(HBĐT) - Hòa Bình không chỉ là cái nôi của người Việt tiền sử với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, miền đất này còn được biết đến với nhiều di tích, danh thắng đặc biệt. Những điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho mảnh đất này những cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn và kỳ vĩ.

 

Hang Đầu Rồng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích danh thắng vào năm 2012.

 

Các yếu tố như địa chất, thiên nhiên đã tạo cho Hòa Bình hàng trăm hang động tự nhiên lớn nhỏ với sức hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Các di chỉ khảo cổ và hệ thống đình, đền, miếu mạo gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình hết sức độc đáo. Các hang động không chỉ là sản phẩm đơn thuần của tự nhiên, tạo hóa mà với thời gian, bàn tay và khối óc con người nguyên thủy đã biến nó thành đối tượng phục vụ cho cuộc đấu tranh sinh tồn của mình và khắc lên đấy những dấu ấn có ý nghĩa to lớn trong lịch sử phát triển của xã hội loài người nói chung, khu vực Đông Nam á và quốc gia Lạc Việt nói riêng…

     

Tính đến tháng 4/2016, tỉnh Hòa Bình có 41 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh có 24 di tích lịch sử văn hóa, 5 di tích lịch sử cách mạng, 1 di tích danh thắng. Di tích cấp tỉnh do Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định và cấp bằng công nhận. Cấp quốc gia có 14 di tích lịch sử văn hóa, 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh thắng. Di tích cấp quốc gia do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây (nay là Bộ VH-TT&DL) ra quyết định và cấp bằng công nhận.

 

Trong các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian và gắn liền với tâm thức con người, trở thành một bộ phận của đời sống văn hóa, thông qua không gian tâm linh cụ thể, trực tiếp, trực diện là hệ thống đình, đền, miếu mạo, lăng tẩm vốn là nơi thờ phụng các thánh thần, các anh hùng, danh nhân có công với nước, với cộng đồng dân cư gia tộc, dòng họ đến gia đình, xóm, bản. Khi đến thăm, bái vọng, con người thể hiện một niềm tin, gửi gắm những khát khao và quan niệm về chân - thiện - mỹ. Qua đó, con người cảm nhận được nguồn động viên, khích lệ có thêm sức mạnh tinh thần, sức trỗi dậy của bản năng sinh tồn, sức mạnh trí tuệ để chống chọi và vượt qua những khó khăn, thách thức từ thiên tai, địch họa…Nhiều di tích tiêu biểu có sức sống cùng thời gian và nay tiếp tục được đầu tư, quan tâm hơn về nhiều mặt; có đời sống mạnh mẽ trong cộng đồng như động Tiên (xóm Lão Nội, xã Phú Lão, Lạc Thủy), hang Chùa và Chùa Hang (xóm á Đồng, xã Yên Trị, Yên Thủy), khu mộ cổ Đống Thếch (xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi), đền và miếu Trung Báo (thôn Trung Báo, xã Cao Thắng, Lương Sơn)…

 

Bên cạnh đó, nhiều di tích danh thắng cùng các thắng cảnh đẹp của tỉnh đã được nhiều báo, tạp chí trong nước giới thiệu; thu hút sự quan tâm của độc giả. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và nhiều “tour”, tuyến, điểm du lịch đã chọn tìm đến trong các địa chỉ đỏ trên đất Hòa Bình như động Thác Bờ (xã Ngòi Hoa, Tân Lạc), quần thể hang động khu vực chùa Tiên (xã Phú Lão, Lạc Thủy), quần thể hang động núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong, Cao Phong), động Tiên Phi (xóm Gai, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình), hang Mỏ Luông (thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu), động Hoa Tiên (xóm Ngòi, Ngòi Hoa, Tân Lạc)...

Nhiều danh thắng đẹp, nhiều làng, bản mang đậm bản sắc dân tộc cũng đang được du khách gần xa tìm đến như bản Mường Giang Mỗ (xã Bình Thanh - Cao Phong), xóm ải (Phong Phú - Tân Lạc), các bản, làng của người Thái như: Bản Lác, bản Văn, Poom Cọong (huyện Mai Châu) đang là các điểm đến ấn tượng. Trong đó, bản Lác (xã Chiềng Châu) nằm gọn, không tách rời khỏi thung lũng Mai Châu quyến rũ, nên thơ. Bản Lác của người Thái còn giữ được khá đậm nét những phong tục, tập quán cùng bản sắc văn hóa riêng biệt của mình: những ngôi nhà sàn cao ráo, sạch đẹp được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp; ngành nghề truyền thống được giữ vững (dệt thổ cẩm…) cùng tâm hồn mộc mạc, giản dị của đồng bào dân tộc nơi vùng cao tạo được thiện cảm đối với du khách.

 

Hiện nay, nhiều danh thắng, cảnh đẹp khác trên địa bàn tỉnh đang được khai thác và có cơ hội quảng bá rộng rãi như thác Mu (Lạc Sơn), Nhà máy thủy điện Hòa Bình, các khu bảo tồn thiên nhiên… Cùng với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thì di tích lịch sử cách mạng là một phần hết sức quan trọng trong hệ thống các di tích, danh thắng tỉnh ta. Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, nhiều địa danh đã trở thành di tích lịch sử cách mạng và tồn tại như những nhân chứng lịch sử. Tiêu biểu như nhà tù Hòa Bình ở phường Tân Thịnh(TP Hòa Bình). Nhà tù được xây dựng năm 1896 để giam giữ thường phạm; năm 1943 là nơi giam giữ một số tù chính trị từ nhà tù Sơn La chuyển đến. Những năm 1943-1945, phong trào hoạt động cách mạng của chi bộ nhà tù do đồng chí  Lê Đức Thọ làm bí thư đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng ở Hòa Bình. Di tích nhà tù Hòa Bình vừa là nơi ghi dấu tội ác của thực dân, vừa là nhân chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Di tích này đã được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận là di tích quốc gia. Nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với quá trình cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 như: Chiến khu Mường Khói (xóm Re, xã ân Nghĩa, Lạc Sơn); khu căn cứ cách mạng Mường Diềm (xóm Bay, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc), khu Căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương (các xã Hiền Lương, Tu Lý và Cao Sơn, huyện Đà Bắc), khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên (xã Yên Thượng, Tân Phong, Thu Phong, huyện Cao Phong). Liên quan đến các chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nơi lưu dấu chiến công của anh hùng Cù Chính Lan năm 1951 (xóm Giang, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong), địa điểm chiến thắng dốc Tra (xóm Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc). Là nơi Bác Hồ từng về thăm: địa điểm Nhà máy In tiền tại đồn điền Chi Nê (1946-1947), xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy. Là tình hữu nghị Việt - Lào: Địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân Lào (phường Chăm Mát, TP Hòa Bình)… Những di tích lịch sử cách mạng không chỉ là điểm đến tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa mà còn là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản cho các thế hệ trẻ, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển KT-XH, giữ vững AN-QP hôm nay ở tỉnh ta.

 

(Còn nữa)

Bài 19: Những nét chính về nhà ở, làng bản các dân tộc thiểu số tỉnh ta

 

                                                                            

                                                                    Bùi Văn (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục