(HBĐT) - Từ bao đời, cộng đồng các dân tộc Hòa Bình, đặc biệt là người Mường có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa. Lễ hội các dân tộc nơi đây gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân tồn tại ở đây từ lâu đời. Điều đó đã làm nên sự phong phú trong đời sống tinh thần và trong bản sắc văn hóa Hòa Bình; mang đậm các tín ngưỡng dân gian và biểu hiện rõ sự giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc. Trong đó có nhiều lễ hội tiêu biểu có sức sống trường tồn cùng thời gian, tiếp tục được các thế hệ hôm nay lưu truyền, phát huy…

 

 

Trình tấu cồng chiêng là nét đặc sắc trong lễ hội Khai Hạ - Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân.

 

Lễ hội xuống đồng (khuống mùa) của người Mường là lễ hội phổ biến từ xưa. Mục đích của lễ hội là để cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đồng thời, việc thực hành những nghi lễ cầu mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, giao lưu, vui chơi giải trí và bày tỏ ước vọng của mình về cuộc sống tươi đẹp, bình yên. Lễ hội này thường diễn ra vào dịp đầu xuân như ở vùng Mường Bi - Tân Lạc tổ chức vào dịp lễ khai hạ (mùng 7 tháng giêng) thuộc vùng các xã như Phong Phú, Địch Giáo, Quy Hậu... Hiện nay, lễ hội này được tổ chức quy mô hơn trước đây với những nghi lễ, hoạt động phong phú và thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện (rước thánh Tản, thi xắc bùa, thi đấu bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc như đánh mảng, ném còn, bắn nỏ, thi ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thi trang phục dân tộc…). Lễ hội khuống mùa ở vùng mường Chiềng, mường Tôm (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn) cũng có nhiều dấu ấn tốt trong đời sống cộng đồng. Hội xắc bùa của người Mường được duy trì và có tính phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Mường từ xa xưa. Đây là một hội vui có tính giải trí diễn ra vào dịp đầu năm mới ở những bản Mường để mọi người cầu chúc nhau may mắn, mạnh khỏe. Ngoài ra những dịp vui khác, người dân cũng xắc bùa như đón khách quý từ xa đến, dựng nhà mới, đón dâu… Bên cạnh đó, người Mường còn có các lễ hội khác như lễ cầu mưa, cầu mùa, lễ cơm mới, lễ đu tre. Nhiều lễ hội ở một số huyện gắn với các truyền thuyết, những địa danh cụ thể. Sau một thời gian gây dựng, nay các lễ hội đã có quy mô lớn hơn trong khâu tổ chức và được quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh như: lễ hội đình Cổi (Bình Chân - Lạc Sơn), lễ hội đình Vai (Thanh Nông - Lạc Thủy), lễ hội đền và miếu Trung Báo (Cao Thắng - Lương Sơn), lễ hội đình Xàm (Phú Lai - Yên Thủy), lễ hội chùa Hang (Yên Trị - Yên Thủy), lễ hội chùa Tiên - Phú Lão, lễ hội đền Rem ở thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy)… Trong đó, lễ hội đền Bờ ngày càng được du khách gần xa quan tâm, tham gia nhiều hơn. Hiện nay, đền Bờ được xây dựng 2 nơi: trên đỉnh đồi hang Thầu (xã Vầy Nưa - Đà Bắc) và trên đồi thuộc xã Thung Nai (huyện Cao Phong). Tương truyền, năm 1431 - 1432, vua Lê Lợi đi dẹp giặc ở Mường Lễ (Sơn La) qua đoạn thác Bờ hiểm trở đã được người dân địa phương giúp đỡ tận tình. Trong số đó có bà Đinh Thị Vân (người Mường ở xã Hào Tráng) và một bà người Dao ở Vầy Nưa đã giúp nhà vua quân lương, thuyền bè vượt thác… Khi hai bà mất, vua Lê Lợi đã truy phong công trạng của 2 bà và ban chiếu cho lập đền thờ. Từ đó, người dân thường mở hội hàng năm vào tháng giêng để tưởng nhớ 2 bà và các vị thần.  Bên cạnh là một trong những điểm nhấn của “tour” du lịch hồ Hòa Bình, đền Bờ được du khách tìm đến bởi có một vị trí trong đời sống tâm linh, ngưỡng vọng của mỗi gia đình, du khách mỗi dịp đầu năm… Những năm gần đây, di tích và lễ hội này thu hút rất đông khách thập phương. Lễ hội được tổ chức vào dịp tháng giêng (chính hội) nhưng du khách đến đây hầu như quanh năm.

 

Trong cộng đồng các dân tộc anh em ở Hòa Bình, dân tộc Thái, Tày, Mông, Dao cũng có nhiều lễ hội đặc sắc, tạo nên nét bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Lễ hội Xên bản, xên Mường là một lễ hội phổ biến của người Thái ở Mai Châu. Lễ Xên bản, xên mường chính là lễ cúng bản, cúng mường, thờ cúng thành hoàng bản Mường, những người lập nên bản người Thái. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân địa phương, tưởng nhớ công lao to lớn của các vị tiền nhân có công lao với cộng đồng và cầu cho bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng giêng khi hoa đào còn rực rỡ trên các sườn non. Lễ hội có các hoạt động như rước cỗ từ nhà tạo mường ra miếu làm lễ, múa hát, đánh trống chiêng, thi bắn súng hỏa mai và cung nỏ, thi ném còn, chọi gà, thi chim họa mi hót, thi trâu béo khỏe… Hiện nay, lễ hội đã mang nhiều nét mới. Sau nhiều năm bị mai một, từ năm 2011, huyện Mai Châu đã khôi phục lại lễ hội và giữ lại gần như nguyên gốc các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, những nét truyền thống lâu đời của người Thái. Lễ hội Xên mường được tổ chức tại xã Chiềng Châu khá bài bản bởi nơi đây được coi là điểm phát tích của người Thái di cư từ Bắc Hà về vào khoảng thế kỷ XIII. Đây cũng là hoạt động góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử và tiềm năng văn hóa du lịch Mai Châu, nhất là khi huyện vùng cao này được phê duyệt quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030.

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, nhiều lễ hội khác cũng mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc như lễ đặt tên - cấp sắc của người Dao quần chẹt (lễ đặt tên thánh cho người trưởng thành). Tết Nhảy của người Dao quần chẹt là một sinh hoạt tín ngưỡng nhưng mang đậm tính lễ hội. Đây là một sinh hoạt mang tính gia đình nhưng có sự tham dự của cả cộng đồng người Dao. Do nhu cầu tự thân và hướng tới sự phát triển mới, nhiều lễ hội đã hình thành và mang yếu tố “thời sự”, gắn với kinh tế hàng hóa, quảng bá du lịch như lễ hội cam Cao Phong… Các lễ hội văn hóa (dù cũ hay mới phát sinh) đều nhằm tới những mục đích trong sáng, có ý nghĩa xã hội, tạo cho người dân cơ hội tìm hiểu, gắn kết với nhau để xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh… chắc chắn sẽ được đón nhận một cách tự nhiên và có sức sống lâu bền.

 

(Còn nữa)

                                                                             

                                                           Bùi Huy (TH)

 

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục