Nghề cá Việt Nam đã trải qua hơn 4 năm thực hiện các tiêu chí của Ủy ban châu Âu chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Để con đường gỡ bỏ thẻ vàng được thuận lợi hơn, hầu hết ngư dân đều thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều này được ngư dân cộng đồng nghề cá thể hiện qua những cam kết, thực thi và theo quy định, dưới sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.



Tàu đánh bắt hải sản trên vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Cam kết không đánh bắt trái phép

Là một trong 28 địa phương có số lượng tàu cá khai thác xa bờ lớn nhất nhì cả nước, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chính sách và các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu rõ Luật Thuỷ sản 2017. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tổ chức tuyên truyền phổ biến luật về chống khai thác trái phép đối với cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh. Các chủ tàu cá đã được phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, những ảnh hưởng của khai thác bất hợp pháp tới kinh tế, chính trị, quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng.  

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh có chiều dài từ 15 mét trở lên đang còn hoạt động đã được lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Liên tục trong hai năm qua, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chủ quyền biển đảo, pháp luật biển cho hàng chục nghìn lượt chủ tàu cá.

Từ cuối năm 2021 tới nay, Kiên Giang không phát hiện trường hợp tàu cá vi phạm do khai thác hải sản bất hợp pháp. Năm 2022, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU, tăng cường quản lý đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.

Riêng tại khu vực biển Nam Trung bộ, tỉnh Ninh Thuận cũng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định. Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ  sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, để nâng cao hiệu quả chống khai thác bất hợp pháp, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền trưởng và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá nhận thức đúng về thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu, cũng như những cảnh báo xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp. Cùng với quản lý bằng thiết bị giám sát hành trình, hàng tháng, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận phân công các kỹ sư khai thác hải sản đi cùng ngư dân ra các ngư trường khai thác của các vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang,…

Các kỹ sư sẽ hỗ trợ người dân thêm các kĩ thuật khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Qua hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 45/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Ninh Thuận đã tổ chức 70 lớp tuyên truyền cho gần 3.000 chủ tàu, thuyền trưởng, người dân, tổ chức cho gần 2.300 lượt chủ tàu ký cam kết không đưa tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hải sản Việt Nam

Ngoài các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, sản phẩm hải sản Việt Nam còn có những lợi thế về chất lượng cũng như đa dạng sản phẩm chế biến, thực hiện tốt các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, sản phẩm hải sản Việt Nam đang được nâng cao năng lực cạnh tranh đối với hải sản cùng loại tại các quốc gia trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững kinh tế biển, cũng như ngư dân nghề cá duy trì lâu dài các hoạt động khai thác trên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển, giữ gìn giống loài thủy sản trên biển, ngoài hoạt động khai thác, các địa phương có biển đang đẩy mạnh hoạt động nuôi biển; điển hình như Kiên Giang, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên,…

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2021, diện tích nuôi biển của cả nước đạt 260.000 ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600.000 tấn; trong đó nuôi cá biển 8.700 ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38.000 tấn; nhuyễn thể 54.500 ha, 375.000 tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, 2.100 tấn; rong biển 10.150 ha, 120.000 tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác: cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm…đạt 3.720 tấn, cao hơn 2 lần so với năm 2015 (1.585 tấn). Với sản lượng hải sản được nuôi này, có thể giúp nghề cá Việt Nam dần thay thế nguồn hải sản khai thác xa bờ, đồng thời với chất lượng nuôi được đầu tư kĩ lưỡng, có là thể cho ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của thị trường thế giới.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã phê duyệt chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững. Để các đề án phát triển nuôi biển được hiệu quả, các địa phương tổ chức được sản xuất trên cơ sở đã ban hành từ kỹ thuật đến mật độ, số lượng, năng suất và thời vụ thời điểm thả giống. Đồng thời, từng địa phương phải có đầu mối tiêu thụ, bán ra, kế hoạch sản xuất phải đảm bảo đúng quy định. Các quy định văn bản quy phạm pháp luật đã có nhưng điều cần nhất là thực hiện nghiêm túc. Có như vậy mới giảm thiểu những rủi ro về môi trường nuôi cũng như thực hiện đúng quy hoạch ở các địa phương, tạo điều kiện phát triển bền vững ngành nuôi biển. 

Khi sản phẩm nuôi biển đạt đến chất lượng như sản phẩm hải sản khai thác, điều này sẽ giúp sản phẩm hải sản từ hoạt động nuôi có thể được ưu tiên lựa chọn tại các thị trường khó tính, đặc biệt là có thêm sự hỗ trợ về thuế nhập khẩu cũng như các tiêu chí chất lượng đã được nhà nhập khẩu thông qua. Như vậy, hoạt động nuôi biển chỉ mới được chưa trọng đầu tư trong hai năm gần đây, nhưng cũng là một trong những hoạt động tích cực giúp nghề cá Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU, phát triển nghề cá nhân dân bền vững.


                                 TheoBaotintuc

Các tin khác


Cần sớm xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Tam Quan

Hiện nay, nhiều ngư dân ở thị xã Hoài Nhơn và các huyện phía Bắc Bình Định đang bức xúc và khó khăn khi di chuyển từ cửa biển Tam Quan đến cảng cá Tam Quan do luồng lạch và cửa biển bị bồi lắng. Với số lượng tàu lớn nên việc di chuyển ra vào cảng cá rất chật hẹp, nhất là mỗi khi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng của mưa bão trên biển, gây mất an toàn cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hòa Bình tặng quà ngư dân nghèo tỉnh Kiên Giang

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Hòa Bình cùng các đơn vị, nhà hảo tâm vừa tổ chức chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, tặng quà cho ngư dân tại huyện An Biên và Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Vùng 2 Hải quân hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố tàu cá hỏng máy trên biển

Vào lúc 9 giờ, ngày 31/3, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía Nam, tàu 953, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân nhận được tín hiệu giúp đỡ từ tàu cá mang số hiệu BTh 96313TS.

Biển Côn Đảo... nét trầm lắng thơ mộng

Côn đảo là một quần đảo rộng khoảng 76 km2, gồm 16 hòn đảo, lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP. HCM 230 km và cách TP. Cần Thơ khoảng 83 km. Về mặt hành chính, Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với bờ biển dài 200 km, Côn Đảo có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch; khai thác, chế biến hải sản; phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Nơi đây có nhiều bãi tắm đẹp như các bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, Đầm Trầu, Hòn Cau, Hòn Tre...

Tuổi trẻ Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật 719 phối hợp tổ chức hội trại thanh niên

Ngày 22 và 23/3, tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Đoàn cơ sở Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật 719 phối hợp cùng đoàn trường THPT Ngô Gia Tự và đoàn trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang tổ chức "Hội trại Thanh niên 2024” chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).

Xử phạt chủ tàu cá vi phạm trong đánh bắt trên biển

Ngày 21/3, tại Đồn Biên phòng Sông Đốc, Cơ quan nghiệp vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau triển khai Quyết định của UBND tỉnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá CM 92114 TS do đưa tàu đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục