Nông dân xóm Nà Cụt, xã Nà Phòn (Mai Châu) phải gánh nước tưới ngô.

Nông dân xóm Nà Cụt, xã Nà Phòn (Mai Châu) phải gánh nước tưới ngô.

(HBĐT) - Tháng 3, những ruộng bậc thang ở xã Nà Phòn (Mai Châu) đất khô nứt nẻ, dòng suối cạn khô đáy, đôi vai người nông dân oằn nặng gánh nước tưới từng gốc lạc, gốc ngô. Từ tháng 10/2013 đến nay, Nà Phòn không mưa, nguồn nước từ các mó nước, giếng nước cũng đã dần cạn kiệt. Chưa bao giờ Nà Phòn phải chống chọi với “cơn khát” ác liệt như bây giờ!

 

Tiếp chúng tôi ở trụ sở UBND xã, đồng chí Khà Văn Nhút, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã phân trần: Nguồn nước tự chảy cung cấp cho trụ sở UBND xã đã cạn kiệt. Giếng nước của các hộ dân quanh đây cũng cạn trơ đáy. Sáng nay, cán bộ xã phải chở từ nhà xuống 1 can 20 l nước để đun nước uống nhưng chỉ đủ dùng trong một buổi sáng, đến chiều thì hết!. Vừa nói anh, vừa liếc nhìn bộ ấm chén uống nước được xếp gọn vào góc bàn. Không có chén trà để mở đầu câu chuyện. Đó là lát cắt đầu tiên trong bức tranh mùa khát ở Nà Phòn đang bắt đầu hiện ra trước mắt chúng tôi.

 

Dẫn tôi đi qua những ruộng bị bỏ hoang trở thành bãi chăn thả trâu của xóm Nhót, đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã cho biết: “Không có đủ nước tưới, nhiều diện tích cấy lúa bị bỏ hoang trở thành bãi thả trâu. Nhưng thiếu nước, đất khô nứt nẻ, chẳng có cỏ nào mọc được. Đàn trâu vì thế mà con nào con đấy cũng gầy trơ xương.

 

Xã Nà Phòn có 5 xóm, tổng số 399 hộ với gần 1700 khẩu. Đời sống của bà con chủ yếu là trông vào sản xuất nông nghiệp. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây.

 

Từ thị trấn Mai Châu đi dọc theo con đường liên xã Nà Phòn  Nà Mèo thì chỉ có các thửa ruộng thấp bên phía tay trái, có hệ thống kênh mương dẫn nước, có nước là cấy được lúa còn đa phần các thửa ruộng ở phía bên tay phải ở vị trí chân đồi là bỏ hoang, nứt nẻ. Qua xóm Nhót, đến Nà Cụt, Nà Thia rồi Piềng Phung đâu đâu cũng thấy cảnh ruộng bỏ hoang.

 

Qua những khúc cua ngược dốc, trước mắt chúng tôi là cánh đồng xóm Nà Cụt. Tấp nập trên cánh đồng là cảnh bà con nông dân đang gánh nước tưới ngô. Người quang gánh, người ô doa cặm cụi trên những thửa ruộng đất khô trắng. Tại đây, chúng tôi gặp đồng chí Khà Văn Xiền, Bí thư chi bộ xóm Nà Cụt. Nói về tình hình thiếu nước tại đây, đồng chí Xiền cho biết: Tổng diện tích vụ xuân  hè năm 2014 của toàn xóm gần 6 ha nhưng có đến hơn 4 ha thiếu nước tưới. Do vậy, bà con đã phải chuyển từ cấy lúa sang trồng ngô. Bây giờ cây ngô còn nhỏ nên chiều nào bà con cũng phải tưới. Trồng ngô kiểu gánh nước tưới như tưới rau thế này nên năng suất cũng không ăn thua nhưng không có nghề phụ, chẳng lẽ để ruộng hoang nên bà con phải cố khắc phục chứ biết làm sao!. Tìm hiểu về hệ thống kênh mương thủy lợi tại đây thì được đồng chí Bí thư Chi bộ cho biết: chỗ thì không có, chỗ đã xuống cấp không sử dụng được và điều đáng ngại hơn cả là suốt từ tháng 10 năm ngoái đến giờ, ở đây không có một giọt mưa nào. Tình hình thiếu nước tại Nà Phòn ngày càng nghiêm trọng!

 

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về vấn đề thiếu nước tưới, bà Khà Thị Hạ (xóm Nà Cụt) than vãn: Không có nước, không gieo cấy được lúa, nhưng trồng ngô hay trồng lạc thì cũng vẫn phải tưới. ở các thửa ruộng ven chân đồi hoặc gần nhà thì nhà tôi dẫn nước tự chảy ra tưới. Còn các ruộng ở giữa đồng như thế này, phải gánh nước từ các vũng nước quanh cánh đồng về tưới. Mất công lắm!

 

Ở các ruộng cạn, bà con phải gánh nước tưới ngô còn ở các thửa ruộng thấp hơn cấy được lúa, nguồn nước quý được phân phối, tận dụng hết mức. Thiếu nước, rất nhiều hộ gia đình đã phải túc trực, thức đêm để dẫn nước về ruộng.

 

Đất khát người khát! Đó là một thực tế đáng ngại đang diễn ra ở Nà Phòn. Khi những thửa ruộng khô nứt nẻ, đó cũng là lúc giếng nước của các hộ gia đình cạn trơ đáy. Các hộ gia đình phải san sẻ từng can nước ăn còn tắm rửa, giặt giũ, tận dụng những con mương, dòng suối còn lại chút nước.

 

Đồng chí Lò Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã trăn trở: Khoảng 5 năm lại đây, tình trạng thiếu nước ở Nà Phòn ngày càng gay gắt. Theo số liệu thống kê, thì toàn xã có đến trên 50% diện tích canh tác thiếu nước. Một phần trong số đó đã phải bỏ hoang. Việc thiếu nước đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của bà con. Thực tế này rất cần sự quan tâm, tháo gỡ của chính quyền các cấp, ngành liên quan.

 

 

 

                                                                       Dương Liễu

 

 

Các tin khác


Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Thời tiết ngày 19/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/4, nhiều vùng trên cả nước đều có nắng nóng, riêng miền Trung có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối khả năng có mưa rào và giông vài nơi.

Khẩn trương tìm kiếm hai người mất tích do lật thuyền ở Sìn Hồ, Lai Châu

Ngày 18/4, ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, chiều tối 17/4, trên địa bàn huyện có mưa lớn kèm gió lốc đã khiến hai người bị mất tích do lật thuyền tại vùng ngập thủy điện Sơn La, thuộc địa phận xã Nậm Mạ. Mưa lốc cũng gây nhiều thiệt hại về nhà ở, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục