(HBĐT) - Dưới thời Nguyễn chưa có tỉnh Hòa Bình. Lúc đó, miền đất Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ và một phần Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Tây được gộp vào một tên chung là tỉnh Hưng Hóa. Tuần phủ Hưng Hóa lúc Pháp xâm lược nước ta là nhà yêu nước Nguyễn Quang Bích...

 

Từ dòng sông Đà lịch sử này,  nghĩa quân của Đốc Ngữ -nghĩa quân sông Đà đã có nhiều cuộc chuyển quân, tấn công vào các điểm đóng quân của thực dân Pháp ở Chợ Bờ vào những năm cuối  thế kỷ XIX.

 

Thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp, ngày 22/6/1886, Kinh lược Bắc ra nghị định thành lập tỉnh Mường bao gồm những địa hạt mà dân cư phần đông là người Mường tại các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình. Tỉnh lỵ tỉnh Mường đặt tại chợ Bờ thuộc châu Đà Bắc (vốn là đất của tỉnh Hưng Hóa trước đó) trên bờ sông Đà. Vào các năm tiếp theo, tỉnh lỵ có những thay đổi như chuyển về xã Phương Lâm (vốn thuộc phủ Quốc Oai) và được gọi là tỉnh Phương Lâm. Ngày 5/9/1986, tỉnh lỵ Phương Lâm được chuyển đóng tại làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình, phía tả ngạn sông Đà. Từ đó, tỉnh Phương Lâm được gọi là tỉnh Hòa Bình. Địa bàn tỉnh Hòa Bình lúc này bao gồm các châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Đà Bắc. Lúc đó, Hòa Bình là một tỉnh nhỏ, diện tích khoảng 4.500 km2. Về dân số, vào năm 1901, tỉnh có 6 châu (3.956 dân đinh). Châu Kỳ Sơn có 2 tổng, chia thành 8 làng; châu Lương Sơn (5 tổng, 21 làng), châu Lạc Sơn (4 tổng, 50 làng), châu Lạc Thủy (9 làng), châu Mai Châu (2 tổng, 4 làng), châu Đà Bắc (2 tổng, 5 làng). Năm 1908, châu Lạc Thủy cắt về tỉnh Hà Nam. Từ đó, đến cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Hòa Bình chỉ có 5 châu, chia thành 14 tổng và 85 làng xã. Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình có 4 phố là Hòa Bình, Phương Lâm, Chợ Bờ, suối Rút. Hòa Bình là tỉnh lỵ. Phương Lâm là lỵ sở châu Kỳ Sơn; Chợ Bờ là lỵ sở châu Đà Bắc, lỵ sở châu Lương Sơn đặt tại làng Kê Sơn; lỵ sở châu Lạc Sơn đặt tại làng Thân Thượng. Theo tài liệu niên giám thống kê năm 1937 - 1938 vào năm 1936, diện tích Hòa Bình 4.600 km2 với 54.000 dân (46.297 người dân tộc Mường, chiếm 85,23%. Ngoài ra còn có các dân tộc Dao, Thái, Mông... Về bộ máy cai trị tỉnh Hòa Bình, đứng đầu là một công sứ người Pháp, dưới công sứ có phó công sứ và một văn phòng giúp việc. Bên cạnh bộ máy cai trị chỉ huy của người Pháp có một bộ máy thừa hành người bản địa (chánh quan lang, phó quan lang và một số quan lại giúp việc). Từ năm 1910 - 1933, Hòa Bình trải qua 14 đời công sứ và 5 chánh quan lang (hay tuần phủ). Trong suốt 50 năm thống trị của thực dân Pháp, nền kinh tế Hòa Bình vẫn là nền kinh tế tự sản, tự tiêu, tự ứng, tự đủ, giẫm chân tại chỗ. Công nghiệp không phát triển, thương mại trì trệ. Đời sống nhân dân không nhưng không cải thiện mà ngày càng sa vào cảnh cùng khốn. Thiết lập chế độ thống trị ở Hòa Bình, ngay từ đầu, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách dùng người Mường trị người Mường, đối lập người Mường với các dân tộc chung quanh. Dưới 2 tầng áp bức của chủ nghĩa tư bản và chế độ quan lang, xã hội Hòa Bình phân hóa thành 2 tầng lớp: tầng lớp quan lang được thực dân Pháp đưa vào hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến làng xã và tầng lớp dân bản đông đảo không có ruộng đất, phải lao động không công cho quan lang và phải gánh chịu chế độ phu phen, tạp dịch hết sức nặng nề...

 

Cũng trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong các phong trào đánh Pháp, ủng hộ phong trào Cần Vương, nhân dân Hòa Bình đã góp phần to lớn của mình vào phong trào chung của cả nước. Đất Hòa Bình đã nhuộm máu đào của nhiều nghĩa sĩ yêu nước và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà trong mưu việc lớn đánh Pháp khỏi bờ cõi như Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, nghĩa quân sông Đà Đốc Ngữ, Đề Kiều, tổng Kiêm, Đốc Bang... Nguyễn Quang Bích nguyên là tuần phủ Hưng Hóa. Có uy tín nên nhiều thủ lĩnh chống Pháp ở miền Tây Bắc đã quy tụ dưới cờ nghĩa của ông, tiêu biểu như Nguyễn Văn Giáp, Đèo Văn Trì, Đề Kiều, Đốc Ngữ... Đốc Ngữ, tức Nguyễn Đức Ngữ, quê ở huyện Phúc Thọ, Sơn Tây. Địa bàn hoạt động của ông rất rộng, trong đó có Hòa Bình, dọc triền sông Đà và các cùng có đồi núi xung quanh (nên hay được nhân dân gọi là nghĩa quân sông Đà). Nhiều chiến công của nghĩa quân Đốc Ngữ vẫn được lịch sử Hòa Bình ghi nhận. Trận tấn công đồn Chợ Bờ của ông có tiếng vang (tiêu diệt được tên quyền phó công sứ tỉnh Phương Lâm, san phẳng đồn, thu 118 súng trường kiểu1874 và 4 súng lục cùng 40.000 viên đạn…Sau này, cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng tinh thần của ông và nghĩa quân sông Đà luôn là động lực, thúc đẩy nhân dân trong vùng đứng lên đánh giặc. Sau này, cuộc nổi dậy của nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang cũng tạo được dấu ấn trong lịch sử đánh Pháp của tỉnh nhà. Cuộc tấn công vào lỵ sở Hòa Bình (ngày 2/8/1909) của nghĩa quân đạt được thắng lợi: tiêu diệt được sinh lực địch, phá nhà lao thả các tù phạm, thu 150 khẩu súng trường và 35.000 viên đạn. Dù thất bại, những cuộc nổi dậy của Tổng Kiêm, Đốc Bang chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất, lòng hy sinh dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường của đồng bào Mường chống lại chế độ thống trị của thực dân Pháp.

 

 Đồng bào Mường, Kinh, Dao, Tày, Mông... đã góp sức người, sức của vào phong trào chung; tô thắm thêm truyền thống đấu tranh bất khuất chống xâm lược của nhân dân Hòa Bình và góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam. Truyền thống đó là nền tảng cơ bản cho chặng đường tiếp nối đến những năm tháng khi có Đảng, cách mạng lãnh đạo tạo nên những động lực lớn để nhân dân các dân tộc Hòa Bình xuống đường làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền sau này.

 

(Còn nữa)

Bài 11:  Hòa Bình trong cách mạng Tháng 8 năm 1945

 

                                                 Bùi Văn (tổng hợp)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục