(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 24 cá nhân với số tiền 145,5 triệu đồng; gọi hỏi răn đe 17 trường hợp vì những vi phạm liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Đáng lưu ý, trong đó có nhiều trường hợp đăng tải thông tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến dịch Covid-19, gây ra những tác động tiêu cực cho công tác phòng, chống dịch (PCD) trên địa bàn tỉnh.


Công an huyện Yên Thủy tuyên truyền lưu động cho người dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TT&TT đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng và tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm về công tác PCD Covid-19. Tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Tuyên truyền quan điểm, các chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương về PCD Covid-19; thông tin hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tuyên truyền Quyết định số 1670/QĐ-UBND, ngày 9/8/2021 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, tuyên truyền sinh động thông điệp "5K" bằng nhiều hình thức phù hợp từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền. Cập nhật các hướng dẫn, quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới PCD Covid-19. Trong đó, tập trung về các nội dung liên quan đến việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội; tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế F0, F1; thông tin tiêm vắc xin phòng Covid-19 và lợi ích của việc tiêm chủng; hướng dẫn, cảnh báo các hành vi, thói quen, kỹ năng an toàn, mất an toàn bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ lan tỏa, dễ áp dụng để mỗi người, mỗi gia đình hiểu biết đầy đủ về các biện pháp tự bảo vệ trong mùa dịch, trong vùng có dịch.

Sở TT&TT cũng yêu cầu các cơ quan báo chí truyền thông, Trung tâm VH-TT&TT các huyện, thành phố tuyên truyền, cập nhật liên tục, kịp thời, chính xác thông tin từ nguồn tin chính thống của Bộ Y tế, ngành y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn. Chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật. Chủ động phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác PCD Covid-19 trên các phương tiện truyền thông, không gian mạng.

Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. Nhân rộng cách làm hay, mô hình phòng, chống hiệu quả; đặc biệt, phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tổ chức các chương trình tọa đàm tư vấn về y tế, phỏng vấn chuyên gia y tế… phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng cụ thể.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng, duy trì, thường xuyên cập nhật tin, bài trên chuyên trang, chuyên mục, dành vị trí dễ tiếp cận và thể hiện nội dung thông tin sinh động, đa chiều, sáng tạo về công tác PCD Covid-19. Hệ thống phát thanh - truyền hình các cấp tăng cường tần suất phát sóng các chương trình, chuyên mục giáo dục, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khỏe tối thiểu 3 lần/ngày, lựa chọn phát sóng vào khung giờ, thời điểm có nhiều người nghe, xem; đẩy mạnh sản xuất các chương trình giải trí, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền thông điệp "5K", hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người dân.

 Dương Liễu

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục