(HBĐT) - An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vị trí, vai trò rất quan trọng là bảo vệ người lao động - yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trong các doanh nghiệp. Trong những năm qua, công tác ATVSLĐ đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động về đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc được nâng lên, góp phần tích cực phát triển KT-XH địa phương. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là trong thời gian gần đây, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng.

 

Tai nạn lao động gia tăng phức tạp

 

Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra không chỉ tập trung trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng mà còn xuất hiện trong các lĩnh vực chế biến lâm sản, chế biến kim loại, may mặc, sản xuất, phân phối điện, sản xuất vật liệu xây dựng gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Tính riêng trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn lao động với 17 nạn nhân, trong đó 8 người chết, 9 người bị thương, tăng 1 nạn nhân so với năm 2015. Đặc biệt phải kể đến trường hợp Công ty TNHH BMC Hòa Bình đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 2 người chết trong khi khai thác đá chỉ trong vòng 1 tháng là tháng 2 và tháng 3.

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết. Trong đó có 1 vụ đuối nước tại Công ty TNHH MTV Phương Bắc tại xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) và 1 vụ người dân không làm việc theo hợp đồng lao động chặt cây đổ vào đường dây 35 kv bị phóng điện tử vong tại xã Quyết Chiến (Tân Lạc).

 

 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác ATVSLĐ - PCCN tại Công ty TNHH Japfa Comfeed  Việt Nam, chi nhánh Hòa Bình tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn).

 

Phân tích nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động, đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm – an toàn lao động (ATLĐ) (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Về phía người sử dụng lao động, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ mà chỉ chú trọng đến hoạt động SX-KD. Không cập nhật các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về công tác ATVSLĐ. Trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân còn thiếu, không đúng chủng loại, chất lượng không đảm bảo theo đúng quy định. Chưa thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật với những lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhiều doanh nghiệp không chủ động tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động chỉ khi có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp mới triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp không cử người làm công tác ATVSLĐ, cán bộ y tế hoặc có nhưng trình độ chuyên môn chưa đúng, chưa phù hợp theo quy định nên chưa tham mưu, tư vấn cho chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về công tác ATVSLĐ. Không kiểm định, khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Không thường xuyên đôn đốc, kiểm tra người lao động trong việc chấp hành các quy trình, biện pháp làm việc an toàn cũng như việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc. Nguyên nhân từ phía người lao động, do trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, ý thức, tác phong công nghiệp hạn chế, còn ảnh hưởng nhiều của phong tục, tập quán địa phương. ý thức chấp hành pháp luật về ATLĐ của người lao động còn hạn chế; thể hiện ở chỗ mặc dù người lao động đã được huấn luyện về ATVSLĐ song vẫn còn chủ quan, làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình, quy định an toàn gây tai nạn lao động.

 

Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đã triển khai tuyên truyền, tập huấn về công tác ATVSLĐ – phòng, chống cháy, nổ (PCCN) tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, kinh phí cho công tác này còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp được kiểm tra hàng năm về ATVSLĐ- PCCN thấp nên không phát hiện kịp thời các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng.  Chế tài xử phạt vi phạm các quy định  pháp luật trong công tác ATVSLĐ-PCCN chưa đủ sức răn đe người sử dụng lao động và người lao động nên tình trạng vi phạm tái diễn vẫn xảy ra trong các doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra còn, chồng ATLDD, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. 

 

Giải pháp đảm bảo ATVSLĐ

 

Để cụ thể hóa Chỉ thị số 29-CT/Tư, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư T.ư Đảng “về đẩy mạnh công tác ATLĐ, vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế”, những năm qua, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân triển khai thực hiện việc đảm bảo ATVSLĐ- PCCN. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2422 triển khai Chương trình ATVSLĐ tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020. Chương trình tập trung thực hiện 3 nội dung hoạt động chính, gồm: Các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ…

 

 

Công nhân Công ty TNHH Pacific được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất.

 

Đặc biệt, Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. So với quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn, Luật ATVSLĐ có một số điểm mới như: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được mở rộng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATLĐ, mở rộng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, người làm việc không theo hợp đồng lao động được ưu tiên huấn luyện ATLĐ và được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trách nhiệm quản lý công tác ATVSLĐ ngoài các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, thành phố còn được giao về UBND các xã, thị trấn.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, nhiều năm nay, tỉnh ta tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ- PCCN với nhiều hoạt động phong phú. Từ năm 2017, theo quy định mới, tỉnh tổ chức phát động Tháng hành động về VSATLĐ. Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện nhiệm vụ ATVSLĐ-PCCN nói chung và tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ I năm 2017 tại tỉnh được tổ chức từ ngày 1- 31/5. Mục đích nhằm tuyên truyền Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đơn vị SX-KD, khu vực làng nghề, khu vực nông thôn, người lao động trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp như: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến kim loại và lâm sản… Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp, ngành và toàn thể xã hội với công tác ATVSLĐ. Đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ sở SX-KD, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

 

Với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện về ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, các hoạt động chủ yếu trong Tháng hành động sẽ tổ chức Lễ phát động cả ở cấp tỉnh và cấp huyện. Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ. Tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng có những hoạt động cụ thể hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ tại đơn vị…

 

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch TT Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, để đảm bảo ATVSLĐ-PCCN không chỉ dừng lại ở Tháng hành động về ATVSLĐ mà phải được duy trì thường xuyên, liên tục theo đúng quy định của pháp luật. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để tạo nên ý thức, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho người lao động. Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ. Hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ  trước và trong khi làm việc; tổ chức các hoạt động chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ và phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thường xuyên kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không đảm bảo ATLĐ. Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động theo quy định. UBND các huyện, thành phố tổ chức huấn luyện cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Từ đó triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp- Việc làm- ATVSLĐ và Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh.

 

Ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-TTg quyết định Tháng hành động về ATVSLĐ. Theo đó lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng hành động về ATVSLĐ”. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức “Tháng hành động về ATVSLĐ” bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích: Nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động. “Tháng hành động về ATVSLĐ” bắt đầu tổ chức từ năm 2017.

 

           Tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến người lao động

 

Trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động trong các cấp công đoàn. Thực hiện kế hoạch của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, LĐLĐ đã có Kế hoạch số 03 ngày 14/2/2017 tổ chức Tháng công nhân, triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017 triển khai đến LĐLĐ các huyện, thành phố. Như chúng ta đã biết, chủ đề của Tháng hành động ATVSLĐ năm nay là “Thúc đẩy công tác huấn luyện về ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. LĐLĐ tỉnh đã triển khai đến các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp huấn luyện ATLĐ tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao để người lao động nâng cao nhận thức, tự trang bị kiến thức và có ý thức chấp hành các nội quy, quy chế, Luật ATVSLĐ trong quá trình thực hiện SX-KD, đảm bảo an toàn tính mạng con người và cơ sở vật chất cho doanh nghiệp. Từ đó để ổn định việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động…

               

                                                                       Lê Minh Tuấn

                                                      (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

                                  ATVSLĐ vì sự phát triển của doanh nghiệp

 

Hiện nay, Công ty chúng tôi có 940 lao động. Xác định công tác ATVSLĐ-PCCN có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, hàng năm, Công ty đều xây dựng kế hoạch ATLĐ, trong đó liệt kê các hạng mục công việc cần phải làm trong năm. Ví dụ như khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 6 nhóm theo quy định… Công ty cũng cử cán bộ chuyên trách làm công tác ATLĐ và thành lập đội PCCC theo quy định. Là người phụ trách công tác ATVSLĐ, tôi nhận thấy Công ty đã có nhiều quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo công tác ATVSLĐ. Mặc dù để đầu tư, trang thiết bị đảm bảo công tác ATLĐ-PCCN là khá lớn nhưng là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, công tác ATVSLĐ đã được coi trọng đúng mức. Nhờ đó, sản xuất- kinh doanh luôn ổn định. Người lao động yên tâm làm việc với mức lương bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

 

                                                             Nguyễn Thị Khuyên

                                           (Công ty TNHH may quốc tế Teoro Woo jin)

         Mong được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng an toàn lao động

 

Tôi làm nghề cơ khí, công việc chính là làm nhôm kính, sắt, thép… Nhóm của chúng tôi có từ 2- 3 anh em cùng làm với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. ở đâu có công việc, chúng tôi nhận đến làm, phạm vi chủ yếu trên địa bàn huyện. Là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động nhưng vừa qua, chúng tôi được Phòng LĐ-TB&XH huyện mời tham gia lớp huấn luyện về công tác ATVSLĐ. Tham gia lớp huấn luyện này mặc dù thời gian ngắn nhưng chúng tôi đã tiếp thu được những kiến thức chủ yếu của Luật ATVSLĐ như các biện pháp phòng - chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động; xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm ATVSLĐ đối với một số lao động đặc thù… Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các lớp huấn luyện, trong đó chú trọng đến việc trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.

 

                                                         Nguyễn Duy Kiên

                                                   Thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy)

 

 

                                                                                  Hương Lan

Các tin khác


Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Thời tiết ngày 12/4: Nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 12/4, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ và nền nhiệt xu hướng tăng dần. Trung Bộ và Tây Nguyên nắng nóng cục bộ. Riêng Nam Bộ đang cao điểm nắng nóng, có nơi gần 40 độ C.

Miền Bắc sắp chuyển nắng nóng diện rộng, Nam Bộ có nơi trên 38 độ C

Dự báo miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết có mưa nhỏ trong vài ngày tới. Từ ngày 13/4, khả năng có nắng nóng diện rộng. Trong khi đó, Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Các nhà mạng phải xử lý thông tin về SIM không chính chủ trong 1 ngày

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu, các nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao không chính chủ không còn trong danh sách các số thuê bao của người dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục