(HBĐT) - Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/10/1991, tỉnh Hòa Bình được chia tách từ tỉnh Hà Sơn Bình và chuyển về địa điểm được xác định là tỉnh lỵ mới - thị xã Hòa Bình. Sau khi được chia tỉnh, nhân dân và cán bộ trong tỉnh vô cùng phấn khởi, sôi nổi, khẩn trương chuẩn bị các mặt để tập trung vào hoạt động.

 

Tuy nhiên, gặp muôn vàn khó khăn vì Hòa Bình là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ quá nhỏ bé, sơ sài, lạc hậu... CB -CC-VC để hình thành các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thiếu trầm trọng vì khi chia tỉnh, bộ máy tỉnh Hà Sơn Bình rất ít CB -CC-VC về Hòa Bình, thậm chí có ban, ngành không có người nào. Trụ sở làm việc, nơi ăn ở của CB -CC-VC các cơ quan phần lớn phải nhờ các cơ quan thị xã Hòa Bình, Ban Công tác sông Đà và nhà dân. Tài sản, vốn liếng được chia từ tỉnh cũ quá ít ỏi, một khó khăn nổi bật phải giải quyết là nạn thiếu đói diễn ra trầm trọng ở nhiều thôn, xã. Hàng vạn người hết lương thực, điển hình như các xã Lạc Thịnh (Yên Thủy), Yên Nghiệp, Bình Hẻm (Lạc Sơn)... Hàng vạn nhân khẩu phải xin T.ư cứu trợ khẩn cấp.

Từ năm 2013, TP Hòa Bình xây dựng biểu tượng với ý tưởng 6 bông lúa vươn lên từ mặt nước tượng trưng cho nền văn minh lúa nước, cho 6 dân tộc chính của tỉnh đoàn kết xây dựng Hòa Bình thành một đô thị hiện đại, văn minh.

ảnh: p.v

 

Trước tình hình đó, tỉnh có chủ trương tập trung giải quyết: một mặt nhanh chóng ổn định tổ chức và nơi làm việc của các cơ quan, mặt khác chỉ đạo các huyện xuống các xã bàn bạc, giải quyết những công   việc cấp bách để ổn định tinh thần, đời sống cho người dân, đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, rau màu ngắn ngày để nhanh chóng khắc phục nạn thiếu đói, ổn định đời sống nhân dân, báo cáo khẩn cấp về T.ư để xin cứu trợ lương thực giải quyết tạm thời.

 

Dựa vào các chủ trương nghị quyết và sự chỉ đạo của T.ư, tỉnh đã ra nhiều nghị quyết tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, TTCN, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có năng suất cao. Tháng 8/1992, tỉnh ra Nghị quyết “phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với việc bảo vệ và phát triển vốn rừng”. Định hướng nêu rõ: Diện tích cây lương thực của tỉnh quá ít, chỉ chiếm 14% so với đất lâm nghiệp bình quân đầu người quá thấp nên phải nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất cao, đưa KH -KT, giống mới vào thâm canh cây lương thực. Đồng thời phải phát triển mạnh mẽ cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày gắn với bảo vệ và phát triển vốn rừng. Mục tiêu phấn đấu mỗi hộ đều có vườn rừng, cải tạo vườn nhà, vườn tạp để trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Các ngành, đoàn thể đều có nghị quyết vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân khai thác tiềm năng đất đai, lao động và chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại các địa phương trong tỉnh để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển vốn rừng. Đầu năm 1995, toàn tỉnh có diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày đạt gần 30 vạn ha. Nhờ sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, sản xuất dần ổn định, cây trồng, vật nuôi đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Phong trào phủ xanh đất trống, đồi trọc, giao đất, giao rừng cho hộ nông dân được quản lý, bảo vệ và chăm sóc  rừng đạt hiệu quả, nhờ đó, màu xanh của rừng đã trở lại. Diện tích rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng theo dự án PAM có kết quả khá, giữ được rừng tái sinh, giảm tỷ lệ phá rừng làm nương. ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng được nâng lên rõ rệt.

 

Trải qua 25 năm kiên trì phấn đấu, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực không ngừng, sản xuất dần phát triển, đời sống nhân dân ổn định. 25 năm so với lịch sử chưa phải là dài nhưng so với sự vươn lên phát triển của một tỉnh nghèo là vô cùng có ý nghĩa. Hòa chung với thắng lợi đổi mới của đất nước, sự chỉ đạo hỗ trợ đầu tư nhiều mặt của T.ư, các lĩnh vực KT -XH đều có tốc độ phát triển khá. Cơ cấu kinh tế từ chỗ sản xuất nông, lâm nghiệp là chính nay chiếm gần 20% tổng thu nhập GDP, còn lại là giá trị công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh. Bình quân thu nhập quốc dân tính theo đầu người năm 1995 chỉ đạt 1, 6 triệu đồng/người nay đã đạt trên 36 triệu đồng /năm. Sản lượng lương thực đạt gần 20 vạn tấn nay nâng lên trên 36 vạn tấn. Vùng cây ăn quả, cây công nghiệp, đặc biệt là cây cam, cây bưởi, mía tím, chè... đã hình thành vùng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Độ che phủ rừng đạt trên 50% tổng diện tích. Kinh tế công nghiệp từ chỗ vô cùng nhỏ lẻ, nay có tốc độ tăng trưởng khá, đã hình thành những khu công nghiệp tập trung sản xuất đa ngành nghề như may mặc, điện tử, chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng...

 

Nhờ sản xuất phát triển nên thu NSNN cũng khá cao, tăng gấp nhiều lần so với 25 năm trước đây. Đời sống nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Một thành quả  đặc biệt quan trọng là công tác xóa đói, giảm nghèo đã có   những thành tựu đáng mừng, căn bản không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn khoảng trên 10% (tiêu chí cũ).

 

 

                                                                           Nguyễn Văn Cửu

                                                              (Nguyên PBT Thường trực Tỉnh Uỷ)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục