Nhiều nhà khoa học đưa ra chất vấn phát minh mới của TS Nguyễn Chánh Khê vào chiều 9-3. Ảnh: Tr.Thanh

Nhiều nhà khoa học đưa ra chất vấn phát minh mới của TS Nguyễn Chánh Khê vào chiều 9-3. Ảnh: Tr.Thanh

Ngày 9-3, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu triển khai (R&D) thuộc KCNC TPHCM tổ chức Hội đồng khoa học do GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ chủ trì, với mục đích thẩm định giá trị công trình nghiên cứu máy phát điện chạy bằng nước của TS Nguyễn Chánh Khê, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai KCNC TPHCM. Sau gần 3 giờ trao đổi thẳng thắn với tác giả, các nhà khoa học vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

 

Tại hội đồng, TS Nguyễn Chánh Khê và các cộng sự vẫn khẳng định phát minh chiếc máy phát điện chạy bằng nước có công suất 2.000W là hoàn toàn có cơ sở, dựa trên nguyên lý tách hydrogen từ nước rồi đốt hydrogen này tạo ra năng lượng. Hợp chất đặc biệt (tác giả gọi là chất xúc tác A) có tác dụng phản ứng với nước tạo hydro tiếp tục được TS Nguyễn Chánh Khê giữ bí mật hoàn toàn và xem đây là “bí quyết công nghệ” của ông. Ông cũng khẳng định, một đèn compast 50W phát sáng trong 1 giờ chỉ tiêu tốn khoảng 1.000 đồng chi trả cho chất khử. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng cụm từ “bí mật công nghệ” dành cho các nghiên cứu của mình.

Trả lời báo chí, TS Nguyễn Chánh Khê cho biết: “Đây là hợp chất đặc biệt do chúng tôi nghiên cứu ra. Do là hợp chất tổng hợp của nhiều chất khác nhau, các nhà khoa học chưa dùng được, chưa hiểu được”.

TS Hà Thúc Chí Nhân, Phó Trưởng khoa Khoa học vật liệu nhận định, trên thế giới đã từng sử dụng muối hóa học để tách hydro ra khỏi nước, tuy nhiên, nếu dùng muối để tạo ra nguồn điện phát sáng bóng đèn 50W như thí nghiệm của TS Nguyễn Chánh Khê phải mất từ 200.000 - 300.000 đồng, hoàn toàn không có lợi về mặt kinh tế. Cho nên, điểm mấu chốt nằm ở hợp chất khử ban đầu của chiếc máy này, nhưng nó vẫn là điều bí mật.

Một nhà khoa học khác lý giải, để giải phóng được hydro cần một nguồn năng lượng, năng lượng ở đây theo tác giả là do phản ứng hóa học sinh ra. Thế nhưng, tác giả lại trả lời rằng đó là chuyện riêng của tác giả và không cho biết phản ứng đó là gì? Như vậy, không thể thuyết phục chúng tôi được.

GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học Việt kiều, cho rằng bên cạnh khía cạnh công nghệ nên giữ bí mật, khía cạnh khoa học của công trình cần phải rõ ràng. Ví dụ: Ta có thể gọi là chất rắn A là chất xúc tác hay là chất khử? Bởi về nguyên lý chất xúc tác là chất trung gian không can dự vào phản ứng phân tử hoặc nếu có can dự cũng giữ lại hình thể niên đại của nó, còn chất khử thì tham dự vào phản ứng và biến thành một chất khác. Thế nhưng, từ những sơ đồ phản ứng của tác giả, chúng tôi không xác định được chất đó gọi là gì.

Trong khi đó, với câu trả lời chất rắn A là chất xúc tác, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Thoa, Trưởng bộ môn Hóa lý, Trường ĐH KHTN TPHCM, phản bác, nếu đó là chất xúc tác thì nó có tác dụng tăng tốc độ phản ứng lên, chứ không thể biến một phản ứng không xảy ra thành xảy ra được. Trong khi đó, TS về năng lượng Nguyễn Bách Phúc nói: “Nếu có máy này, năng lượng sẽ không còn là vấn đề với thế giới. Tuy nhiên, với cách giải thích những phản ứng trong nghiên cứu là cái riêng của TS Nguyễn Chánh Khê, vậy thì đâu cần đến đây để nói chuyện khoa học nữa”.

Kết luận về đề tài của TS Nguyễn Chánh Khê, cá nhân GS-VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ TS Nguyễn Chánh Khê giữ bí mật hợp chất đặc biệt của mình, bởi nếu chứng minh được hiệu quả tách hydro của hợp chất này, giá trị mà nó mang lại không chỉ cả ngàn tỷ đô mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, phục vụ tốt cho nhân dân các vùng thiếu điện. Tuy nhiên, TS Nguyễn Chánh Khê phải thử nghiệm tại KCNC bằng một chiếc máy cụ thể để có thể đánh giá chính xác mức độ ổn định của hợp chất rắn trên. Đồng thời, Bộ KHCN, Ban quản lý KCNC nên cấp nguồn kinh phí để TS Nguyễn Chánh Khê tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu của mình”.

Dự kiến, trong đầu tuần tới, Ban Quản lý KCNC TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu triển khai sẽ tổ chức họp báo để công bố các kết luận chính thức về phát minh mới trên.

 

                                                                           Theo SGGP

 

Các tin khác


Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Thời tiết ngày 12/4: Nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 12/4, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ và nền nhiệt xu hướng tăng dần. Trung Bộ và Tây Nguyên nắng nóng cục bộ. Riêng Nam Bộ đang cao điểm nắng nóng, có nơi gần 40 độ C.

Miền Bắc sắp chuyển nắng nóng diện rộng, Nam Bộ có nơi trên 38 độ C

Dự báo miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết có mưa nhỏ trong vài ngày tới. Từ ngày 13/4, khả năng có nắng nóng diện rộng. Trong khi đó, Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Các nhà mạng phải xử lý thông tin về SIM không chính chủ trong 1 ngày

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu, các nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao không chính chủ không còn trong danh sách các số thuê bao của người dùng.

Tăng cường giải pháp đảm bảo cấp điện mùa mưa bão

Công ty Điện lực Hoà Bình (PC Hoà Bình) đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn mùa mưa bão. Một trong những giải pháp quan trọng là việc đào tạo, nâng cao kỹ năng xử lý các dạng sự cố điện trong mùa mưa bão cho cán bộ, công nhân viên của công ty.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục