(HBĐT) - Sau 25 tái lập tỉnh, GD&ĐT tỉnh ta đã không ngừng đổi mới, phát triển và đạt được những thành tích đáng kể. Bộ mặt các nhà trường khang trang, sạch đẹp. Quy mô trường, lớp phát triển phù hợp, huy động tối đa trẻ em đến trường học tập. Chất lượng GD &ĐT được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, chăm lo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp GD &ĐT.

 

Nhìn lại những ngày mới tái lập tỉnh, sự nghiệp GD &ĐT gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, bất cập cả về quy mô, cơ cấu, nhất là về chất lượng và hiệu quả. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 - 35 mù chữ chiếm tới 14%; chưa phổ cập được giáo dục tiểu học; tỷ lệ sinh viên trên dân số còn thấp; lao động qua đào tạo mới đạt dưới 15%. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, cơ cấu xã hội và cơ cấu vùng của đội ngũ sinh viên, học sinh các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chưa hợp lý. Giáo dục chuyên nghiệp, nhất là đào tạo công nhân kỹ thuật có lúc suy giảm, mất cân đối lớn về cơ cấu trình độ trong đội ngũ lao động ở nhiều ngành, nghề. Quy mô đào tạo nghề quá nhỏ bé, trình độ, thiết bị đào tạo lạc hậu.

 

 

Trường THCS Lý Tự Trọng - TP Hòa Bình được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy, cô giáo và học sinh. (ảnh: Việt Lâm)

 

 Sau tái lập tỉnh, GD&ĐT của tỉnh có bước phát triển mới, vượt bậc. Một trong những thành tựu nổi bật là đã đảm bảo tốt nhất quyền được giáo dục, học tập của trẻ em. Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp tới các bản, làng, thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và con em các dân tộc trong tỉnh. 100%  xã, phường, thị trấn, kể cả vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã có trường, lớp mầm non, tiểu học, THCS. 100% huyện, thành phố có trường THPT, nhiều huyện có từ 2-3 trường THPT. GD &ĐT Hòa Bình đã ngăn chặn được sự giảm sút quy mô và có bước phát triển mạnh. Trước năm 1991, toàn tỉnh có trên 10 vạn học sinh, đến nay đã có hơn 20 vạn học sinh, sinh viên, học viên. Giáo dục mầm non, nhất là mẫu giáo 5 tuổi phát triển mạnh. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học đã được chặn đứng. GD &ĐT đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ học vấn cao hơn phục vụ các nhu cầu phát triển KT -XH và AN -QP. Công tác phổ cập giáo dục đạt thành tựu quan trọng. Năm 1995, Hòa Bình được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, là tỉnh miền núi thứ 2 và là tỉnh thứ 13 trong cả nước hoàn thành công tác này. Năm 2003, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Năm 2005 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đặc biệt, năm 2012, tỉnh ta là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ hai trong cả nước được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được nâng lên; giáo dục đại trà có bước phát triển rõ rệt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì và nâng cao. Số học sinh khá, giỏi, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.208 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 23 giải nhất.

 

 Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh ta đã huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách Nhà nước để phát triển sự nghiệp giáo dục. Trong đó, ngân sách Nhà nước hàng năm đầu tư cho giáo dục bình quân trong 5 năm gần đây vượt 8,2% so với quy định. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hoá và hiện đại. Bộ mặt các nhà trường trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, sạch, đẹp.  Đến nay, toàn tỉnh có 8.649 phòng học các cấp, trong đó, phòng kiên cố chiếm 83,7%, phòng học bán kiên cố 1.308 phòng, chiếm 15,1%; phòng học tạm và các phòng khác 1,2%; ngoài ra có 145 phòng học nhờ, mượn cho các chi trường mầm non; có 262 phòng học bộ môn; 215 phòng thực hành tin học; 69 phòng học ngoại ngữ... Toàn tỉnh có 257 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 36,2%, trong đó có 61 trường mầm non, đạt tỷ lệ 26,8% (có 6 trường đạt chuẩn mức độ 2); 111 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 51,62% (có 10 trường đạt chuẩn mức độ 2); 77 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 33,5%; 8 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 21,1%.

 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 21.337 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn ngày càng cao với 98,9%  giáo dục mầm non, 100% giáo dục tiểu học, THCS, THPT, GDTX, GDCN đạt trình độ chuẩn trở lên. Trong đó, trình độ trên chuẩn giáo dục mần non 49,6%, GDTH 69,2%; THCS 51,9%; PTDTNT THCS 68,20%, THPT 9,9%; giáo dục thường xuyên 5,03%; giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm 60,2%; giáo viên trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật 66,7%.

 

GD&ĐT Hoà Bình xuất hiện ngày càng nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Phong trào thi đua hai tốt “Dạy tốt, học tốt” được nâng lên một bước. Các nhà trường tiếp tục duy trì kỷ cương, nền nếp trong dạy và học. Đặc biệt, GD&ĐT tỉnh ta 8 năm liên tục từ năm học 2008 - 2009 đến nay được Bộ GD &ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc, tiêu biểu.

 

(Còn nữa)

Vũ Tùng (TH)

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục