(HBĐT) - Hòa Bình là điểm đến thú vị và hấp dẫn du khách thập phương bởi cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú và những con người thân thiện, hiếu khách. Nơi đây còn nổi tiếng bởi nền “Văn hóa Hòa Bình” được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến cùng sự đa dạng, phong phú của đời sống văn hóa các dân tộc Hòa Bình như Kinh, Mường, Tày, Thái, Dao, Mông…Hòa Bình được biết đến khi còn là “thủ phủ” của các món ăn lạ, độc đáo, có sức hút đối với du khách thập phương. ở một góc độ nào đó, ẩm thực các dân tộc ở Hòa Bình đã được nâng lên tầm văn hóa ẩm thực. Tại các lễ hội, ngày tết hay những ngày có ý nghĩa đối với dòng họ, thôn, bản hay gia đình, các món ăn đặc sản được dịp biện lễ tạo được dấu ấn tốt đối với du khách…

Sự đa dạng trong các món ăn tại một hội thi ẩm thực của huyện Cao Phong.

 

Người Mường có mặt ở hầu hết 11 huyện, thành phố trong tỉnh, chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh. Người Mường có nhiều món ăn hấp dẫn và tạo được ấn tượng tốt đối với khách thập phương như: cá nướng đồ, măng chua nấu thịt gà, chả cuốn lá bưởi, lợn thui luộc, thịt lợn muối chua, măng đắng, thịt trâu nấu lá lồm, rau rừng thập cẩm đồ, xôi các màu, cơm lam, canh loóng, rượu cần, bánh uôi…

 

Trong đó, món gà nấu măng chua đã làm nên “thương hiệu” ẩm thực Hòa Bình. Gà nuôi thả, có trọng lượng khoảng trên 1 kg được làm sạch, bỏ riêng nội tạng. Sau đó, chặt thịt gà ra nhiều miếng nhỏ đem ướp với măng chua (măng giang, măng bương càng muối lâu càng tốt) cùng với gia vị bóp ướp để từ 20-30 phút cho ngấm hương vị của măng cùng gia vị vào miếng thịt. Sau đó, cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1-2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ, rắc thêm một chút hạt dổi nướng giã nhỏ (nếu được hạt dổi Chí Đạo-Lạc Sơn càng nức mùi thơm hơn).

 

 Rượu cần là loại rượu không thể thiếu trong gia đình người Mường khi tiếp khách, vui chơi, uống trong đám cưới,  mừng nhà mới, thờ cúng, lễ tạ…Rượu cần được làm bằng cách lấy một nắm lá rừng nghiền nhỏ, rồi trộn với tinh bột để tạo men, sau đó cho vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, khách chỉ cần đổ nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng đóng chai vào đầy bình. Tục uống rượu cần thể hiện cách uống theo nhóm người, đông và vui. Trong tiệc rượu, mọi người ngồi quây tròn bên nhau cùng thưởng thức cái êm nồng, dịu ngọt, ngây ngất của rượu cần cùng với tiếng chiêng tràn ngập không khí lễ hội.

 

Tuy hết sức dân dã nhưng món rau đồ cũng đem đến cho thực khách sự bắt mắt, ngon miệng trong các bữa ăn. Món rau đồ quen thuộc gồm cả rau rừng, lá thuốc, các loại lá thập cẩm trong vườn nhà (hoa chuối, lá đu đủ, rau beo, rau tầm bóp, cà quẹng, rau đốm…) sau khi đồ lên khoảng 30-40 phút. Lúc ăn, chấm nước lòng cá tạo nên sự đan xen trong vị giác(chút đắng, cay, chua, chát, ngọt, bùi…)

 

Từ bao đời, người Thái Mai Châu đã góp nên nét bản sắc độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Hòa Bình. Trong đó, sự phong phú trong ẩm thực cũng là điều ghi nhận. Tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng ở Mai Châu hôm nay, du khách tìm đến cũng mong được thưởng thức các đặc sản ẩm thực (bên cạnh các ‘món ăn” tinh thần như dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà sàn, trang phục dân tộc…). Tập quán sinh hoạt, tập quán canh tác đã có người Thái một “kho” tư liệu về các món ăn truyền thống như cơm lam, lạp bò, nậm pịa, thịt trâu khô, măng đắng, thịt chuột rừng, rượu cần…Nhiều món cũ vẫn có được đời sống riêng và hiện nay, các điểm du lịch, bà con tiếp tục học hỏi để nâng tầm chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách. Xôi nếp Mai Châu từng được đi vào thi ca với câu thơ của thi sĩ Quang Dũng: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…Nếp được ngâm nhiều giờ trước khi đồ xôi. Người phụ nữ Thái đồ xôi bằng chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không bằng nấu. Việc chế biến khá kỳ công và khéo léo. Nếp xôi thường được ăn với thịt gà đồi, cá suối nướng, thịt lợn bản. Cơm lam Mai Châu được làm từ nguyên liệu gạo nếp, ống nứa (tre), lá chuối…Người Thái làm bằng cách bỏ gạo nếp vào ống tre đã chọn lọc và nút lại bằng lá chuối khô. Đốt một đống lửa to, chờ lửa cháy đượm, bắt đầu xếp các ống cơm lên. Trong lúc nướng phải xoay ống tre thật đều. Người có kinh nghiệm, không cần bấm giờ vẫn có thể biết cơm đã chín chưa thông qua mùi vị tỏa lên xung quanh. Khi thưởng thức, vị dẻo của gạo nếp, hòa quyện vào mùi thơm của ống tre và lá chuối tạo nên một hương vị đặc biệt. Hiện nay, mỗi buổi sáng sớm, tại các bản, làng đang phát triển mạnh văn hóa du lịch của Mai Châu như bản Lác, bản Văn, Pom Coọng… đều có hình ảnh những người phụ nữ Thái nướng cơm lam, bán cho du khách gần xa.

 

Các dân tộc Tày, Dao, Mông…cũng góp vào danh mục thực đơn nhiều món ăn độc đáo được du khách thích thú. Nếu người Tày có các món chủ đạo như: mắm cá và cá chua; thịt gà giò nấu canh canh gừng, nghệ, món bánh giò, dân tộc Dao có món “đặc sản” đồ uống là rượu hoẵng và thịt chua. Mỗi dân tộc đều có nét riêng trong các món ăn tạo nên sự khác biệt, phong phú trong văn hóa ẩm thực của Hòa Bình. Chính điều đó là nền tảng quan trọng cho du lịch Hòa Bình ngày càng phát triển. Du khách thấy hài lòng, thích thú khi được thưởng thức những món ăn có từ lâu đời của người dân nơi đây…(Còn nữa)

 

                                                                       Bùi Văn (Tổng hợp)

 Bài 21: Trang phục các dân tộc Hòa Bình, nét bản sắc cần được lưu giữ

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục