Ngành GD - ĐT huyện Lạc Sơn đưa chiêng Mường vào các hoạt động ngoại khóa góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc.

Ngành GD - ĐT huyện Lạc Sơn đưa chiêng Mường vào các hoạt động ngoại khóa góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc.

(HBĐT) - Thực trạng kiểm kê cho thấy, người Mường có tới 36 lễ hội lớn và nhiều lễ hội nhỏ. Trong đó có 24 lễ hội đã sử dụng âm nhạc chiêng, vì vậy đã tạo nên một không gian văn hoá chiêng độc đáo. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà hầu hết các lễ hội dân gian truyền thống dần mai một, đến nay không còn được tổ chức. Theo số liệu của các nhà nghiên cứu trước đây, vào đầu những năm 90, thế kỷ XX, ở huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, nhân dân còn giữ được trên 4.000 chiếc chiêng Hơ và chiêng Nay (chiêng Xưa và chiêng Nay). Vì hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn (trong những năm 1976 - 1990), rất nhiều gia đình đã phải bán những chiếc chiêng cổ quý giá. Từ sau năm 1990 đến nay, kho tàng chiêng quý của người Mường đã mất mát, “chảy máu” nhiều hơn nữa. Số chiêng bị bán đi nhiều nhất lại là chiêng Hơ - những chiếc chiêng quý giá nhất, có giá trị cao về âm nhạc và kinh tế.

 

Thực trạng chiêng của người Mường “chảy máu” tăng nhanh theo cơ chế thị trường. Giá trị kinh tế của chiêng ngày càng gia tăng kích thích người săn tìm buôn bán kiếm lời. Một số người muốn sưu tập và chơi đồ cổ dẫn đến số lượng chiêng, đặc biệt là những chiếc chiêng Hơ quý giá vơi đi rất nhanh. Trong khi người dân lại chưa có nhận thức đầy đủ về giá trị của chiêng cũng như văn hóa chiêng. Các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức đến việc sưu tầm, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa nên chiêng bị buôn bán, phân tán, trôi nổi trên thị trường. Chính quyền các cấp chưa có giải pháp phù hợp hỗ trợ, giúp đỡ người dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của chiêng cũng như âm nhạc chiêng vận dụng vào đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân. Trong những năm gần đây, được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của Nhà nước về thiết chế văn hóa, kinh phí hoạt động cùng với ý thức tự giác đóng góp của nhân dân, phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở cũng phát triển mạnh mẽ, trong đó có nhiều đội chiêng tự phát được thành lập. Một số lớp truyền dạy chiêng Mường cho thế hệ trẻ ở các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Tân Lạc và thành phố Hoà Bình được tổ chức. Vai trò của chiêng, dàn chiêng đã được sử dụng trong không gian mái nhà sàn dân tộc Mường thông qua các lễ thức, phong tục tập quán, tín ngưỡng...

 

Từ giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, âm nhạc chiêng tuy được phát triển về quy mô trình tấu, trình diễn bước đầu mở rộng về giai điệu, hoà thanh mang hơi thở thời đại mới, song tiếc thay số lượng chiêng và giàn chiêng, không gian văn hoá chiêng Mường đã bị thu hẹp về nhiều mặt. Tuổi thơ của trẻ nhỏ không còn được nghe những tiếng chiêng gọi mẹ. Ngày xuân các gia đình vẫn luyến tiếc hội sắc bùa, ước mong những lời chúc phúc, cầu may đầu xuân. Một số nơi vẫn sử dụng tiếng chiêng canh hơi, tiễn biệt nhưng rời rạc và không còn sức mạnh linh thiêng thấu đến cõi lòng. Một số bản nhạc chiêng cổ truyền cũng bị mai một, lãng quên hoặc xé ra rồi phát triển vô lối làm biến dạng vốn âm nhạc đặc sắc quý giá của âm nhạc chiêng Mường.

 

Kế thừa, phát huy không gian văn hoá chiêng Mường Hòa Bình với nguyên tắc “gạn đục khơi trong”, chọn lọc những giá trị có thể làm đẹp, làm giàu, làm tốt hơn với giá trị cao hơn góp sức xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá dân tộc. Tỉnh ta đã và đang triển khai các biện pháp để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể như: Từ năm 2010, Sở VH - TT&DL đã tiến hành kiểm kê số lượng chiêng trong địa bàn tỉnh. Năm 2012, 2013, 2014, Sở tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của người Mường trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, Sở kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Chiêng Mường. Năm 2013, 2014, Sở đã nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các làn điệu chiêng cổ của người Mường Hòa Bình. Năm 2014, Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015 đã tạo điều kiện và hỗ trợ nghệ nhân Chiêng Mường xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Mới đây nhất, cùng với mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường của tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để di sản chiêng Mường được bè bạn trong và ngoài nước biết tới, góp phần bảo tồn các giá trị của nền văn hóa Hòa Bình giàu bản sắc.

 

                                                               

                                                                            H.L (TH)

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục