉnh là các lĩnh vực, tiêu chí giảm chỉ số so với năm 2019. 

Về thứ hạng so với địa phương khác của tỉnh luôn thay đổi. Năm 2016 xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, năm 2017 xếp thứ 55/63, năm 2018 xếp thứ 46/63, năm 2019 xếp thứ 52/63, năm 2020 xếp thứ 53/63.
So sánh, phân tích chi tiết các chỉ số so với năm 2019 cho thấy: Chỉ tiêu công tác chỉ đạo điều hành tăng 0,56% là do năm 2020, Ban chỉ đạo CCHC của tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong Chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh, đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Tuy nhiên, có điểm chưa đạt là chỉ có 1 giải pháp, sáng kiến mới trong CCHC được Hội đồng thẩm định chấp thuận. Theo quy định phải có ít nhất 3 giải pháp, sáng kiến mới được chấp thuận mới đạt điểm tối đa.

 Chỉ tiêu xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật giảm 0,91%. Các chỉ tiêu đánh giá về lĩnh vực này đều đạt điểm tối đa nhưng điểm đánh giá qua khảo sát lãnh đạo, quản lý giảm.

Chỉ tiêu CCHC tăng 5,01% là do đã khắc phục được những tiêu chí bị trừ điểm của lĩnh vực này từ năm 2019. Bao gồm: Đã ban hành quyết định công bố 24 TTHC hoặc nhóm TTHC do Bộ CHQS tỉnh quản lý đưa ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa các cấp. Các sở, ngành đã cập nhật đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền quản lý trên trang thông tin điện tử của ngành, địa phương. Điểm còn lại chưa đạt là do trang thông tin điện tử của Sở LĐ-TB&XH chưa cập nhật kịp thời TTHC lĩnh vực an toàn lao động. 

Cải cách tổ chức bộ máy giảm 7,56% do việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chưa đảm bảo theo đúng thời hạn, số lượng phó phòng thuộc sở, UBND cấp huyện còn thừa so với quy định, điểm khảo sát lãnh đạo, quản lý còn thấp.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng 7,62% do năm 2020 không có lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp sở bị kỷ luật. 

Cải cách hành chính công tăng 10,55% do nhiều tiêu chí của lĩnh vực này đều đạt điểm tối đa. Tuy nhiên có điểm chưa đạt do thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 mới đạt 64%, tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách từ năm 2018 - 2020 mới đạt 74%, điểm khảo sát lãnh đạo, quản lý còn thấp.

Chỉ tiêu hiện đại hóa hành chính tăng 9,01% do tỷ lệ TTHC cung cấp mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm 2020 tăng so với năm 2019; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích tăng so với năm 2019. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã đáp ứng tiêu chí kỹ thuật. Số điểm còn lại chưa đạt  là do tỷ lệ TTHC phát sinh giao dịch so với TTHC đã công bố triển khai qua dịch vụ Bưu chính công ích mới đạt 2,7%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ đạt 66%; điểm khảo sát lãnh đạo, quản lý còn thấp.

Qua điều tra xã hội học, chỉ tiêu khảo sát lãnh đạo, quản lý của tỉnh đối với các lĩnh vực CCHC giảm 0,38%; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 5,03% so với năm 2019.

Về tiêu chí phát triển KT-XH giảm 11,5% do doanh nghiệp được thành lập mới năm 2020 chỉ tăng 6,25% (năm 2019 thành lập 400 doanh nghiệp; năm 2020 thành lập 425 doanh nghiệp, yêu cầu tăng từ 20% trở lên); thu NSNN năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp không cao hơn năm 2019; tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn không cao hơn năm 2019; tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2020 không đạt.



Người dân đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Lương Sơn được giải quyết thủ tục nhanh gọn. Ảnh: P.V

Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số CCHC của tỉnh tăng về điểm số nhưng lại giảm 1 bậc thứ hạng so với năm 2019. Nguyên nhân khách quan là do các bộ, ngành T.Ư chậm ban hành mới các thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức đối với đơn vị sự nghiệp thuộc sở. Việc giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến và qua dịch vụ hành chính công ích khi thực hiện TTHC chủ yếu do người dân tự nguyện, không thể bắt buộc, nhất là với địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp, người dân ít được tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin. Việc thành lập mới doanh nghiệp cũng do yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Mặt khác, KT-XH của tỉnh chậm phát triển nên việc sản xuất, kinh doanh của Nhân dân chủ yếu nhỏ lẻ, chỉ cần đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc hợp tác xã, không có nhu cầu thành lập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải xử lý kỷ luật. Các giải pháp sáng kiến mới trong CCHC từ năm 2020 trở về trước chủ yếu là của Sở Nội vụ và Sở TT&TT đề xuất thực hiện. Các cơ quan khác trong Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các ngành, địa phương chủ yếu tập trung nhiều cho công tác chuyên môn, chưa quan tâm, nghiên cứu, đề xuất được các giải pháp, sáng kiến mới trong CCHC có hiệu quả. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp và các huyện, thành phố phải xin ý kiến BTV Tỉnh ủy, nên Sở Nội vụ chỉ thẩm định, tổng hợp và trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh một lần cho tất cả các cơ quan, đơn vị, không thể trình riêng lẻ. Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, lúng túng, chậm tiến độ trong việc xây dựng đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Một số ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là những việc như: Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN; thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách; thu ngân sách Nhà nước; thực hiện các chỉ tiêu KT-XH.

Dự báo, nếu các cơ quan, đơn vị khắc phục được những hạn chế như sắp xếp bộ máy bên trong các sở, ngành, huyện, thành phố, thu NSNN; tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, sắp xếp giảm cấp phó phòng... đúng theo quy định thì thứ hạng về chỉ số CCHC của tỉnh sẽ ít nhất phải từ trung bình trở lên so với cả nước. 

 Việt Lâm



Tích cực phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công

Năm 2020, tiêu chí về hiện đại hóa hành chính tăng cao nhất trong các tiêu chí về chỉ số CCHC. Tuy nhiên, qua đánh giá của Bộ Nội vụ, điểm về tỷ lệ giữa TTHC phát sinh giao dịch so với TTHC đã công bố triển khai qua dịch vụ Bưu chính công ích và điểm tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đạt. Đây là một tiêu chí khó. Việc sử dụng dịch vụ công ích là do lựa chọn của người dân nên không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính bắt người dân phải sử dụng.

Để tăng số lượng người sử dụng cần sự phối hợp của các cấp, ngành, UBND các huyện, thành phố, các điểm phục vụ hành chính công tích cực vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ. Khi họ đã biết được những tiện ích thì việc vận động lan tỏa cho người khác sử dụng cũng thuận lợi hơn. Đồng thời chuẩn hóa các thủ tục để người dân và người sử dụng dễ sử dụng.

Bùi Đức Nam
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Tăng cường cán bộ về cơ sở

Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, toàn bộ huyện Kỳ Sơn (cũ) được nhập vào TP Hòa Bình. Do vậy, đội ngũ cán bộ cấp phòng, ban dôi dư nhiều, nhất là cấp phó. Thời điểm tháng 3/2020, TP Hòa Bình thừa 22 phó trưởng phòng, ban; tháng 3/2021 thừa 15 phó trưởng phòng, ban. Đến nay, sau khi sắp xếp vẫn còn thừa 11 phó trưởng phòng, ban.

Trong thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố nỗ lực thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn địa phương. Trong đó, tăng cường luân chuyển cán bộ ở các phòng, ban về công tác ở phường, xã. Đây là giải pháp hữu hiệu vì đưa lực lượng cán bộ có chất lượng cao về làm việc tăng hiệu quả công vụ tại cơ sở. Đồng thời, vận động những người gần đủ tuổi về nghỉ chế độ theo chính sách của Nhà nước. Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cán bộ đủ tiêu chí. Với những cán bộ cấp phó không thuộc diện chuyển hoặc nghỉ chế độ chuyển về công chức bình thường.

Bùi Quang Điệp
Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình

Thường xuyên rà soát, cập nhật những chính sách mới

Hiện nay, ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện TTHC ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã với 157 thủ tục. Trong đó, cấp tỉnh 114 thủ tục thuộc 9 lĩnh vực, cấp huyện 26 thủ tục thuộc 6 lĩnh vực, cấp xã 17 thủ tục thuộc 13 lĩnh vực. Các thủ tục thường xuyên thay đổi về chính sách. Về quy trình, sau khi Bộ LĐ-TB&XH công bố TTHC, ngành chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố trên trang thông tin của tỉnh và của Sở LĐ-TB&XH.

Theo công bố Chỉ số CCHC năm 2020 có nội dung công bố TTHC qua website của Sở LĐ-TB&XH. Qua đây chúng tôi rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, theo dõi. Thời gian tới sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật những chính sách mới lên trang thông tin của sở để cá nhân, doanh nghiệp nắm được chính sách sớm nhất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện TTHC đã được công bố công khai trên website của sở. 

Nguyễn Thanh Thủy
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục