(HBĐT) - Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong năm 2021 có 5.618 người lao động rút BHXH 1 lần với số tiền trên 152 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2022 có 1.267 người rút với số tiền trên 34 tỷ đồng. Qua so sánh, quý I/2022, số người rút BHXH 1 lần tăng 6,4% so với quý I/2021. Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay có gần 7.000 người rút BHXH 1 lần, đồng nghĩa với việc khi về già gần 7.000 người sẽ không có lương hưu, chế độ, chính sách và phải nương dựa vào gia đình.
Cán bộ BHXH tỉnh tư vấn, tuyên truyền cho người lao động về chính sách BHXH.
Hàng trăm lý do để rút
Sáng 20/4, chúng tôi có mặt tại bộ phận một cửa UBND huyện Lạc Sơn. Tại cửa giao dịch BHXH có lượng người đến giao dịch đông nhất. Qua tìm hiểu, ngoài những giao dịch về chế độ, chính sách, làm thẻ, tờ khai… thì giao dịch rút BHXH 1 lần có số lượng người nhiều nhất. Đang làm thủ tục rút chế độ bảo hiểm 1 lần, chị Lê Thị Kim Chi ở xã Tân Lập cho biết: Trước tôi đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Tôi tham gia BHXH được 31 tháng. Do tình hình dịch bệnh nên nghỉ ở nhà làm không tham gia BHXH nữa. Vừa nộp hồ sơ, anh Nguyễn Văn Lộc, xã Nhân Nghĩa cho biết: Trước khi có quyết định rút BHXH 1 lần nhiều người cũng khuyên can, cán bộ BHXH cũng tư vấn về việc nên tiếp tục tham gia. Tôi đã tham gia được 9 năm. Trước tôi làm ở Hà Nội, giờ về quyết định mở cửa hàng bán quần áo ở nhà nên cần vốn. Gia đình cũng đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. Đồng chí Bùi Văn Quân, cán bộ BHXH là người trực tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực bảo hiểm ở bộ phận một cửa huyện Lạc Sơn cho biết: Trong thời gian gần đây, lượng người lao động đến rút BHXH 1 lần tăng đột biến, chủ yếu là những lao động của huyện đi làm xa. Nhiều người tham gia hơn 10 năm cũng xin rút. Cán bộ BHXH cũng tuyên truyền tại chỗ, phân tích những thiệt hơn khi rút BHXH 1 lần, nhiều người nhận thấy lợi ích khi tiếp tục tham gia. Nhưng khi đến đây họ vẫn xin rút, lý do rút thì nhiều nhưng chủ yếu là khó khăn về kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm…
Đẩy gánh nặng cho gia đình
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Chế độ (BHXH tỉnh) cho biết: Nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều người lao động mất việc làm. Sau dịch, người lao động có hướng dịch chuyển về địa phương. Khi bị mất việc làm hoặc chuyển đổi sang nghề khác thì ngoài lương, trợ cấp của doanh nghiệp, người lao động thường nghĩ ngay đến BHXH đã đóng trong thời gian lao động. Đây là khoản tích lũy để người lao động được hưởng chế độ lương hưu khi không còn tuổi lao động. Qua tìm hiểu trong thời gian này, nhiều người lao động mất việc khó khăn thật sự. Họ đành phải rút BHXH để trang trải cuộc sống khi tìm công việc mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng có bộ phận không nhỏ, thấy có tiền là rút về tiêu xài, sắm sửa trước mắt. Họ chưa lường trước được cảnh khi về già không có nguồn tài chính ổn định như lương hưu để trang trải cuộc sống. Người đến rút BHXH 1 lần chủ yếu từ lứa tuổi trên 20 - 40 tuổi. Đây là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng đến công tác an sinh, gây bất an cho xã hội. Khi về già không có sức lao động, nhiều bệnh tật... không có lương sẽ là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong thời gian vừa qua, ngành BHXH đã tích cực tuyên truyền cho người lao động. Ngay tại bộ phận một cửa khi có người lao động đến giao dịch cũng đã tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, rất ít người thay đổi ý định. Do vậy, thay đổi nhận thức về BHXH của người lao động, nhất là lao động trẻ cần sự tuyên truyền sâu rộng của các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là thành viên hộ gia đình. Đối với cơ chế, chính sách cần thay đổi phù hợp thực tế với nhiều chính sách linh hoạt, thu hút người lao động tham gia.
Việt Lâm
(HBĐT) - Chiếm khoảng 21% dân số, học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng được triển khai thực hiện BHYT từ những ngày đầu. Trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng đầu tiên được định hướng bao phủ BHYT vì mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên còn góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện đang được tính toán theo lương cơ sở, đơn cử như: trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau, sau thai sản; trợ cấp 1 lần khi sinh con… được sửa đổi theo hướng hưởng số tiền cụ thể và điều chỉnh mức theo quy định lương hưu.
Chiều 2/3, BHXH Việt Nam cho biết đã có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp triển khai Công điện số 72 của Thủ tướng để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.
(HBĐT) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 17/1/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh.
Do phát hiện có hiện tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không đúng quy định, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc thực đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu.
(HBĐT) - Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Hai chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững.